Hồ Thác Bà - Yên Bái: Chính quyền ở đâu khi hồ bị xâm phạm?

15/06/2017 00:00

(TN&MT) – Hiện tại, hồ Thác Bà đang bị hàng loạt doanh nghiệp xâm phạm. Đặc biệt, mới đây Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai bị Công ty thủy điện Thác Bà...

(TN&MT) – Được đánh giá là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hồ Thác Bà là nguồn cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Bà và hàng chục nghìn người dân huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái. Tuy nhiên, hiện tại, hồ Thác Bà đang bị hàng loạt doanh nghiệp xâm phạm. Đặc biệt, mới đây Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai bị Công ty thủy điện Thác Bà “tố” đổ gần 10ha đất đá xuống lòng hồ Thác Bà.
 
Những doanh nghiệp xả thẳng ra hồ như thế này không phải là hiếm
Những doanh nghiệp hoạt động ngay cạnh hồ Thác Bà như thế này không phải là hiếm
 
Vừa qua, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã có báo cáo kiểm tra việc xả thải của một số đơn vị hoạt động trên khu vực lòng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
 
Theo đó, kiểm tra 14 đơn vị thì có tới 6 đơn vị xả thải ra hồ Thác Bà. Cụ thể là nhà máy nghiền Cacbonat Canxi của Công ty CP xi măng và khoáng sản Yên Bái tại tổ 19, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình chưa có giấy phép xả thải của nhà máy vào nguồn nước (hồ Thác Bà) theo quy định của Luật tài nguyên nước.
 
Không chỉ vậy, Công ty CP xi măng và khoáng sản Yên Bái còn thải nước thải ra hồ Thác Bà có màu đục trắng với lưu lượng nước thải 400m3/ngày đêm. Ngoài ra, việc thu gom, xử lý bùn, bột đá chưa triệt để nên có tình trạng nước thải, nước mưa cuốn trôi bùn, mạt đá rửa nguyên liệu ra hồ. Một vài vị trí ngoài nhà máy có hiện tượng chất thải rắn, phế thải chưa được thu gom triệt để, trôi sạt xuống hồ.
 
Ngang nhiên xả thẳng ra hồ Thác Bà
Ngang nhiên xả thẳng ra hồ Thác Bà
 
Nghiêm trọng hơn, khoảng cách từ khu vực xả thải đến vị trí khai thác nước của Công ty CP cấp nước và xây dựng Yên Bái chỉ 1,3km, vi phạm nghiêm trọng khoảng cách khu vực bảo hộ vệ sinh cửa lấy nước theo quy định tại thông tư số 24/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định (yêu cầu khoảng cách tối thiểu phải từ 1.5km trở lên).
 
Đơn vị tiếp theo là nhà máy chế biến Cacbonat Canxi của Công ty CP đá trắng Yên Bình tại tổ 5, thị trấn Yên Bình cũng chưa được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước hồ nhưng mỗi ngày đêm, nhà máy xả tới 48m3 nước thải ra hồ.
 
Còn mỏ đá Mông Sơn của Công ty liên doanh YBB tại xã Mông Sơn, huyện Yên Bình chưa được cấp phép xả thải vào hồ Thác Bà. Theo Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, lưu lượng nước thải của mỏ đá Mông Sơn có lưu lượng khoảng 700m3/ngày đêm.
 
hgh
San gạt, xâm lấn trái phép khu vực lòng hồ Thác Bà
 
Doanh nghiệp thứ 4 được sở TN&MT tỉnh Yên Bái điểm mặt chỉ tên về hành vi bất chấp pháp luật về bảo vệ môi trường là khu du lịch sinh thái Lavia Vũ Linh của Công ty TNHH Lavia Vũ Linh tại xã Vũ Linh, huyện Yên Bình. Đơn vị này có 02 ống xả thải, lưu lượng tùy thuộc vào lượng khách du lịch đến với khu du lịch. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, khu du lịch sinh thái Lavia Vũ Linh chưa được cấp phép xả thải vào nguồn nước hồ Thác Bà theo quy định của luật tài nguyên nước.
 
Tiếp theo là khu du lịch sinh thái Ruby của Công ty CP thương mại và du lịch hồ Thác Bà tại tổ 19, thị trấn Yên Bình, qua kiểm tra, nước thải sinh hoạt được thu gom, lưu trữ trong bể tự hoại, bể chứa. Định kỳ thuê đơn vị thực hiện việc hút nước thải tự hoại nên không có nước thải ra hồ. Tuy nhiên lại vi phạm nghiêm trọng khoảng cách tới điểm lấy nước của Công ty CP cấp nước và xây dựng Yên Bái khi cách chưa đầy 300m.
 
Riêng nhà máy tuyển quặng chì kẽm Xuân Lai của Công ty TNHH Khánh Minh tại xã Xuân Lai, huyện Yên Bình và mỏ đá Hoa Trắng khu vực đầm Tân Minh II, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình hiện đang  dừng hoạt động.
 
Hàng chục nghìn người dân huyện Yên Bình và TP. Yên Bái sử dụng nước được lấy từ lòng hồ Thác Bà
Hàng chục nghìn người dân huyện Yên Bình và TP. Yên Bái sử dụng nước được lấy từ lòng hồ Thác Bà
 
Đặc biệt nghiêm trọng đó là vừa qua, Công ty thủy điện Thác Bà có báo cáo gửi các cơ quan chức năng về việc Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai (gọi tắt là Công ty Bảo Lai) san lấp gần 10ha mặt hồ và gạt đất xuống lòng hồ Thác Bà. Sau khi kiểm tra, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã có Văn bản yêu cầu Công ty Bảo Lai chấm dứt tình trạng san, gạt đất xuống lòng hồ làm ảnh hưởng đến dung tích của hồ.
 
Theo Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, thời gian tới sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng lấy mẫu nước thải ra hồ để kiểm tra, giám sát, qua đó đánh giá ảnh hưởng của việc này tới hồ Thác Bà. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ kiểm tra về công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường có tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động có liên quan tới hồ Thác Bà.
 
Dư luận đặt ra câu hỏi “với những hành vi coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ môi trường và các quy định trong lĩnh vực này của các doanh nghiệp nêu trên thì tại sao các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái vẫn chưa có biện pháp xử lý các doanh nghiệp này, phải chăng có thế lực nào đó đứng sau chống lưng cho sai phạm?”.
 
Hồ Thác Bà được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1971. Diện tích vùng hồ: 23400 ha, diện tích mặt nước: 19050 ha, dài: 80 km, mực nước dao động từ 46 m đến 58 m, chứa được 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống sông ngòi lớn như: ngòi Hành, ngòi Cát,... đổ về, làm tăng lượng phù sa lớn và các loài sinh vật phong phú cho hồ. Hồ Thác Bà có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.

 

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

Doãn Hưng – Đức Hà
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ Thác Bà - Yên Bái: Chính quyền ở đâu khi hồ bị xâm phạm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO