Hiểm họa cầu treo trong mùa mưa bão ở Tây Nguyên

22/09/2014 00:00

(TN&MT) - Trong khi chờ chính quyền đầu tư xây dựng, sửa chữa và tu bổ thì hàng ngày trên những chiếc cầu xập xệ, hàng trăm người dân vùng sâu, vùng xa Tây...

   
(TN&MT) - Tây Nguyên là địa bàn có nhiều sông, suối và số lượng cầu treo dẫn vào các buôn làng, nương rẫy của người dân cũng rất nhiều. Thế nhưng, chất lượng của các cây cầu treo nơi đây cũng đang là vấn đề đặt ra, bởi có rất nhiều cầu tạm, cầu xuống cấp nghiêm trọng. Điều này càng đáng lo ngại hơn khi mùa mưa bão Tây Nguyên đã đến, cầu treo không an toàn sẽ trở thành hiểm họa đe dọa đến tài sản và tính mạng đối với hàng ngàn người dân nơi đây.
   
   
   
Là con đường duy nhất
   
  Cầu treo từ lâu đã là con đường giao thông thân thuộc đối với người dân khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, trên tổng số các cây cầu treo đang được sử dụng thì có đến hơn một nửa là cầu không an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nguyên nhân của việc này là do các cây cầu treo Tây Nguyên đều được xây dựng từ rất lâu, không được bão dưỡng hay tu bổ định kỳ hoặc chỉ là cây cầu tạm do người dân tự làm để phục vụ nhu cầu đi lại của mình.
   
  Đã từ lâu cầu treo là nơi hoạt động qua lại, giao thương giữa 2 làng ngăn cách nhau bởi con sông hay suối. Sau nhiều năm, cầu treo đã xuống cấp và không còn an toàn để lưu thông nữa, nhưng người dân vẫn phải đi lại, trao đổi, vận chuyển hàng hóa trên con đường duy nhất này. Anh Nguyễn Hùng, người dân sinh sống ngay gần một cầu treo đã xuống cấp trên thị trấn Kbang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) cho biết, tôi mới sống ở đây cũng khoảng 10 năm, khi tôi đến, cây cầu này đã có rồi. Từ đó đến nay, người dân ở đây vẫn sử dụng nó để đi qua lại giữa 2 bên bờ sông Ba. Hồi năm ngoái, sau vụ sập cầu treo ở Lai Châu, thì thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra chất lượng cầu. Sau đó thì thông báo là cầu không đạt chất lượng đảm bảo an toàn nên cấm không được sử dụng nữa. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn đi lại qua cầu mặc dù mới đây đã có biển báo cấm lưu thông qua cầu.
   
  Cầu treo bị xuống cấp hư hỏng một phần là do đã xây dựng lâu năm mà không tu sửa, một phần vì hàng ngày phải gánh chịu trọng tải quá lớn từ các phương tiện tham gia lưu thông trên cầu. Cầu treo phục vụ cho người đi bộ, đi xe máy nay cũng trở thành con đường qua lại của xe công nông hay ô tô để vận chuyển hàng hóa.
   
   
  Cầu treo làng Kon Chang ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) được xây dựng từ năm 2001 có chiều dài 42 m, rộng 0,5 m, với bốn bó thép chủ và các dây treo bằng thép được mắc néo vào những cây xanh tự nhiên hai bên bờ sông. Mặt cầu được làm bằng gỗ ván đặt trên các thanh đà ngang bằng gỗ tròn, trải qua bao mùa mưa nắng đã xuống cấp trầm trọng, nhiều đà ngang bị mục, ván mặt cầu nứt gãy, xô lệch sang hai bên. Dù vậy, đã hơn 10 năm nay, mỗi ngày cây cầu này vẫn gồng mình chịu tải là con đường duy nhất để người dân của hai làng Kon Chang và Kon Măh đến được nơi sản xuất của mình. Ông Rơ Châm (làng Kon Chang) chia sẻ với chúng tôi: “Cây cầu này được dân làng làm từ lâu lắm rồi, nay đã hư hỏng nặng. Mỗi lần trên cầu có nhiều xe qua thấy cũng thấy sợ do cầu cứ rung lên kẽo kẹt nhưng đây là con đường duy nhất đi lại giữa 2 làng, không đi trên cầu treo này thì không biết đi đường nào”.
   
  Không riêng gì tỉnh Gia Lai, địa bàn tỉnh Kon Tum cũng rất nhiều cầu treo nguy hiểm, không an toàn bắc qua các sông suối ở các huyện vùng sâu, vùng sa, vùng đặc biệt khó khăn như Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Sa Thầy… Đơn cử như cầu bắc qua sông Pô Kô trên địa bàn thôn Nông Nội, trụ nghiêng, ván mục nát, mố cầu bị sạt lở nghiêm trọng. Bà Y Ngan, người dân xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi) tâm sự: “Cây cầu này đã cũ lắm rồi, mỗi khi mùa mưa đến, nước sông dâng lên cao, đi qua đây rất sợ. Cầu là đường đi lại của dân làng và các em học sinh nên rất nguy hiểm. Mình và bà con ở đây rất mong chính quyền quan tâm, sửa chữa cầu để bà con có đường đi lại an toàn hơn”.
   
   
Thiếu kinh phí sửa chữa
   
  Thực hiện Công văn số 4541/BGTVT-KHĐT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc “Báo cáo nhu cầu đầu tư xây dựng cầu dân sinh tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn cao”, Sở GTVT tỉnh Gia Lai đã tiến hành khảo sát số lượng và thực trạng các loại cầu dân sinh trên địa bàn. Qua khảo sát, cho thấy hiện nay trên địa bàn tỉnh có đến 134 cây cầu dân sinh (39 cầu treo, 32 cầu thép và 63 cầu bê-tông cốt thép) cần được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa, với tổng mức kinh phí ước khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai là rất lớn. Trong thời gian ngắn, khó có đủ nguồn kinh phí để đáp ứng nhu cầu về việc xây dựng cầu dân sinh tại các địa phương.
   
  Dựa trên báo cáo khảo sát, Sở kết hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát lại, ưu tiên đề xuất xây dựng cầu dân sinh ở những nơi cấp thiết, có nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Nếu xuống cấp cần có những biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân khi tham gia giao thông. Đồng thời, yêu cầu các địa phương cắm biển báo tên cầu và biển báo quy định trọng tải của cầu để cảnh báo đến người dân khi vận chuyển hàng hóa lưu thông qua cầu.
   
  Theo Sở GTVT tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có 246 cầu treo thì có đến 148 cầu xuống cấp, xiêu vẹo (chiếm 60%). Đặc biệt 2 huyện có số cầu hư hỏng nhiều nhất là Đăk Glei và Kon Plông. Trong khi đó, nếu làm một cầu treo thì mất khoảng 3 tỷ, cầu bê tông kiên cố thì mất đến 30 tỷ. Song, kinh phí địa phương lại hạn hẹp dẫn đến việc sửa chữa, xây mới cầu gặp rất nhiều khó khăn.
   
   
  Như vậy, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện có hàng trăm cầu treo, cầu tạm do người dân tự xây dựng cách đây hơn 20 năm. Trải qua thời gian, các cây cầu này đã xuống cấp trong khi địa phương lại thiếu nguồn kinh phí cho nên không thể duy tu, bảo dưỡng hằng năm. Thêm vào đó, phần lớn các cầu không có biển báo trọng tải và hướng dẫn người dân lưu thông an toàn. Đó là chưa kể, nhiều địa phương hiện vẫn chưa có cầu dân sinh. Trên các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, hầu hết cũng chỉ mới xây dựng được hệ thống đập tràn, cống tràn qua sông, qua suối. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ phục vụ trong mùa khô, còn mùa mưa lũ, rủi ro vẫn luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
   
  Không thể phủ nhận lợi ích của cầu treo trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vùng nông thôn, miền núi. Trong khi chờ chính quyền đầu tư xây dựng, sửa chữa và tu bổ thì hàng ngày trên những chiếc cầu đã xuống cấp, xập xệ, hàng trăm người dân vùng sâu, vùng xa Tây Nguyên vẫn lưu thông qua lại vì cuộc sống mưu sinh. Hiểm nguy đang rình rập họ khi một mùa mưa lũ nữa cận kề…
   
                                                                     Bài & ảnh: Quế Mai – Thục Vy
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa cầu treo trong mùa mưa bão ở Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO