Hỗ trợ Đồng bằng sông Hồng ứng phó với BĐKH

25/02/2016 00:00

  Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, các địa phương đang phải đối diện với nhiều thách thức như lũ lụt, xói mòn bờ biển, thiếu hụt nước trong mùa khô, nhiễm...

 

Tại vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), các địa phương đang phải đối diện với nhiều thách thức như lũ lụt, xói mòn bờ biển, thiếu hụt nước trong mùa khô, nhiễm mặn mặt nước, ô nhiễm nước ngầm… và nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan có thể tàn phá các cơ sở hạ tầng và sinh kế của người dân.

Việt Nam hiện là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Trong đó, ĐBSH và vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) là 2 khu vực có khả năng bị ngập lụt cao nhất.

Ngày 25/2, tại Hải Phòng, Bộ NN&PTNT cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo BĐKH vùng ĐBSH lần thứ 2. Tham dự có lãnh đạo các tỉnh thành khu vực ĐBSH và đại diện các đối tác phát triển quốc tế.

Chương trình Ứng phó với BĐKH của USAID tại Việt Nam có 2 dự án: Dự án rừng và đồng bằng Việt Nam (VFD) và Dự án năng lượng sạch (VCEP). Cải 2 dự án đều được USAID tổ chức đấu thầu quốc tế và lựa chọn đơn vị thực hiện dự án là Winrock Inernational. Văn kiện của dự án được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chính thức phê duyệt ngày 24/12/2013.

Riêng VFD có tổng số vốn hơn 27 triệu USD, trong đó có gần 800.000 USD (3%)  vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam. Với 3 hợp phần đan xen, VFD đưa ra các mục tiêu nhằm chuyển đổi trong việc ứng phó với BĐKH để phát triển bền vững và hạn chế phát thải nhà kính.

Cụ thể, trong mục tiêu ngắn hạn của mình, VFD chỉ ra việc sẽ lồng ghép nội dung BĐKH trong xây dựng, thực hiện và giám sát triển khai kế hoạch sử dụng đất, quản lý, bảo vệ phát triển rừng và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động cấp tỉnh. Cùng với đó, sẽ lồng ghép nội dung BĐKH trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; thí điểm các mô hình sinh kế và quy hoạch dân cư thích ứng với BĐKH trước mắt và lâu dài.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận, ngay trong năm 2015 và sang năm 2016, BĐKH ảnh hưởng sâu rộng đến mọi vùng miền. “Nếu năm 2015 chúng ta thấy rõ sự tác động của hạn hán tại miền Trung Tây Nguyên và ĐBSCL, thì mùa đông vừa qua tại miền Bắc chúng ta đã chúng kiến hiện tượng chưa từng có là nửa đầu mùa đông hầu như thời tiết ấm nhưng sau đó lại có rét kỷ lục tại miền Bắc”, ông Lê Quốc Doanh tổng kết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết: “Sau tết âm lịch, Bộ NN&PTNT đã tổ chức 2 hội nghị khẩn cấp tại ĐBSCL về chống mặn và hạn, nhiều chuyên gia cho rằng thời gian qua Việt Nam đã đạt đến kỷ lục hạn hán và xâm nhập mặn. Như vậy, BĐKH không còn là nguy cơ nữa mà là nó đã hiển hiện trong thực tế cuộc sống”.

Tại Hội thảo, đại diện các tỉnh thành như Nam Định, Ninh Bình và Hải Phòng cũng đã trình bày tác tác động của BĐKH tới các địa phương này cũng như kế hoạch ứng phó với BĐKH.

Đội ngũ tư vấn của VFD cũng đề xuất 3 ý tưởng tại Hội nghị: Thứ nhất là tăng cường hệ sinh thái rừng nhập mặt để ứng phó với BĐKH vùng ven biển miền Bắc Việt Nam; thứ 2 là phát triển nông nghiệp ứng phó với BĐKH ở khu vực ven biển phía Bắc Việt Nam và đề xuất thứ 3 là tăng cường năng lực quản lý môi trường nước ở lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình để giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH khu vực này.

Theo Chinhphu.vn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ Đồng bằng sông Hồng ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO