Hỗ trợ phát triển các vùng nông thôn thích ứng BĐKH

18/11/2015 00:00

(TN&MT) – Những vấn đề phải được đưa vào chiến lược hỗ trợ, phát triển khu vực nông thôn là nội dung quan trọng được thảo luận tại buổi chiếu phim – thảo luận “Thiên tai và BĐKH, những thách thức cần tính đến trong chiến lược hỗ trợ phát triển các vùng nông thôn” do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức tối 17/11, tại Hà Nội.

Phát biểu trong chương trình thảo luận, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Vùng nông thôn là nơi người dân trực tiếp sống nhờ vào năng suất cây trồng từ chất lượng đất và sự vận hành tốt của hệ sinh thái sẽ trực tiếp chịu tác động đặc biệt từ BĐKH. Để giải quyết thách thức trên, AFD – đối tác quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực BĐKH đã tập trung hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn. Trong đó, nhấn mạnh việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao nhận thức người dân khu vực nông thôn về BĐKH.

Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, AFD dựa trên ba nhóm nghiên cứu về BĐKH, đó là: Cơ chế của BĐKH qua thăm dò phạm vi ảnh hưởng của BĐKH ở cấp độ địa phương; Các biện pháp thích ứng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp; Các dự án tầm soát được khí thải, đặc biệt làm CO2.

Các đại biểu tham gia thảo luận, trong đó có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng và ông Rémi Genevey – Giám đốc AFD tại Việt Nam
Các đại biểu tham gia thảo luận, trong đó có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng và ông Rémi Genevey – Giám đốc AFD tại Việt Nam

Về cơ chế của BĐKH, ông Rémi Genevey – Giám đốc AFD tại Việt Nam cho rằng, tình trạng xói mòn đất, rửa trôi, xâm nhập mặn…lan rộng ở các vùng nông thôn. Thực tế này có thể do tác động của BĐKH hoặc phương thức sản xuất của người dân, kế hoạch dài hạn là cần tìm ra nguyên nhân đối với từng hiện tượng cụ thế.

Đối với biện pháp thích ứng BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp phải tìm ra giống lúa mới phù hợp với điều kiện BĐKH. Đó là giống lúa có nguồn gen mạnh vừa chịu mặn, chịu hạn và sâu bệnh nhằm hạn chế bớt rủi ro khi mặn xâm nhập vào ruộng rẫy. Song song với đó thực hiện dự án bảo tồn 200 giống lúa quý của Việt Nam.

Cùng với đó, giải pháp giảm thiểu CO2 phát thải do sản xuất nông nghiệp hết sức quan trọng. Chẳng hạn như: việc trồng cây ngô hiện nay của bà con thường gây ra lượng phát thải CO2 lớn, không bảo vệ được đất so với cây lúa. “AFD đang xây dựng dự án nông nghiệp thông minh về mặt khí hậu, dự án này giúp tăng 0,4% lượng Carbon có thể lưu giữ trong đất. Hi vọng có thể đưa ra lời mời dự án với các đối tác trong thời gian tới”, ông Rémi Genevey cho hay.

Triển lãm
Triển lãm "60 giải pháp đối mặt với BĐKH" được tổ chức trong khuôn khổ chương trình

Để triển khai và phát huy hiệu quả các chiến lược hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn thì sự phối hợp với người dân địa phương hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh BĐKH. Tuy nhiên, những khó khăn về ngôn ngữ cũng như hiểu biết của người dân địa phương, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số đang thực sự là một rào cản lớn.

Được biết, Bộ NN&PTNT đã triển khai một số dự án như: Quản lý rủi ro, thiên tai dựa vào cộng đồng thực hiện trên 6000 xã trong cả nước; Dự án cấp nước sạch vùng nông thôn cho 20 tỉnh Tây Nguyên…“Cần những biện pháp truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường nhận thức người dân địa phương về BĐKH”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng khẳng định.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ phát triển các vùng nông thôn thích ứng BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO