Hậu vụ sập cầu Ghềnh: Giải quyết ùn ứ giao thông trên sông Đồng Nai

24/03/2016 00:00

  (TN&MT) - Sau sự cố sà lan tông sập cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai (đoạn qua TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Bộ GTVT đã chốt được phương án để tiến hành...

  

(TN&MT) - Sau sự cố sà lan tông sập cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai (đoạn qua TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Bộ GTVT đã chốt được phương án để tiến hành trục vớt cây cầu hơn 100 tuổi này. Theo đó, Bộ GTVT đã giao cho đơn vị thi công công trình của Tổng Công ty Xây dựng số 1 huy động lực lượng đến để tiến hành trục vớt, thời gian trước ngày 2-4-2016.

Tàu nhỏ được đi qua cầu Ghềnh vào ngày 23-3.
Tàu nhỏ được đi qua cầu Ghềnh vào ngày 23-3.

 

Tàu nhỏ được đi qua cầu Ghềnh vào ngày 23-3.
Tàu nhỏ được đi qua cầu Ghềnh vào ngày 23-3.

Sập cầu Ghềnh, đường sông cũng tê liệt

Sau sự cố sập cầu Ghềnh, theo ghi nhận của phóng viên trong những ngày cuối tháng 3, tại khu vực thượng lưu và hạ lưu sông Đồng Nai nơi cầu Ghềnh bị sập, có hàng trăm ghe tàu, phần lớn là những tàu tải trọng trên dưới 1.000 tấn đang neo đậu chờ ngày thông luồng. Tình trạng ùn ứ các phương tiện vận tải thủy trên sông Đồng Nai diễn ra từ khi vụ sập cầu xảy ra đến nay, do luồng chính lưu thông bị ách tắc.

Ông Nguyễn Văn Thanh (quê Sóc Trăng), chủ một sà lan chở cát hiện đang neo đậu tại khu vực sông Đồng Nai (thuộc địa bàn xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa) cho biết, sáng 20-3, mặc dù sà lan đã được bốc hàng để chờ thủy triều lên là chở đi Tiền Giang. Tuy nhiên, sau khi cầu Ghềnh bị đâm sập, luồng chính của tuyến giao thông thủy trên sông Đồng Nai đã bị chặn, do đó tàu đã phải nằm chờ từ đó đến nay. Vài ngày nữa nếu chưa thông tuyến, khúc sông này sẽ bị kẹt cứng. Các chủ tàu đang mong ngóng từng ngày để có thể được lưu thông.

Vì tàu, sà lan không vận chuyển được cũng đã khiến cho các bến thủy nội địa và cơ sở kinh doanh cát, đá, vật liệu xây dựng nằm dọc sông Đồng Nai phải đóng cửa chờ đợi. Máy móc, xe vận tải chở cát, đá cũng tạm dừng hoạt động. Đại diện lãnh đạo Công ty Vật liệu xây dựng Biên Hòa cho biết, trung bình mỗi ngày công ty cung cấp trên 1.000 tấn cát và đá xây dựng cho khách hàng, chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhưng nay, tất cả tàu ghe đều đang chờ lệnh thông tuyến qua cầu Ghềnh mới được đi. Rất nhiều khách hàng hối thúc nhưng “lực bất tòng tâm”. Hiện mỗi ngày trôi qua, cơ sở thiệt hại cả chục triệu đồng.

Lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông điều phối tàu thuyền lưu thông trên sông Đồng Nai
Lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông điều phối tàu thuyền lưu thông trên sông Đồng Nai

Gỡ rối giao thông thủy

Trước những bức xúc nêu trên, ngày 23-3, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (thuộc Cục đường thủy nội địa Việt Nam – Bộ GTVT) đã có công văn gửi các cơ quan, cá nhân, tổ chức tham gia vận tải đường thủy... thông báo về việc cho phép các phương tiện thủy dưới 400 tấn trên sông Đồng Nai được lưu thông qua khu vực cầu Ghềnh, dưới sự dẫn dắt của lực lượng CSGT đường thuỷ.

Theo đó, kể từ 7 giờ sáng 23-3, phương tiện tự hành có trọng tải 300 tấn phải lưu thông một chiều và từng chiếc một qua cầu; các đơn vị chức năng phải phối hợp để tổ chức điều tiết, cắm các phao tiêu hướng dẫn và sử dụng ca nô áp tải, hướng dẫn các tàu thủy lưu thông qua khoang thông thuyền phụ cầu Ghềnh (khoang số 4) nằm ở phía bờ phải thuộc phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa). Phương tiện đoàn lai dắt có hai chiếc tải trọng đến 400 tấn phải lưu thông từng chiếc, một chiều, trong điều kiện ngược dòng nước. Thời gian lưu thông qua cầu Ghềnh được quy định từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối hàng ngày. Nhanh nhất cũng phải mất 10 ngày nữa mới có thể thông luồng đối với luồng chính qua khu vực cầu Ghềnh…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, kinh phí xây dựng cầu có thể mất khoảng 250 - 300 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí trục vớt các hạng mục cầu bị chìm được một nhà thầu đưa con số ước lượng hơn 12 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3 phải thực hiện trục vớt được tàu đẩy sà lan bị chìm và các dầm cầu, để tiến hành công tác sửa chữa vào đầu tháng 4 tới.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, sau khi có công văn của Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, từ khoảng 10 giờ sáng 23-3 bắt đầu có chuyến tàu đầu tiên đi qua cầu Ghềnh, hướng từ cầu Đồng Nai về cầu Hóa An. Tại đây, lực lượng CSGT đường thủy, Thanh tra giao thông đã bố trí ca nô để hướng dẫn tàu chạy đúng luồng. Bên cạnh đó, hệ thống phao tiêu cũng đã được cắm theo tuyến để phân luồng cho các phương tiện.

Tàu chở vật liệu xây dựng ùn tắc trên vùng thượng lưu cầu Ghềnh
Tàu chở vật liệu xây dựng ùn tắc trên vùng thượng lưu cầu Ghềnh

Điều động cẩu nổi để trục vớt

Ngày 23-3, theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã điều động khẩn cấp 2 cẩu nổi công suất lớn đang thi công cầu Bình Khánh tham gia hỗ trợ khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh. Theo đó, đơn vị này đã điều động chiếc sà lan thứ nhất có tải trọng 3.800 tấn di chuyển từ công trường cầu Bình Khánh (huyện Nhà Bè, TPHCM) qua cảng Lotus để vận chuyển cẩu nổi công suất 500 tấn. Còn chiếc sà lan thứ 2 tải trọng 1.600 tấn đã có sẵn cẩu nổi công suất 150 tấn, cũng đã lên đường đến cầu Ghềnh để kịp thời hỗ trợ sửa chữa. Hiện 2 sà lan này đang trên đường di chuyển về khu vực cầu Ghềnh.

Theo ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, dù việc di chuyển 2 cần cẩu nói trên có ảnh hưởng đến tiến độ thi công trình của đơn vị, song Tổng Công ty vẫn sẵn sàng thực hiện với tinh thần cùng gánh vác, chia sẻ trách nhiệm với ngành giao thông vận tải để nhanh chóng giải quyết ùn tắc giao thông thủy nội địa và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội cho đất nước.

Nhân viên Công ty CP tư vấn thiết kế Cảnh – kỹ thuật biển đưa thiết bị 3D vào hiện trường vụ sập cầu Ghềnh để dò quét và xác định vị trí.
Nhân viên Công ty CP tư vấn thiết kế Cảnh – kỹ thuật biển đưa thiết bị 3D vào hiện trường vụ sập cầu Ghềnh để dò quét và xác định vị trí.

Gần 300 tỷ đồng khôi phục cầu Ghềnh         

Để có thể khôi phục tuyến đường sắt Bắc – Nam một cách nhanh nhất, ngày 23-3, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đồng ý chủ trương đầu tư công trình xây dựng khôi phục cầu Ghềnh, tại Km1699+860 tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM theo lệnh khẩn cấp sau khi xét báo cáo của Bộ GTVT và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam gửi tới. 

Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quyết định đầu tư, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án nêu trên và được giao thầu từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc bố trí 298,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện đầu tư công trình; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định. Bộ GTVT chịu trách nhiệm chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và sử dụng số vốn được cấp theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ và hiệu quả đầu tư.      

Ngày 23-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ký quyết định tặng bằng khen cho 4 cá nhân đã kịp thời cảnh báo, giúp dừng đoàn tàu Bắc Nam an toàn, tránh không để xảy ra tai nạn trong vụ sập nhịp cầu Ghềnh ngày 20-3. Các cá nhân được tặng bằng khen là: Phạm Tiến Dũng, Ngô Việt Phái, Phan Tiến Dũng, đều là nhân viên trạm gác chắn Bửu Hòa (thuộc Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn) và ông Huỳnh Ngọc Hoàng (ngụ tại phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa).

Vào thời điểm xảy ra vụ sà lan húc sập cầu Ghềnh ngày 20-3, tàu hàng số hiệu 2542 đang chạy trong khu gian Biên Hòa - Dĩ An sắp đến cầu Ghềnh đã được các cá nhân nói trên kịp thời báo dừng, không để xảy ra tai nạn. Cùng ngày, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã chỉ đạo TP Biên Hòa khẩn trương làm thủ tục khen thưởng nóng cho ông Huỳnh Ngọc Hoàng (ngụ phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa) - người kịp thời thông báo vụ cầu Ghềnh sập để dừng đoàn tàu sắp đến.

                                                                             Bài & ảnh: Thục Vy

                                  

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu vụ sập cầu Ghềnh: Giải quyết ùn ứ giao thông trên sông Đồng Nai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO