Hệ thống chỉ tiêu môi trường: Thiếu đồng nhất… khó vận hành

13/11/2014 00:00

(TN&MT) - Việt Nam đang sử dụng khá nhiều hệ thống chỉ tiêu môi trường nhưng lại thiếu sự nhất quán và kết nối giữa các hệ thống...

(TN&MT) -  Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng khá nhiều hệ thống chỉ tiêu môi trường nhưng lại thiếu sự nhất quán và kết nối giữa các hệ thống dẫn tới việc theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.
   
Quản lý chất thải còn chồng chéo
    
Nhiều chỉ tiêu được ban hành…
   
  Hiện nay, Việt Nam có 4 hệ thống chỉ tiêu về môi trường, bao gồm các chỉ tiêu môi trường trong Văn kiện Đại hội Đảng, chỉ tiêu môi trường do Quốc hội đặt ra, các chỉ tiêu thống kê môi trường do Chính phủ ban hành và Bộ chỉ thị môi trường của Bộ TN&MT.
   
  Theo đó, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó có nhóm chỉ tiêu về môi trường. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới, thay thế cho Hệ thống chỉ tiêu đã ban hành năm 2005. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia năm 2010 đã được đổi mới, bổ sung và hoàn thiện theo hướng tăng cường hơn nữa các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả của sự phát triển, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước và các chỉ tiêu bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Hệ thống chỉ tiêu này gồm 250 chỉ tiêu, chia thành 21 nhóm nội dung, trong đó, nhóm nội dung về “Bảo vệ môi trường” có 24 chỉ tiêu.
   
  Trong số 24 chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, có 13 chỉ tiêu được giao cho Bộ TN&MT chủ trì thực hiện; 7 chỉ tiêu được giao cho Bộ NN&PTNT, 3 chỉ tiêu do Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện, 1 chỉ tiêu do Tổng cục Thống kê thực hiên. Ngoài ra, còn có các Bộ, ngành khác tham gia phối hợp như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính…
   
  Đến năm 2011, trên cơ sở Hệ thống chỉ tiêu thống kê đã ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT quy định nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê môi trường quốc gia. Kèm theo đó, Thông tư cũng ban hành danh mục và nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, trong đó có nhóm chỉ tiêu thống kê môi trường. Các chỉ tiêu này được giao cho các Sở, ban ngành tại các địa phương chủ trì thực hiện.
   
  Song song với đó, các Bộ ngành cũng đã xây dựng và ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê của ngành lĩnh vực, vừa phục vụ việc tổng hợp, báo cáo số liệu cho hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, vừa phục vụ công tác quản lý của ngành, lĩnh vực. Bộ TN&MT cũng đã ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê của ngành TN&MT từ năm 2007. Hiện nay, Hệ thống này cũng đang được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.
   
Vẫn còn “độ vênh”!
   
  Có thể thấy rằng, việc đưa các chỉ tiêu môi trường vào trong Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn theo định hướng phát triển bền vững, toàn diện. Tuy vậy, thực tế triển khai thực hiện các tiêu chí môi trường cho thấy, giữa các hệ thống chỉ tiêu có một số điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều vấn đề không thống nhất. Thêm vào đó, một số chỉ tiêu không rõ khái niệm hoặc tiêu chí đánh giá cụ thể, một số chỉ tiêu đưa ra không phù hợp với điều kiện thực tế, không có số liệu tổng hợp, phân công trách nhiệm cho các Bộ ngành trong việc theo dõi, triển khai thực hiện chưa rõ ràng… Chính điều đó đã khiến cho các cấp quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt cũng như thực hiện báo cáo đối với từng hệ thống chỉ tiêu.
   
  Một số chỉ tiêu đặt mục tiêu quá cao so với hiện trạng thực tế, chưa tính tới yếu tố lịch sử, dẫn tới các chỉ tiêu không đạt. Điển hình như chỉ tiêu "Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại 100% số đô thị loại 3 trở lên, 50% số đô thị loại 4 và tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất". Trên thực tế, hiện nay mới chỉ có 60% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung và 25% khu đô thị loại 3 trở lên đã và đang xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung.
   
  Tương tự, đối với chỉ tiêu "80 - 90% chất thải rắn, 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường". Thực tế, ở phần lớn các đô thị hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt khá cao (khoảng 75 - 90%) nhưng tỷ lệ chất thải rắn được xử lý hợp vệ sinh lại rất thấp (khoảng 50%). Chưa kể, chất thải rắn khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, chất thải rắn công nghiệp cũng chưa được quản lý triệt để dẫn để tỷ lệ xử lý thấp.
   
  Sự phân công về bảo vệ môi trường giữa các Bộ, ngành không rõ ràng, đôi khi còn chồng chéo trong một số lĩnh vực, đơn cử việc theo dõi, đánh giá và quản lý chất thải rắn được giao cho 4 đơn vị quản lý là Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ TN&MT; quản lý môi trường công nghiệp được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT... Điều này dẫn tới, các số liệu báo cáo phân tán, không thống nhất, thiếu đơn vị đầu mối quản lý tổng hợp. Vì vậy các Bộ rất khó tổng hợp, đánh giá và đề xuất định mức thực hiện cho kỳ kế hoạch tiếp theo.
   
  Các nhà hoạch định môi trường cho rằng, để khắc phục điều này, cần tập trung vào việc nghiên cứu, thống nhất các hệ thống chỉ tiêu môi trường đang sử dụng hiện nay; đẩy mạnh việc tổ chức, phân công trách nhiệm và tăng cường năng lực cho đơn vị chuyên trách về thống kê ở các cấp… Đồng thời, các Bộ, ngành chuyên trách cần huy động, bố trí kinh phí từ nguồn chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác để thực hiện các chỉ tiêu môi trường; dành kinh phí hàng năm để theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu môi trường và xác định kịp thời những vấn đề bất cập trong việc thực thi các chỉ tiêu này để có những điều chỉnh phù hợp.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống chỉ tiêu môi trường: Thiếu đồng nhất… khó vận hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO