Heo hút bản Đoòng

20/11/2014 00:00

(TN&MT) - Bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nằm lọt thỏm vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

   
(TN&MT) - Bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nằm lọt thỏm vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB), trên con đường độc đạo dẫn đến hang Én và Sơn Đoòng. “Gọi là bản, nhưng chỉ có 7 hộ, toàn anh em họ hang” - ông Nguyễn Sĩ Tòa, Trưởng bản phân bua với chúng tôi như vậy.
   
Cả bản là bà con ruột thịt
   
  Có một điểm dễ nhận ra ở bản Đoòng là nơi đây có 4 cái Không: Không điện, không đường, không trạm, không sóng điện thoại. Thế nhưng, cuộc sống của họ vẫn bình yên.
   
   
Bản Đoòng nằm trong vùng lõi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
   
  Nói bản Đoòng là một thế giới tách biệt cũng chẳng phải ngoa. Để đến bản, phải đi xuyên rừng nguyên sinh qua một lối mòn duy nhất, mất khoảng 3 tiếng đồng hồ đối với người quen ngồi xe máy, gần 2 tiếng đối với đôi chân quen đi bộ. "Bản thành lập đâu như năm 1992, thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch. Đồng bào là người Bru Vân Kiều, nhớ là Bru Vân Kiều, chứ không phải Vân Kiều không đâu nhé", Trưởng bản Nguyễn Sĩ Tòa (67 tuổi) nhắc đi nhắc lại với chúng tôi như thế.
  Trước đây, gia đình ông Tòa cùng một số hộ khác trong quá trình theo dấu con nai đi trồng hạt lúa, theo dấu con hổ đi trồng hạt ngô mà phát hiện ra vùng đất sơn thủy hữu tình nằm gần ngay hang Én, hang Sơn Đoòng nên đã ở lại, lập thành bản làng.
   
  Thời gian đầu, cả bản có 4 hộ và tăng dần lên 29 hộ (năm 1998), sau giảm xuống còn 7 hộ (khoảng 29 nhân khẩu, trong đó có một khẩu chưa khai sinh) và tất cả đều là con cháu một nhà nên ông Tòa kiêm luôn Trưởng bản. "Vì đây là vùng lõi của vườn Quốc gia, lại không điện, không đường, không trạm nên chính quyền đến vận động người dân di dời. Mọi người đi cả, nhưng bố nhiều con, không đi nổi. Vả lại đi thì lấy đất đâu sản xuất, không có đất thì sống bằng gì ? Ở đây quen rồi, không muốn đi nữa"- ông Tòa giải thích lý do mà gia đình mình cắm rễ tại vùng đất này mấy chục năm qua.
   
  Nằm trên con đường mà du khách vẫn phải đi bộ để đến với hang động lớn nhất thế giới - hang Sơn Đoòng trong tour du lịch 6 ngày được cho là đắt đỏ nhất Việt Nam – 3000 USD, nhưng từ ngày tour du lịch được mở, cuộc sống của bà con nơi đây chẳng thay đổi là bao. Anh Phạm Xuân Huyền, Phó phụ trách Trạm Km40, Hạt kiểm lâm VQG PN-KB cho biết: Vẫn có vận động bà con di dời khỏi vùng lõi của VQG nhưng việc vận động gặp không ít khó khăn. Từ khi tour du lịch mạo hiểm khám phá hang Sơn Đoòng được mở, các cán bộ Kiểm lâm cũng đã tiến hành tuyên truyền cho bà con cách ứng xử với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài để tránh làm mất hình ảnh du lịch nước nhà.
   
  Sống tách biệt, khép kín giữa rừng già, đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân bản Đoòng phần đa đều tự cung tự cấp. Mặc dù canh tác cả lúa nương, lúa nước, nhưng thực tế là đồng bào ở đây vẫn thiếu ăn. Hình ảnh những đứa trẻ ăn sắn vào bữa trưa thay cơm là chuyện bình thường.
   
Còn muôn vàn khó khăn
   
  Về chuyện học của con, theo trí nhớ của ông Tòa thì những năm trước ông đã tìm, thuê và nuôi ăn, ở một thầy giáo đến dạy chữ cho những người con của mình, nhờ vậy, các con của ông Tòa đều có cái chữ…
   
  Nhưng không thể cứ duy trì như vậy, sau nhiều trăn trở, khoảng năm 2009, ông Tòa xuống huyện để xin hỗ trợ kinh phí xây trường học tại bản. Mái trường đã được chính bàn tay bà con xây dựng với kinh phí 30 triệu đồng, là điểm trường thuộc Trường Tiểu học Tân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ông Tòa cho biết: Để "cõng" được con chữ qua mấy ngọn đồi, vượt cánh rừng hoang, 2 thầy giáo đã thay phiên lên cắm bản. Mỗi đợt thầy dạy 11 ngày liên tục. Có cày, có thóc, có học, có chữ, cho đến nay, con cháu của ông Tòa "chữ đã lưng bụng" như cách nói của vị trưởng bản già. Dù trong 22 buổi dạy học mỗi đợt, chiếc bảng đều phải chia ba, 8 em thuộc các lớp khác nhau cùng học xen với nhau (trong đó, 4 em lớp 5; 3 em lớp 3; 1 em lớp 1).
   
   
Những đứa trẻ ở bản Đoòng.
   
  Anh Nguyễn Văn Tường, Phó bản kiêm Công an viên, con trai thứ 3 của ông Tòa cho hay, tài sản lớn nhất, có giá trị nhất của cả bản là 3 xe máy, 3 phát điện, 2 cái ti vi, 2 cái cưa. Cưa thì chỉ dùng để phục vụ cưa gỗ củi nhặt nhạnh tận dụng từ nương rẫy. Bởi, "Nhà nước tuyên truyền không được phá rừng. Mình phá rừng là đi ngược lại chính sách. Mà phá rừng là nhà nước không cấp gạo cho nữa nữa..."- anh Tường nói.
   
  Không có trạm xá, đường sá xa xôi. Bà Hồ Thị Hoa nói thẳng: Ốm nặng thì mới cáng ra đường đi trạm xá, còn ốm nhẹ thì có thuốc lá, rễ cây tự tìm lấy uống. Ở đây, phụ nữ sinh nở chẳng bao giờ phải nhờ đến y sĩ, bác sĩ cả.
  Anh Phạm Xuân Huyền, Phó phụ trách trạm Km40, Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB thông tin, bản Đoòng là bản làng thành lập vào khoảng thập niên 90, bà con phần đa là người Vân Kiều di chuyển từ xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đến xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch) để lập làng. Từ đó đến nay, người dân ở đây đều chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ rừng. "Từ trước tới nay tại bản Đoòng chưa có vụ việc chặt phá, đốt rừng làm rẫy nào xảy ra tại bản Đoòng", anh Huyền khẳng định.
   
  Còn ông Tòa thì cho rằng, ngày mình vào đây rừng rậm rạp lắm, thú rừng nhiều vô kể, ăn còn không hết… Đêm chẳng dám đi đâu vì vết hổ về con in bên bờ suối. "Nhưng bây giờ thì chẳng còn gì nhiều, chỉ có con heo ri chạy dưới đất, con khỉ leo trên cây và chim bay trên trời là còn thấy bằng mắt thôi", vị trưởng bản ở vào cái tuổi lục tuần lo ngại. Trong ánh mắt của ông lão cả cuộc đời phần đa chân trần leo rừng lội suốt như biết rừng chẳng còn giàu, cuộc sống của ông, con cháu ông rồi sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
   
  Bài và ảnh: Hải Tân
   

   
  
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Heo hút bản Đoòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO