Hậu họa từ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên

29/01/2015 00:00

(TN&MT) - Mùa mưa lũ năm nay ở miền Trung - Tây Nguyên diễn biến khá bất thường, cho đến nay lượng mưa ít và chưa hề có cơn lũ lớn nào đổ về.

(TN&MT) - Theo đánh giá của ngành chức năng, mùa mưa lũ năm nay ở miền Trung - Tây Nguyên diễn biến khá bất thường, do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nên cho đến nay lượng mưa ít và chưa hề có cơn lũ lớn nào đổ về. Điều đó gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tác động đến việc theo dõi, phòng chống thiên tai, nhất là những vùng hạ du nằm trong dòng chảy của các dự án thủy điện lớn, nhỏ và vừa.
   
“Thượng điền tích thủy, hạ điền khan…”
   
  Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 42 dự án (DA) thủy điện, trong đó có 10 DA thủy điện lớn, 32 DA vừa và nhỏ. Đã hoàn thành đưa vào hoạt động 15 DA thủy điện, đang tiếp tục thi công 4 DA… Là tỉnh có số lượng các DA thủy điện nhiều nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhưng Quảng Nam từng xảy ra tình trạng xả nước vô tội vạ, gây lũ lớn khu vực đồng bằng, nên vào tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành “Quy trình vận hành các hồ chứa đối với các DA thủy điện lớn” dành cho Thủy điện A Vương, Đắc Mi 4, Sông Tranh trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Các DA thủy điện nhỏ cũng thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ an toàn hồ đập được Bộ Công Thương phê duyệt.
   
  Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Mặc dù có quy trình vận hành liên hồ chứa, nhưng việc xả lũ do các chủ hồ tự quyết, nhiều khi tỉnh cũng không can thiệp được. Bức xúc trước thực trạng này, UBND tỉnh cũng rất nhiều lần báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa phù hợp với thực tiễn, giảm lũ cho hạ du…”. Trước thực trạng biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, việc điều tiết các hồ chứa thủy điện, gây lũ lụt hoặc hạn hán đang là nỗi lo của nhiều địa phương vùng xuôi.
   
  Huyện Bắc Trà My có công trình thủy điện Sông Tranh 2 nổi tiếng với hàng chục lần xảy ra hiện tượng rung chấn động đất, nứt hở khe mạch bờ đập, rò rỉ nước thân đập… Đáng chú ý là hiện tượng động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian dài, đã thu hút giới khoa học nghiên cứu, theo dõi, còn người dân sở tại ban đầu lo ngay ngáy, rồi cũng quen dần và “sống chung” với động đất. Tuy nhiên, chính quyền địa phương hàng năm phải xây dựng những phương án cụ thể trước mùa mưa lũ, đặc biệt là việc di dời dân, khi có sự cố liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2.
   
   
Công trình thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) thường xảy ra động đất
   
  Chủ đầu tư các DA thủy điện luôn tính hiệu quả kinh tế thu về thông qua phát điện là chính, nên việc điều tiết nguồn nước vì lợi ích chung rất khó đảm bảo, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất vùng hạ lưu đã từng xảy ra không chỉ ở Quảng Nam cả TP Đà Nẵng, buộc phải kêu cứu lên trung ương. Cụ thể như tháng 7/2009, thủy điện A Vương sửa chữa, bảo dưỡng không chịu xả nước, làm gần 5 ngàn ha lúa Hè Thu ở huyện Điện Bàn, Đại Lộc và TP Hội An thiếu nước… Việc ngăn dòng, làm dâng mực nước và thay đổi dòng chảy sẽ phân chia dòng sông vùng thượng lưu, trung lưu thành các đoạn sông, gây mất tính liên tục của dòng chảy; chế độ thủy văn, lưu lượng nước thay đổi căn bản đã tác động đến cân bằng hệ sinh thái trong khu vực, ảnh hưởng đến môi trường sống của một số loài động, thực vật thường di cư.
   
  Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An lo lắng, trong những năm qua, cửa sông Thu Bồn tại Cửa Đại bị vùi lấp nghiêm trọng, vào mùa khô tàu thuyền không ra vào được, tình trạng biển xâm lấn đã cuốn trôi hàng nghìn m2 đất bờ biển Hội An, đe dọa đến Di sản văn hóa thế giới. Đã có ý kiến cho rằng, chính lưu lượng dòng chảy của hệ thống sống Thu Bồn – Vu Gia thay đổi quá lớn, đã tạo ra sự vùi lấp cửa sông nêu trên. Mùa mưa lũ, có thời điểm nước lũ đột ngột đổ về quá nhiều, sau đó lại giảm đột ngột nên dòng chảy không thông suốt theo đúng quy trình tự nhiên của nó, lượng nước mùa khô không đủ để làm thông thoáng dòng chảy, đã tạo nên hiện tượng vùi lấp cửa sông. Từ hiện tượng Cửa Đại bị vùi lấp, ngăn dòng chảy tự nhiên làm thay đổi dòng chảy và nước biển xâm thực vào đất liền của TP Hội An.    
   
Cảnh báo nguy cơ vỡ đường ống, hồ đập 
                                                                                      
  Tây Nguyên đã bước vào mùa khô, nhưng người dân ở đây vẫn chưa quên những sự số về thủy điện trong mùa mưa bão năm 2013, rồi vụ vỡ đập 2 lần của thủy điện Ia Krel 2, xã Ia Dom, Đức Cơ (Gia Lai) vào giữa tháng 6/2014 và mới đây nhất là vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) làm 12 công nhân mắc kẹt trong 82 giờ mới được cứu thoát; đã đặt ra nổi lo lớn về thiết kế, thi công và vận hành các công trình thủy điện tại khu vực này…
   
  Chúng tôi về xã Ea Houar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc vào một ngày cuối năm 2014, được ông Trần Văn Hải – Chánh văn phòng UBND xã cho biết: “Mùa mưa năm 2014 không dữ dội phức tạp như những năm trước, nhưng nỗi lo của cán bộ và nhân dân xã vẫn kéo dài vì công trình thủy điện”. Công trình Nhà máy thủy điện Srepok 4A có công suất 64 MW, được khởi công xây dựng từ năm 2011, hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013. Để dẫn nước về nhà máy, hạng mục đường kênh dẫn nước phải thi công đắp bờ đê quai đi qua địa phận 3 xã là: Ea Weh, Krông Na và Ea Houar (huyện Buôn Đôn); riêng địa phận xã Ea Hoar, đường kênh dẫn nước này kéo dài 1,5 km, đi qua 3 thôn. Trong đợt mưa bão đầu tháng 10/2013, một đoạn dài đê quai của đường kênh dẫn nước đi qua buôn Zech A (thôn 5) đã bị sạt lở cuồn trôi hoàn toàn hoa màu của người dân trên điện tích gần 10 ha đất nông nghiệp, nhưng rất may là công trình đang thi công nên lượng nước ít, nếu không không biết hậu quả sẽ còn nghiêm trọng tới mức nào.
   
  Sau sự cố vỡ đường kênh này, UBND huyện Buôn Đôn và xã EaHoar cùng Ban quản lý Dự án nhà thủy điện Srepok 4A đã họp, lập phương án đền bù thiệt hại về hoa màu cho nhân dân, tuy nhiên cho đến nay nhiều hộ dân còn có ý kiến thắc mắc vì chưa được đền bù thỏa đáng. Đưa chúng tôi đến khu vực đã xảy ra sự cố vỡ đê quai trước đây, các cán bộ xã cho rằng, đường kênh dẫn nước của thủy điện Srepok 4A được thi công bằng phương pháp, đắp đất tạo bờ đê hai bên để tạo thành dòng kênh. Mặc dù dự án đã hoàn thành, nhưng theo đánh giá chung là hàng ngàn mét bờ kênh qua địa phận xã chỉ được đắp bằng đất, không được kè chắn theo công nghệ hiện đại nên liệu có đảm bảo an toàn khi mưa lũ lớn xảy ra hay không?
   
  Cũng là một công trình thủy điện nhỏ, thậm chí rất nhỏ chỉ có công suất 5 MW do Cty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long – Gia Lai xây dựng trên địa bàn huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). Đó là dự án thủy điện Ia Krel 2 được khởi công từ năm 2010, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2013, nhưng chi trong 2 năm đã xảy ra 2 lần vỡ đập dâng. Lần vỡ đập thứ nhất xảy ra vào cuối tháng 6/2013, lần thứ 2 vào tháng 8/2014.
   
  Trong mùa mưa năm 2013, khi thủy điện Ia Krel đang tích nước lòng hồ đã xảy ra hiện tượng nứt phần thân đập dâng, nhưng chưa được đơn vị đầu tư, thi công xử lý. Mưa lớn kéo dài đã gây vỡ 40 mét thân đập, hàng nghìn m3 đất đá bị nước cuốn trôi vào địa phận xã Ia Dom, làm hơn 10 căn nhà của người dân bị cuốn trôi, hư hỏng; gần 10ha hoa màu bị hủy hoại, hàng trăm ha cây trồng khác của người dân 5 thôn của xã Ia Dom bị thiệt hại nặng nề, uớc tính hàng tỷ đồng. Trong khi công tác xử lý, giải quyết bồi thường những thiệt hại sau sự cố vỡ đập còn chưa dứt điểm, thì ngày 1/8/2014, dù mùa mưa không lớn như mọi năm, nhưng hạng mục đê quây thượng lưu đập chính của thủy điện này lại bị vỡ, làm toàn bộ lượng nước lòng hồ tràn nhanh xuống hạ lưu. Rất may lượng nước tích trong lòng hồ còn ít, nên hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng.
   
  Theo thống kê mới nhất của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 18 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành, trong đó có 4 dự án có công suất từ 64 MW đến 280 MW, còn lại là thủy điện vừa và nhỏ. Theo các cán bộ có trách nhiệm về quản lý điện năng của Sở Công Thương các địa phương này, tất cả các dự án thủy điện có công suất lớn và nhỏ đều đã ban hành quy trình vận hành các hồ chứa và phương án đảm bảo an toàn thân bờ đập. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra những minh chứng từ những sự cố vỡ quai đê, vỡ đập đã nêu trên, các ngành chức năng mới thừa nhận, công tác quản lý chất lượng các công trình còn có vấn đề, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản. 
   
  Qua đợt thanh tra vừa kết thúc mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi 14/33 DA thủy điện chậm tiến độ, loại bỏ 17 DA do hiệu quả kinh tế thấp và gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái… Việc làm kiên quyết trên, cho thấy cần phải xem xét lại tính khả thi các DA thủy điện, để hạn chế những tác hại khôn lường của nó về sau.
   
Bài và ảnh: Võ Hà
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu họa từ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO