Hòa Bình: Giải pháp tháo gỡ vướng mắc cấp GCN đất lâm nghiệp cho dân

18/12/2018 14:37

(TN&MT) - Với việc chậm cấp sổ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) lâm nghiệp cho người dân đối với một tỉnh giàu tiềm năng đất đai, tài nguyên như Hòa Bình đã ảnh hưởng đến phát triển KT-XH địa phương và lộ trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Tìm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục là việc cần làm ngay để người dân an tâm phát triển kinh tế rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

IMG 2835
Đất đai được cấp sổ, đồng bào yên tâm phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, bản làng khang trang.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan chuyên môn tỉnh Hòa Bình, trong số 131.762 giấy chứng nhận (GCN) đã cấp  có 33.902 GCN (tương ứng với 25,75%) giấy đã ký cấp nhưng còn tồn ở Chi nhánh Văn phòng đất đai các huyện, thành phố; 1.824 giấy tồn ở UBND các xã (chiếm 1,39%) ; 20.042 giấy (tương ứng với 15,22%) UBND huyện chưa ký và 4.465 giấy sai sót cần chỉnh sửa, đính chính (chiếm 3,39%) … chưa trao đến tay người dân. Tính đến tháng 10/2018,  vẫn còn trên 45.900 hộ gia đình, cá nhân trên toàn tỉnh đang phải ngóng… Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (GCNQSDĐLN).

IMG 2837
Nông dân tỉnh Hòa Bình tích cực phát triển kinh tế vườn rừng.

Lý do, GCN đất in sai họ, tên, địa chỉ, thông tin người sử dụng đất; GCN cấp cho nhiều thửa đất nhưng không thể hiện nội dung địa chính trên GCN; diện tích, ranh giới, vị trí thửa đất  trên bản đồ GCN sai lệch so với hiện trạng sử dụng đất…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai sót, tồn tại, cả nguyên nhân chủ quan và khách quan; công tác đo đạc ở địa phương chưa được phối hợp chặt chẽ; việc phối hợp giữa người dân với chính quyền và cơ quan chuyên môn chưa chặt chẽ, gây khó khăn trong công tác quy chủ dẫn đến việc kê khai, đăng ký chưa đồng bộ. Khối lượng GCN lớn, công tác xét duyệt hồ sơ đăng ký , ký cấp GCN của các huyện, thành phố còn chậm làm kéo dài thời gian. Một số nguyên nhân khác, do thực địa thường xuyên biến động (do tách thửa, mua bán, chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế…) nên một số GCN không còn đúng so với hình thửa so với hiện trạng sử dụng đất...

IMG 2838
Thế mạnh của tỉnh Hòa Bình là phát huy thế mạnh đất đai phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển đàn gia súc.

Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã năm bắt tình hình, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan làm rõ tình hình đo đạc, cấp GCNQSDĐ theo Quyết định 672/QĐ-TTg ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Hơn 10 năm ngóng chờ “bìa” đất, bức xúc của người dân đã lên tới đỉnh điểm, lúc này mọi ánh nhìn, sự mong đợi đều hướng về Sở Tài nguyên & Môi trường - đơn vị làm chủ đầu tư Dự án 672. Để xử lý những tồn tại, vướng mắc trong lộ trình cấp GCNQSDĐLN cho dân, tháng 9/2018, Sở Tài nguyên & Môi trường Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc ngành TN&MT tỉnh thực hiện các nội dung cụ thể như: Văn phòng đăng ký đất đai chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường các huyện, thành phố tập trung trao GCN đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện theo quy định. Trường hợp GCN in sai tên, họ, tên đệm, địa chỉ, thông tin người sử dụng đất, sai lệch loại đất khi cấp đổi… thì khẩn trương thực hiện thủ tục đính chính để trao GCN cho các hộ dân. Rà soát, tổng hợp lại các GCN không thể hiện đủ nội dung địa chính như: không in danh sách thửa đất, tên tờ bản đồ trên GCN, GCN được cấp không đúng hoặc được in, ký theo mẫu cũ tiến hành hủy và in lại GCN mới trao cho các hộ gia đình, cá nhân. Xây dựng kế hoạch thực hiện, lập dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt công tác đo đạc, câp nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính 672 để giải quyết các vướng mắc tồn tại.

Phòng Tài nguyên & Môi trường các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền cho các hộ gia đình, cá nhân về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo luật định. Qua đó để người dân sẵn sàng hợp tác trong việc cấp đổi GCNQSDĐ. Hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng, thừa kế, cho, tặng quyền sử dụng đất cũng như khai báo mất GCNQSDĐ theo quy định để thực hiện thủ tục cấp lại GCN. Chi cục Quản lý đất đai; Phòng Đo đạc, Bản đồ, Viễn thám thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường cũng đã được giao việc cụ thể để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong tiến trình cấp GCNQSDĐLN cho dân.

Trung tuần tháng 10, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai khắc phục những sai sót trong quá trình đo đạc, cấp GCNQSDĐ theo Quyết định số 672, ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, để kịp thời cấp GCNQSDĐ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân. Tỉnh Hòa Bình yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường: Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân để xảy ra sai sót trong quá trình đo đạc, cấp GCNQSDĐ theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả với Thường trực HĐND tỉnh (chậm nhất tháng 6/2019). Mặt khác, Sở TN&MT cần chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát lại toàn bộ GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh đã được đo đạc, cấp GCN theo Quyết định số 672, ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Ưu tiên tập trung giải quyết kịp thời ở những địa phương có tỷ lệ sai sót ít và các hộ dân ở địa bàn phức tạp không để xảy ra các điểm nóng liên quan đến sai sót trong cấp GCNQSDĐ. Phối hợp với cơ quan liên quan đề xuất với UBND tỉnh nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính đảm bảo sử dụng kinh phí theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hòa Bình thông tin thêm: hiện Sở đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị tư vấn thực hiện chỉnh sửa 3.088 GCN sai sót về vị trí, hình thửa, loại đất, diện tích đất, hoặc trùng vào đất các dự án, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ… để sớm trao GCNQSDĐ cho dân. Đối với 1.377 GCN sai địa chỉ thửa đất, sai họ tên đệm, số CMND… đang đề nghị chính quyền cơ sở chính quyền thông báo rõ để người dân mang GCN đến chi nhánh Văn phòng đang ký đất đai để được hướng dẫn thủ tục đăng ký biến động hoặc chỉnh lý theo quy định. Sở TN&MT Hòa Bình cũng đã chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp thời gian để trao 35.726 GCN đang còn ở các xã và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đến tay người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Giải pháp tháo gỡ vướng mắc cấp GCN đất lâm nghiệp cho dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO