Hòa Vang (Đà Nẵng): Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm

20/06/2017 00:00

(TN&MT) - Nhằm thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” theo chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng, thời gian qua, huyện Hòa Vang đã tăng cường triển khai công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Từ đầu năm đến nay, huyện Hòa Vang tiến hành kiểm tra hơn 1.000 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn; trong đó các ngành chức năng của huyện tổ chức 5 đợt kiểm tra đột xuất tại 311 cơ sở, các địa phương kiểm tra 690 lượt cơ sở. Qua kiểm tra, toàn huyện xử phạt hành chính 46 trường hợp vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, với số tiền trên 40 triệu đồng.

Ngoài ra, huyện đã cử 3 cán bộ tham gia lớp đào tạo lấy mẫu gửi kiểm nghiệm, tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý ATTP cho cán bộ trực tiếp quản lý của huyện và 11 xã; tuyên truyền, tập huấn kiến thức về ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tiểu thương tại các chợ. Trong 5 tháng đầu năm 2017, các ngành của huyện đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và các địa phương cũng tích cực tổ chức nhiều đợt kiểm tra thường xuyên các cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý.

Nhằm thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, thời gian qua, huyện Hòa Vang đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện
Nhằm thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, thời gian qua, huyện Hòa Vang đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện

Mặt trận và các đoàn thể của huyện cũng tích cực vào cuộc thực hiện công tác giám sát chấp hành pháp luật về ATTP. Hội LHPN giám sát tại các chợ, cơ sở dịch vụ ăn uống; Liên đoàn lao động huyện phụ trách giám sát các bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp, xí nghiệp; Đoàn Thanh niên giám sát tại các bếp ăn tập thể trong trường học và nhóm lớp độc lập tư thục; Mặt trận huyện giám sát hộ kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ nấu ăn lưu động. Mặt trận và các hội đoàn thể cũng đã tích cực tổ chức tuyên truyền ở 119 thôn.

Bên cạnh công tác kiểm tra giám sát, huyện Hòa Vang cũng đang từng bước phát triển nền nông nghiệp hữu cơ theo hướng đô thị, sinh thái nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng và VSATTP.

Được biết, đến nay đã hình thành vùng trồng lúa giống hữu cơ tại hai thôn An Trạch (xã Hòa Tiến), thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) với diện tích 25ha và xã Hòa Phong (20ha); xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ, sản xuất VietGap tại các vùng trồng rau an toàn theo hướng đầu tư hạ tầng đồng bộ gắn với chuỗi cung cấp rau, củ, quả an toàn. Các mô hình chăn nuôi lợn, gà đồi, gà thả vườn theo hướng nông nghiệp hữu cơ cũng đã phát triển tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Ninh...

Đặc biệt, mới đây khu nhà kính sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh đã hoàn thành và đi vào sản xuất vụ đầu tiên, tập trung canh tác các loại rau ăn lá và ăn quả theo phương thức trồng cá thể và thủy canh. Mô hình không chỉ giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động mà còn từng bước chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người dân tại địa phương làm theo.

Chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang) đang được đầu tư, nâng cấp tiến tới chuẩn chợ “văn minh thương mại”
Chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang) đang được đầu tư, nâng cấp tiến tới chuẩn chợ “văn minh thương mại”

Đảm bảo ATTP tại các chợ

Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 19 chợ, gồm 3 chợ loại 2 do huyện quản lý (chợ Túy Loan, chợ Lệ Trạch và chợ Miếu Bông) và 16 chợ loại 3 do các xã quản lý. Sau khi thành lập Ban quản lý các chợ huyện Hòa Vang (3/2017) công tác bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn thường xuyên  triển khai đồng bộ và đi vào chiều sâu hơn. Tổ quản lý chợ mỗi tuần 2 lần dọn vệ sinh, xịt nước rửa và phun thuốc diệt ruồi, khử trùng. Hệ thống nước ở chợ cũng đã được đầu tư bài bản, bảo đảm vệ sinh.

UBND huyện Hòa Vang đang có chủ trương lắp đặt hệ thống camera giám sát tại chợ Túy Loan. Theo đó, công trình có tổng kinh phí trên 500 triệu đồng, ngoài chợ lắp 5 camera với kinh phí của huyện, bên trong chợ lắp 6 camera, do có tài sản của tiểu thương nên kinh phí được phân chia theo tỷ lệ các ngành hàng 70%, Nhà nước 30%.

Ngoài ra, Tổ quản lý chợ Túy Loan vận động bà con tiểu thương, trước hết là 360 hộ kinh doanh cố định ở đình 1 và đình 2 đầu tư trên 641 triệu đồng làm quầy, đóng sạp theo mẫu mã thống nhất. Ngoài ra, 130 người bán hàng nhỏ lẻ cố định trong chợ cũng đã có mái che, đóng thùng, đóng kệ theo phương thức xã hội hóa. Riêng 80 hộ kinh doanh hàng rong sắp tới sẽ được dời ra khu đất trống 700m2, tổ quản lý vận động lắp mái che thay vì dùng các loại dù, bạt.

UBND huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục cho chợ Miếu Bông của như: cải tạo, lát gạch nền, lợp mái tôn hành lang, đổ bê - tông, nâng nền; nạo vét mương quanh chợ; cải tạo, nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy... với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng.

Đối với chợ Lệ Trạch đang trong quá trình xây dựng chợ mới, các hộ kinh doanh thực phẩm rau, củ, quả, cá, thịt còn đang bán ở chợ tạm nên chưa thể vận động bà con tiểu thương đóng sạp, quầy. Việc tiến hành giải tỏa, đền bù các hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch xây chợ Lệ Trạch cần sớm được tiến hành để chợ sớm hoàn thành đi vào hoạt động và bảo đảm ATVSTP trong thời gian sớm nhất.

Bài & ảnh: Yến Nhii

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Vang (Đà Nẵng): Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO