(TN&MT) - Nguồn nước trong kênh mương, ao hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây mùi hôi phát tán, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Đây là hệ quả của việc nuôi tôm ồ ạt đang diễn ra ở xã Hoài Mỹ, Hoài Hải (Hoài Nhơn). Trong khi đó, chính quyền các địa phương vẫn chưa có giải pháp khả thi để khắc phục tình trạng này.
Ô nhiễm “bủa vây”
Ông Đặng Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, cho biết, trên địa bàn 2 xã Hoài Mỹ và Hoài Hải hiện có 2 vùng nuôi tôm; trong đó, khu vực nuôi tôm ở khu vực Bắc Lý, thôn Công Lương có diện tích 19 ha nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững và vùng nuôi tôm tự do nằm dọc đầm Nam Lý, thôn Công Lương với diện tích 18 ha. Đáng nói, ở khu vực tôm nuôi được quy hoạch nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học ở Bắc Lý dù được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống ao xử lý nước thải. Tuy nhiên, thay vì người nuôi thực hiện việc xử lý nước thải theo quy trình đã được hướng dẫn thì họ chọn cách xả thẳng nước và chất thải chưa qua xử lý ra ngoài kênh mương, ao hồ khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm kéo dài.
Đáng nói, vùng nuôi tôm này được ngăn cách với các khu dân cư ở thôn Kim Giao Trung, Kim Giao Nam, xã Hoài Hải bằng con kênh rộng chừng 100m. Do vậy, mỗi khi nước, chất thải nuôi tôm được hộ nuôi xả ra đã phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân tại địa phương. “Nhiều lúc đang ăn cơm, mùi hôi từ chất thải nuôi tôm phát tán, cả nhà phải bỏ bữa, nhất vào mùa nắng nóng. Nguồn nước các kênh mương nằm dọc vùng nuôi tôm này thì ô nhiễm nặng nề lắm rồi. Cứ đà này, người dân mắc bệnh hết cả thôi”, một người dân ở thôn Kim Giao Nam, ta thán.
Trong khi đó ở vùng nuôi tôm dọc đầm Nam Lý, hầu hết, việc đào ao nuôi tôm mang tính tự phát. Theo tìm hiểu, một số hộ dân ở đây tuy đã đầu tư kinh phí cải tạo ao nuôi theo hình thức nuôi cao triều băng cách đắp đất và cát nâng đáy ao, lót đáy và mái ao bằng nilon, xây dựng ao chứa lắng để xử lý nước cấp và chuyển từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, do không có quy hoạch nên mỗi ao có một cách cải tạo khác nhau, nên việc nuôi, xử lý nước và chất thải của người dân không theo một quy trình nào. Hệ quả, nguồn nước xung quanh vùng nuôi bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều ao hồ, kênh mương dọc đầm Nam Lý sau thời gian bị nước, chất thải tích tụ đã chuyển sang bốc mùi hôi thối trầm trọng. Nguồn lợi thủy sản ở đầm Nam Lý vì thế cũng suy kiệt nhanh chóng vì môi trường sống bị ô nhiễm.
Tại xã Hoài Hải, tình trạng nuôi tôm tự phát ở thôn Kim Giao Thiện cũng đang diễn ra ồ ạt với hàng chục ao nuôi, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Các hồ nuôi tôm ở đây đa phần không có hệ thống xử lý nước thải cho từng cụm vùng, làm cho nước mặn và chất thải thấm sâu vào đất các khu dân cư gây nên hiện tượng nước sinh hoạt bị ô nhiễm không thể sử dụng được; hiện tượng nhiễm mặn đã xuất hiện phổ biến và gây rất nhiều trở ngại trong sinh hoạt cho bà con trên địa bàn xã. “Nguồn nước ngầm ở địa phương đang bị cạn kiệt; những giếng có nước thì cũng bị nhiễm mặn và có mùi tanh nên chỉ có thể sử dụng để giặt giũ, nước uống phải đi mua từng bình rất tốn kém”, một hộ dân ở thôn Kim Giao Thiện, bức xúc nói.
Sẽ ngưng cung cấp điện đối với các hộ vi phạm
Đó là cách thức xử lý sẽ được áp dụng đối với các hộ nuôi tôm cố tình chây ỳ không chấp hành việc bảo vệ môi trường ao hồ, vùng nuôi mà lãnh đạo xã Hoài Mỹ đưa ra. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, nhìn nhận: Việc quản lý nuôi tôm còn nhiều bất cập; trong đó, hạ tầng cơ sở vùng nuôi như hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ. Cá biệt, ở vùng nuôi tôm dọc đầm Nam Lý, thôn Công Lương chủ yếu do phát triển tự phát nên hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải không có. Do vậy, nước, chất thải đều xả thẳng ra môi trường. Một số hộ chưa chấp hành tốt về lịch thời vụ, chưa tự giác trong vấn đề phòng trừ dịch bệnh, tự ý cải tạo hồ nuôi không đúng quy hoạch làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Trong khi ở khu vực nuôi tôm thuộc vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học Bắc Lý tuy có ao xử lý nước thải, nhưng số ít hộ nuôi chưa có ý thức bảo vệ môi trường nên xả thẳng ra môi trường.
Đề cập tới giải pháp khắc phục, ông Dũng cho hay, trước mắt chính quyền địa phương sẽ rà soát lại công tác nuôi tôm trên địa bàn; tổ chức nhắc nhở, cho các hộ dân ký cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi và sẽ có hình thức đề nghị Điện lực ngưng cung cấp điện đối với các hộ cố tình vi phạm không chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong việc thả nuôi tôm. Đối với các diện tích hồ nuôi ở vùng tự phát, xã sẽ rà soát, kiểm tra cụ thể và sẽ thu hồi các ao nuôi nếu phát hiện có vi phạm về Luật Đất đai.
Ông Trần Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Hải, nhận định: “Tuy vùng nuôi tôm an toàn sinh học ở Bắc Lý, thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ được đầu tư ao xử lý nước thải. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý nước thải đối với vùng nuôi. Nước, chất thải đã gây ra hiện tượng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống bà con ở địa phương. Đối với các hồ nuôi tôm ở thôn Kim Giao Thiện nằm gần khu dân cư, thời gian tới, xã tiến hành rà soát và lên phương án thu hồi, không cho thả nuôi”.