Hiểm nguy từ những con đò "không số"

26/10/2017 00:00

(TN&MT) - Đường thủy là con đường độc đạo để vào xã Hữu Khuông nằm lọt thỏm trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An). Hàng ngày, có hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt người đi trên những chiếc thuyền máy mong manh bé nhỏ này. Nhìn những con đò băng băng đi trên lòng hồ mênh mông nước khiến cho những ai nhìn vào cũng không khỏi…giật mình.

“Liều” như người đi đò

Từ bến đò Thượng Lưu, hồ thủy điện bản Vẽ vào xã Hữu Khuông phải mất gần hai giờ đồng hồ trên đò máy nhỏ như thuyền độc mộc. Phương tiện vận tải thủy này rộng 1,2m, dài 11m. Trên đó không hề có bất kỳ áo phao hay phương tiện cứu hộ nào khác, đò cũng chỉ là đò dân sinh người dân tự đóng. Anh Lương Sỹ Thôn, người lái đò cho biết, anh là người dân xã Hữu Dương (cũ), nhưng giờ bản đã chìm xuống lòng hồ. Gia đình anh và hơn 30 hộ khác không đi theo tái định cư ở huyện Thanh Chương, giờ đây anh bị coi như là “dân lậu”, không ai quản lý, không được hưởng mọi chế độ, con phải học nhờ ở xã Hữu Khuông và vợ phải sang ở cùng tại trường để chăm sóc. Anh Thôn cũng như nhiều hộ dân khác buộc phải mưu sinh trên lòng hồ bất chấp nguy hiểm.

Đò máy như mũi tên tung hoành trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ
Đò máy như mũi tên tung hoành trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

Năm 2005, anh đóng đò, mua cái máy 28 triệu đồng gắn vào để chở hàng và chở khách. Hàng thường là cá tươi và sản vật rừng, lúc về thì chở nhu yếu phẩm, có khách thì chở khách. Mỗi ngày anh cũng kiếm được vài ba trăm ngàn. Trên đò không được trang bị áo phao. Mái đò được làm khung bằng những thanh tre vót dẹt, bắt vòng cung sang hai bên thành đò, bao trùm bộ khung ấy chỉ một tấm bạt. Trời gió to, mái đò vô tình trở thành lá buồm hứng căng gió chốc lát có thể lật úp đò. Đò chạy cỡ 2/3 đường, trời bỗng dưng nổi gió, anh Thôn tăng tốc vượt qua ngã ba của một con khe, nước bắn tung tóe hai bên thành đò. Con đò nghiêng ngả, hì hụp trong sóng lớn khiến cho những người ngồi trên đò nhiều phen thót tim. Khoảng hơn 5 phút, anh Thôn buộc phải tấp vào sát bờ để tránh sóng đánh chìm. Những người đi đò thở phào vì thoát khỏi miệng “hà bá”. Trong vòng gần hai tiếng đồng hồ, lái đò “vô gia cư” đã phải tắt máy nghỉ hai lần để tránh sóng đánh chìm. Khi đò đến nơi an toàn trong đoàn đi đò ai cũng thở phào nhẹ nhõm.

Đò máy nhỏ xíu nhưng chở nhiều khách không mặc áo phao cùng hàng hóa
Đò máy nhỏ xíu nhưng chở nhiều khách không mặc áo phao cùng hàng hóa

Một ngày sau, chúng tôi xuôi dòng Nậm Nơn ra thị trấn Hòa Bình. Đón chúng tôi ở bến đò ở bản Huồi Pủng là chị Lô Thị Bình (ở xã Hữu Khuông) đã ngoại ngũ tuần. Con đò chúng tôi bước lên có kích thước rất nhỏ. Trên đò, mấy cái áo phao tấp một chỗ, chủ đò cũng không nhắc khách mặc áo phao. Con đò rộng khoảng 1m, dài khoảng 6-7m, mui thuyền làm bằng khung tre mái vòm được trùm bạt. Đặc biệt một bên thân đò bị rách một mảnh dài chừng gần 1m, nước chỉ chực tràn vào. Đò như một chiếc lá tre mỏng manh giữa trời nước mênh mông. Chị Bình cho biết đã làm nghề lái đò đưa khách 9 năm nay. Nhà có 3 chiếc đò chở khách đi dọc sông Nậm Nơn. Trên dòng sông này, chỉ đã thông thạo mọi con khe, luồng nước. Ban đêm nếu mà chạy khách thì lấy thuyền nhỏ tháo mui che để chạy.

Được biết, từ khi Thủy điện bản Vẽ đi vào hoạt động, thượng nguồn sông Nậm Nơn trở thành biển nước, có nơi nước sâu hàng trăm mét, mặt hồ dài hơn 40 cây số. Có rất nhiều đò máy chở khách đi lại trong lòng hồ với tốc độ cao, chủ phương tiện lại hay “quên” trang bị áo phao cho khách nên ẩn họa tai nạn giao thông luôn rình rập. Ngồi trên những chiếc đò nhỏ, lúc gió to hoặc trời chuyển mưa đò tròng trành giữa dòng Nậm Nơn khiến cho nhiều người trải qua bao phen thót tim. Những lúc trời yên, gió lặng, những chiếc đò chở khách lao vun vút như chiếc mũi tên xé nước mặt hồ.

Khách không mặc áo phao, mái đò được thiết kế đơn giản chỉ để che nắng nhưng lại vật cản khi có gió to
Khách không mặc áo phao, mái đò được thiết kế đơn giản chỉ để che nắng nhưng lại vật cản khi có gió to

Lòng hồ thủy điện Bản Vẽ hiện có rất nhiều gốc cây bị ngâm dưới nước, cùng với cành cây đang dật dờ trên mặt chỉ cần một sơ suất nhỏ của người lái cũng có thể xảy ra tai nạn.

Là người công tác nhiều năm ở xã Hữu Khuông, anh Nguyễn Hải Dương rất nhiều lần đi xuôi ngược trên dòng Nậm Nơn. Anh kể có lần, đò chở anh và 3 người đang đi thì bỗng dưng trời chuyển mưa, gió to, nước mặt hồ nổi sóng, người lái đó vẫn tăng tốc để vượt qua vùng nguy hiểm. Ngồi trên, anh và nhiều người yêu cầu lái đò rẽ nhanh vào bờ, cách bờ hồ khoảng gần 20m thì bị lật.  Anh  Dương và mọi người thoát chết do bơi được vào bờ còn phần nhiều hành lý bị chìm không thể vớt được…

Cần siết chặt quản lý

Lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có chiều dài khoảng trên 50 km, diện tích lưu vực là 8.700km2, cao trình trên 200m và dung tích nước hồ chứa lên tới 1,8 tỷ m3 trải dài trên địa bàn thuộc các xã Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn và Yên Na của huyện Tương Dương. Đây không chỉ là tuyến giao thông đường thủy quan trọng của các xã nói trên mà còn là tuyến đường đi đến một số xã biên giới. Tuy nhiên, lâu nay việc đi lại bằng đò máy trên lòng hồ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Sáng sớm, tại bến Thượng Lưu, có hàng chục con đò đã tập kết chờ sẵn để đưa khách có nhu cầu đi vào vùng lòng hồ. Hằng ngày, nơi đây còn có hàng trăm chuyến chở người và hàng hóa vào ra lòng hồ, do vẫn còn hàng nghìn hộ dân đang sống trong đó.

Mạn đò bị rách một mảnh dài gần 1 m nhưng vẫn được dùng để chở khách
Mạn đò bị rách một mảnh dài gần 1 m nhưng vẫn được dùng để chở khách

Việc đi lại của bà con hầu hết bằng đường thủy, mà chủ yếu phải dùng đò máy với tốc độ cao. Thế nhưng, các chủ phương tiện ở đây ít khi trang bị phao cứu sinh cho khách, cũng ít khi có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng. Có một số đò trang bị phương tiện bảo hộ nhưng cũng chỉ treo để đối phó với cơ quan chức năng kiểm tra.

Hiện, trong lòng hồ rất nhiều người không có giấy phép điều khiển phương tiện nhưng vẫn dùng đò máy chở khách và hàng hóa. Còn tại bến đò ở các bản, trung tâm xã có rất nhiều chiếc đò nhỏ gắn máy nổ công suất cao, ai cũng có thể cầm lái điều khiển đò máy vô tư đi lại trong lòng hồ.

Bến đò tại bản Côn Phen, xã Hữu Khuôn, huyện Tương Dương
Bến đò tại bản Côn Phen, xã Hữu Khuôn, huyện Tương Dương

Một người đi cùng chuyến đò với chúng tôi cho biết, thi thoảng mới có đoàn CSGT của huyện Tương Dương đi kiểm tra, nhưng họ thường đón ở khu vực hạ lưu. Còn ở giữa lòng hồ, họ không đủ phương tiện để ra giữa dòng để kiểm tra nên hầu nư không nhắc nhở, xử lý được phương tiện nào.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tương Dương cho biết, do nhu cầu đi lại của nhiều người công tác tại các xã trong lòng hồ thủy điện, như giáo viên, cán bộ xã… nên hoạt động vận tải hành khách là có. Tuy nhiên, đò chở khách được cấp phép rất ít. Vừa rồi, huyện cũng làm thủ tục đăng kiểm cho 10 đò để chở hàng hàng hóa. Đò vận chuyển hành khách chỉ duy nhất xã Hữu Khuông được cấp phép. Đò dân sinh hiện nay khó kiểm soát vì người dân tự đóng để đánh cá, chở nông sản, đến mùa hoạt động nhiều, hết mùa thì không hoạt động.

Trong lòng hồ có rất nhiều cây cối trôi dạt dày đặc rất nguy hiểm khi đi đò
Trong lòng hồ có rất nhiều cây cối trôi dạt dày đặc rất nguy hiểm khi đi đò

Việc đi lại bằng phương tiện giao thông đường thủy trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ là nhu cầu cần thiết, chính đáng của người dân từ nhiều năm nay. Thế nhưng, việc để cho hàng chục đò máy tự phát vô tư hoạt động khi không có đăng kí, đăng kiểm cũng như phương tiện bảo hộ, phao cứu sinh…đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm không chỉ cho hành khách mà cả chủ phương tiện.

Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Tương Dương cần làm tốt công tác tuyên truyền cũng như có biện páp ngăn chặn, xử lý kịp thời chủ phương tiện nếu không đủ điều kiện hoạt động, tránh hiểm họa khôn lường khi có rủi ro xảy ra.

Phạm Tuân – Tưởng Cao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểm nguy từ những con đò "không số"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO