Hậu Giang: Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BVMT

26/10/2017 00:00

  (TN&MT) - Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua các xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực thực hiện tiêu chí môi...

 

(TN&MT) - Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua các xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và nâng chất tiêu chí này đòi hỏi các xã cần phải tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân thường xuyên tham gia thực hiện như trồng cây xanh, phát quang cây cỏ, thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh,...

Trong thời gian qua, việc thực hiện tiêu chí môi trường luôn là nỗi trăn trở của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, bở lẽ ở các vùng nông thôn, một bộ phận dân cư thường có thói quen vứt rác nơi công cộng, ven đường, kênh rạch. Bên cạnh đó, việc thu gom rác thải tại một số nơi cũng gặp nhiều trở ngại do đường giao thông nông thôn quá hẹp, xe rác không thể đến tận nơi thu gom. Mặt khác, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh còn thấp, việc quan tâm tạo cảnh quan trước nhà bằng cách trồng hoa, cây xanh vẫn chưa được người dân quan tâm thực hiện thường xuyên...

Để từng bước khắc phục những hạn chế này, nhất là từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các ngành có liên quan từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức, từ đó đã dần thay đổi ý thức của bà con trong việc quan tâm đến môi trường sống. Minh chứng dễ nhận thấy nhất cho sự thay đổi này là hiện các xã nông thôn, nhất là những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì cảnh quan trước nhà ngày càng xanh - sạch - đẹp với hàng rào cây xanh, cùng sự tươi mới của những bông hoa, vườn rau dọc theo những con đường bê tông hoặc nhựa hóa rộng mở đã tạo nên điểm nhấn ở các tuyến đường nông thôn.

Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Mai, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ chủ yếu chỉ lo phát triển kinh tế, ít quan tâm đến cảnh quan trước nhà. Từ khi chính quyền địa phương phát động và thấy một vài hộ làm đẹp trước nhà nên từ từ cả ấp làm theo và giờ có con lộ đẹp mắt, nhiều người khách đi qua đều khen. "Buổi chiều đi làm về nhìn những bông hoa khoe sắc mà trong lòng cảm thấy vui vui, bớt đi mệt nhọc lo toan cho cuộc sống hàng ngày...”- bà Nguyễn Thị Mai, ở ấp 2, xã NTM Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ cho biết.

Để có một tuyến đường xanh- sạch-đẹp rất cần sự nỗ lực, kiên trì của các ngành chức năng, người dân
Để có một tuyến đường xanh- sạch-đẹp rất cần sự nỗ lực, kiên trì của các ngành chức năng, người dân

Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, để tạo cảnh quan đẹp trước nhà là một trong những việc làm quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, muốn có được cảnh quan đẹp không phải là việc làm một ngày một bữa mà là cả một quá trình cố gắng, do đó rất cần sự nỗ lực, kiên trì của người dân mới tạo nên những con đường đẹp đầy sắc hoa...

"Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành, các cấp, cộng với ý thức của người dân mà cảnh quan môi trường trước nhà ở nông thôn từng bước thay đổi mạnh mẽ theo hướng tích cực. Hiện nay, không chỉ quan tâm vận động bà con làm đẹp cảnh quan trước nhà, mà mỗi địa phương còn chọn cho mình một sắc hoa, loại cây mang tính đặc trưng riêng. Chẳng hạn, về thăm các xã nông thôn mới trên địa bàn TX. Ngã Bảy thì người ta nhắc ngay đến hoa Hoàng Yến, còn ở TX. Long Mỹ hay huyện Long Mỹ thì cây huyết rồng với màu đỏ rực... ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hậu Giang cho hay.

Hậu Giang là một tỉnh thuần nông, đời sống của người dân nông thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, hàng năm lượng thuốc bảo vệ thực vật mà bà con sử dụng tương đối nhiều và việc xử lý những bao bì, vỏ chai sau sử dụng trong thời điểm trước đây vẫn còn nhiều bất cập khi tình trạng vứt bỏ không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, thông qua các buổi tuyên truyền, vận động bà con đã dần bỏ thói quen trên và thu gom để vào một nơi chờ cơ quan chức năng vận chuyển đi xử lý.

Ngoài việc tuyên truyền để thay đổi thói quen, thì các ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang còn tăng cường triển khai các mô hình, giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất thân thiện với môi trường như mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo quy trình GAP, sử dụng chế phẩm sinh học thay cho hóa học...Đây là hướng đi phù hợp để hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Trần Văn Tây cho rằng, trong thời gian qua cùng với việc giúp người dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo thì địa phương cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường sống. Hiện nay, gần 100% nông dân trên địa bàn xã đều được tập huấn và áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng” nên ít gây ô nhiễm cho môi trường...

Hiện nay tại các địa phương trên địa àn tỉnh Hậu Giang, người dân đã và đang thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên để việc làm này đạt được những kết quả thực chất hơn, nhất là đối với các xã đã được công nhận hoặc đang phấn đấu để được công nhận nông thôn mới thì rất cần sự quan tâm thực hiện thường xuyên của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.

Lê Hùng- H. Phước

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BVMT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO