(TN&MT) - Hậu Giang là địa phương đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu (BĐKH), do đó công tác đo đạc, quan trắc luôn là nhiệm vụ quan trọng giúp địa phương chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó. Để hiểu rõ hơn về công việc này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang. |
PV: Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai công tác đo đạc, quan trắc để ứng phó với BĐKH như thế nào, thưa ông?
Ông Trương Cảnh Tuyên:
Hậu Giang là tỉnh dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH, các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra gây nhiều thiệt hại cho người dân. Để chủ động ứng phó, ngoài việc tuyên truyền, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi ngăn mặn trữ ngọt đảm bảo nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn, mặn; tỉnh Hậu Giang cũng rất quan tâm đầu tư, duy trì hoạt động đo đạc, quan trắc phục vụ cho công tác ứng phó thiên tai, bảo vệ môi trường đất, nước, không khí trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường năng lực, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quan trắc theo xu thế chung của khu vực và của cả nước, năm 2019, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh với 3 trạm quan trắc nước mặt và 1 trạm quan trắc không khí tự động cùng với hạ tầng tiếp nhận dữ liệu quan trắc này.
Để theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, tỉnh Hậu Giang hiện đang triển khai đầu tư 10 trạm đo mặn tự động phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi diễn biến mặn, góp phần giảm thiệt hại trong sản xuất, cấp nước ngọt cho người dân thuộc địa bàn các huyện Châu Thành, Long Mỹ, TX. Long Mỹ và TP. Vị Thanh, ổn định phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thời tiết cực đoan, diễn biến bất thường của BĐKH.
PV: Thông qua công tác trên đã góp phần ứng phó với BĐKH, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang ra sao, thưa ông?
Ông Trương Cảnh Tuyên:
Hệ thống quan trắc là một trong những công cụ quan trọng trong công tác quản lý các nguồn thải, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, góp phần giúp tỉnh Hậu Giang phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Các thông tin, số liệu đo đạc, thu thập được từ quá trình quan trắc sẽ phản ánh mức độ ảnh hưởng của BĐKH, quá trình phát triển kinh tế - xã hội lên các thành phần môi trường, lĩnh vực, từ đó giúp tỉnh Hậu Giang xác định những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trong quá trình phát triển.
Cùng với đó, hệ thống quản lý, tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động giúp cho công tác quản lý các nguồn thải có quy mô lớn của cơ quan chức năng của tỉnh được tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ gây sự cố môi trường; đồng thời, các thông tin, số liệu có được từ công tác đo đạc, quan trắc là một trong những căn cứ quan trọng làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Hậu Giang đưa ra giải pháp ứng phó BĐKH.
Có thể khẳng định, công tác đo đạc, quan trắc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát, dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai cũng như đánh giá diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh trong quá trình phát triển. Từ đó, giúp UBND tỉnh Hậu Giang ban hành các quyết định phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thích ứng với BĐKH.
Hậu Giang sẽ đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tự động để bảo vệ nguồn nước kênh Xáng Xà No trước tác động của BĐKH. |
PV: Ngoài nỗ lực đầu tư hiện đại hệ thống quan trắc tự động, Hậu Giang có đề xuất gì với các Bộ, ngành Trung ương, thưa ông?
Ông Trương Cảnh Tuyên:
Mặc dù, nguồn lực còn hạn hẹp, nhưng tỉnh Hậu Giang cũng đã rất cố gắng, dành nguồn kinh phí đầu tư cho công ứng phó với BĐKH, trong đó có đầu tư, hiện đại hóa hệ thống các trạm quan trắc không khí, nước mặt, nước dưới đất và đất mặt. Theo Chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 mới được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt, Hậu Giang sẽ đầu tư bổ sung thêm 2 trạm quan trắc nước mặt và 3 trạm quan trắc không khí tự động liên tục; thiết lập 10 điểm quan trắc cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Do vậy, trong thời gian tới, ngoài nguồn lực đầu tư của địa phương thì rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để Chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành, góp phần giúp tỉnh Hậu Giang chủ động trong việc ứng phó với các hiện tượng cực đoan của BĐKH, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành, quản lý, nhất là công tác đo đạc, đánh giá các dữ liệu từ trạm quan trắc tự động truyền về cơ quan chủ quản. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang mong muốn các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý các trạm quan trắc và quản lý, khai thác dữ liệu quan trắc nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đo đạc, quan trắc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!