Hỗ trợ 3 lĩnh vực cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngọc Vương| 28/08/2015 07:36

(TN&MT) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung vào 3 lĩnh vực hỗ trợ cần thiết là hỗ trợ về bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ về chăn nuôi và hỗ trợ lương thực đối với trồng rừng thay thế nương rẫy.

luong-thuc.jpg

3 lĩnh vực hỗ trợ cần thiết là bảo vệ và phát triển rừng, chăn nuôi lương thực với cây trồng

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các chính sách hiện hành trong Chương trình 30a của Chính phủ để đề xuất các nội dung cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thú tướng Chính phủ yêu cầu việc hoàn thiên cơ chế, chính sách trên cần lưu ý đối tượng thụ hưởng cơ chế chính sách chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng 30a và các hộ nghèo tại các xã vùng biên giới và vùng đặc biệt khó khăn đang có các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết hộ gia đình và cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng dân tộc, miền núi gặp rất nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao sống dựa vào rừng; một số nơi rừng vẫn bị tàn phá để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, chính sách chưa tạo ra nguồn lực đủ mạnh để có thu nhập ổn định giúp người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng và sống đuợc bằng nghề rừng.

Để khắc phục những hạn chế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc giai đoạn từ nay tới năm 2020.

bao_ve_rung.jpg

Theo đó, chính sách quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng, lâm sản ngoài gỗ và phát triển sản xuất gắn với xóa đói giảm nghèo với đồng bào dân tộc. Đối tượng là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại các xã khó khăn vùng dân tộc miền núi và cộng đồng dân cư thôn có từ 70% hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số trở lên có tham gia bảo vệ phát triển rừng.

Các hộ gia đình đó sẽ được Nhà nước hỗ trợ khoán bảo vệ rừng với mức 400.000 đồng/hécta/năm (quy định hiện hành là 200.000 đồng) khi nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng chưa giao, chưa cho thuê do Ủy ban Nhân dân cấp xã đang quản lý. Nhà nước hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng theo 2 mức tác động (1 triệu đồng/hécta/năm cho thời gian 6 năm đối với khoanh nuôi đơn giản và mức 2 triệu đồng/héc- ta/năm cho 3 năm đầu và 1 triệu đồng/hécta cho 3 năm tiếp theo).

Nhà nước hỗ trợ trồng rừng sản xuất lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ bằng loài cây khai thác chính sau 10 năm tuổi là 10 triệu đồng/hécta; cây khai thác chính sau 10 năm tuổi là 6 triệu đồng/hécta. Ngoài hỗ trợ trực tiếp, Nhà nước cũng hỗ trợ gián tiếp thông qua ngân hàng bằng việc cấp bù 100% lãi suất đối với trồng rừng sản xuất và chăn nuôi.

Dự thảo Nghị định cũng quy định trợ cấp gạo hoặc tiền mặt tương ứng đối với trồng rừng trên diện tích đất nương rẫy chuyển đổi, mức hỗ trợ là 700kg gạo/hécta/năm, tổng diện tích hỗ trợ không quá 3 hécta và thời gian hỗ trợ không quá 7 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ 3 lĩnh vực cho đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO