(TN&MT) - Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt cung cấp chủ yếu cho người dân tỉnh Hậu Giang được khai thác từ kênh Xáng Xà No. Tuy nhiên, do nguồn nước mặt tại tuyến kênh trọng yếu này đang có xu hướng gia tăng ô nhiễm, đồng thời với diễn biến phước tạp của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với các đơn vị trong việc đảm bảo nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân.
Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình Đô thị Hậu Giang, Bùi Trọng Lực cho rằng, chất lượng nước kênh xáng Xà No đôi lúc không ổn định, trong khi đó các hệ thống cấp nước hiện nay của công ty sử dụng chủ yếu là nguồn nước mặt của tuyến kênh này để sản xuất. Do đó, việc cung cấp nước cho người dân của công ty rất rễ bị ảnh hưởng nếu như xảy ra tình trạng mặn xâm nhập chẳng hạn...Mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn, song đơn vị cũng đã chủ động lên các phương án đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các hộ dân.
Hiện Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình Đô thị Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch ứng phó với xâm nhập mặn và triển khai đến toàn thể các đơn vị trực thuộc trong toàn công ty để quán triệt và thực hiện tốt các khâu chuẩn bị, ứng phó khi nước mặn xâm nhập ảnh hưởng đến nguồn nước thô, giảm thiểu tối đa đến việc thiếu nước ngọt sản xuất và cung cấp cho nhân dân trên địa bàn.
"Trường hợp cần thiết, đơn vị sẽ sử dụng nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt pha loãng với nhau sao cho độ mặn đảm bảo không vượt mức theo quy chuẩn quy định để cung cấp nước cho người dân. Đồng thời thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, phạm vi ảnh hưởng để có kế hoạch chọn thời điểm lấy nước thô và điều tiết áp lực cho phù hợp, đảm bảo đủ cung cấp nước sạch. Ngoài ra, công ty cũng sẽ phối hợp tuyên truyền người dân chủ động tích trữ nước ngọt trong thời gian mùa khô, mặn xâm nhập"- Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, Bùi Trọng Lực thông tin.
Trong thời gian vừa qua, tình hình xâm nhập mặn diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nước mặn xâm nhập đến những vùng chưa từng xảy ra khiến cho nhiều công trình cấp nước ở nông thôn bị ảnh hưởng. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang, trong năm 2017 có 12 trạm cấp nước của trung tâm quản lý bị ảnh hưởng, khiến cho hôn 6.000 hộ dân bị gián đoạn nguồn nước sử dụng.
Để ứng phó, Trung tâm đã đưa ra biện pháp canh theo con nước, rồi tiến hành bơm ngay. Đồng thời, xây dựng hồ dự trữ nước thô để chủ động trong khai thác nước, đảm bảo cung cấp nước thô liên tục và duy trì ổn định hoạt động của các trạm khi nguồn nước bị xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang đề ra giải pháp cụ thể như đối với các trạm cấp nước sử dụng nước mặt ở vùng thường bị ảnh hưởng mặn đều đã có giếng khoan dự phòng đảm bảo cung cấp khi có mặn xâm nhập; tập trung duy tu, sửa chữa các công trình cấp nước, phục vụ nước sạch cho người dân được liên tục trong mùa khô và nhất là khi có mặn xâm nhập. Đối với những nơi trạm đã hết công suất, trung tâm tiến hành nâng cấp công suất, mở rộng tuyến ống để tăng số hộ sử dụng nước máy. Hỗ trợ người dân về giải pháp kỹ thuật cho các công trình cấp nước hộ gia đình đối với những nơi chưa có nước máy để đảm bảo cho người có nước sử dụng.
Mặc dù đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó, nhưng ông Nguyễn Văn Lòng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang cũng khuyến cáo đến người dân khi phát hiện đường ống cấp nước rò rỉ, cần thông báo đến trạm cấp nước hay trung tâm được biết để sửa chữa kịp thời, tránh lãng phí nước trong điều kiện hạn hán, nguồn nước đang thiếu hụt; trữ nước sẵn để sử dụng khi có hạn hán kéo dài hay có mặn xâm nhập, sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích, chuẩn bị dụng cụ chứa nước dự trữ sử dụng;...