Hậu cảng Kê Gà: "Đại gia" cũng khóc ròng vì đổ nợ

19/02/2017 00:00

(TN&MT) - Không chỉ mất đi cơ hội đầu tư kinh doanh, "tán gia bại sản" do bị buộc phải dừng hoạt động vì vướng cảng Kê Gà, các nhà đầu tư du lịch hiện còn đang...

 

(TN&MT) - Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin: Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/12/2015, Bộ Công Thương đã có công văn số 12438/BCT-CNNg, thống nhất các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ cho các DN du lịch. Đặc biệt, Bộ Công Thương đồng ý hỗ trợ “chi phí cơ hội đầu tư” và hỗ trợ “lãi suất tiết kiệm” cho DN, căn cứ vào tỷ suất lợi nhuận trên tổng mức đầu tư dự án.

Mỗi tháng, chủ Khu du lịch Vạn Trụ phải trả lãi ngân hàng gần 100 triệu đồng
Mỗi tháng, chủ Khu du lịch Vạn Trụ phải trả lãi ngân hàng gần 100 triệu đồng

 

Khu du lịch Vạn Trụ
Khu du lịch Vạn Trụ

Đề nghị ngược lại tỉnh hỗ trợ?

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà (Hội đồng này bao gồm các sở, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận, đại diện Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam - TKV). Từ tháng 12/2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất giá trị các khoản bồi thường, hỗ trợ cho 12 DN, gồm: Tài sản, chi phí thiết bị nội thất nhà hàng, phòng nghỉ, nhà bếp, hỗ trợ tiền lương, chi phí điện, nước, cải tạo mặt bằng, cây trồng đã chết, chi phí quản lý, xây dựng…

Riêng khoản hỗ trợ “chi phí cơ hội đầu tư”, UBND tỉnh Bình Thuận đã báo cáo Bộ Công Thương tại công văn số 2420/UBNDĐTQH ngày 23/7/2015, mức hỗ trợ được tính là 10% của giá trị vốn DN đã đầu tư. Còn hỗ trợ “lãi suất tiết kiệm”, được tính trên giá trị vốn đã đầu tư, theo lãi suất tiết kiệm bình quân gửi Ngân hàng BIDV công bố (từ năm 2008 - 2015), thời gian hỗ trợ là 96 tháng (từ năm 2008 - 2015)…

Từ đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận bồi thường, hỗ trợ số tiền trên 85,7 tỉ đồng cho các dự án du lịch ở mũi Kê Gà. Trong đó, resort Thế Giới Xanh bị thiệt hại nặng nhất, được bồi thường trên 36,8 tỉ đồng. Kế đó là resort Đồi Phong Lan 36,5 tỉ đồng, resort Thạnh Đạt 4,4 tỉ đồng…

Chủ đầu tư Khu du lịch Đồi Phong Lan đã bỏ ra hơn 50 tỷ đồng đầu tư xây dựng resort
Chủ đầu tư Khu du lịch Đồi Phong Lan đã bỏ ra hơn 50 tỷ đồng đầu tư xây dựng resort

 

Đến nay, Khu du lịch Đồi Phong Lan chỉ được đề nghị đền bù hơn 36 tỷ nhưng vẫn chưa được trả tiền
Đến nay, Khu du lịch Đồi Phong Lan chỉ được đề nghị đền bù hơn 36 tỷ nhưng vẫn chưa được trả tiền

 

Cảnh đổ nát của Khu du lịch Đồi Phong Lan sau 10 bỏ hoang
Cảnh đổ nát của Khu du lịch Đồi Phong Lan sau 10 bỏ hoang

 

Đến nay, Khu du lịch Đồi Phong Lan vẫn chưa được cấp sổ đỏ vì vướng cảng Kê Gà
Đến nay, Khu du lịch Đồi Phong Lan vẫn chưa được cấp sổ đỏ vì vướng cảng Kê Gà

Tuy nhiên, thay vì chấp thuận bồi thường 85,7 tỉ đồng, như thống kê của UBND tỉnh Bình Thuận, thì chủ đầu tư dự án cảng Kê Gà là Tập đoàn TKV, chỉ đồng ý bồi thường cho các DN du lịch bị thiệt hại có… 37,5 tỉ đồng (giảm đi 48,2 tỉ đồng).

Theo TKV: Chỉ số tiền 37,5 tỉ đồng là “có cơ sở pháp lý”(?!). Nhưng TKV lại đề nghị tỉnh Bình Thuận “hỗ trợ về cơ chế, chính sách ưu đãi trong đầu tư cho các dự án du lịch tiếp nhận lại dự án và tiếp tục đầu tư để chia sẻ chi phí hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cũng như rủi ro của TKV trong đầu tư dự án, đối với khoản chênh lệch giảm đi 48,2 tỉ đồng”.

Thảm cảnh của Khu du lịch Thế Giới Xanh
Thảm cảnh của Khu du lịch Thế Giới Xanh

Vì sao “tiền hậu bất nhất”?

Theo ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, tại một văn bản mới đây gửi Bộ Công Thương báo cáo về việc hỗ trợ, bồi thường cho 12 DN du lịch: Công văn số 12483/BCT-CNNg ngày 7/12/2015 của Bộ Công Thương đã đề cập đến 2 khoản hỗ trợ về “chi phí cơ hội đầu tư” và “lãi suất tiết kiệm”, nhưng chưa hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc xác định. Thực tế, UBND tỉnh Bình Thuận đã xác định mức hỗ trợ “lãi suất tiết kiệm” và mức hỗ trợ “chi phí cơ hội đầu tư”, tính theo nguyên giá của Nhà nước quy định trong năm 2015, đối với tài sản đã được chủ dự án du lịch đầu tư trên đất.

UBND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ báo cáo Bộ Công Thương tại công văn số 2420/UBND-ĐTQH ngày 23/7/2015. Song, theo ý kiến của TKV, ghép 2 khoản hỗ trợ “lãi suất tiết kiệm” và hỗ trợ “chi phí cơ hội đầu tư” thành một khoản mục chi phí “hỗ trợ cơ hội đầu tư”(?!). Chính vì cái ghép 2 khoản hỗ trợ (theo chỉ đạo của Bộ Công Thương) thành một khoản hỗ trợ (theo TKV); đồng thời, chỉ chấp thuận hỗ trợ các DN từ năm 2011 - 2015, thay vì từ năm 2007 - 2015, đã dẫn tới sụt giảm hơn 50% tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ cho các DN bị thiệt hại tại dự án cảng Kê Gà.

Cơ sở tính toán các khoản bồi thường, hỗ trợ đã được UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo rất cụ thể… Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, TKV lại thay đổi quan điểm, “tiền hậu bất nhất” trong quyết định hỗ trợ, bồi thường cho các DN?. 

Cho đến thời điểm này (tháng 2/2017), UBND tỉnh Bình Thuận gửi văn bản lên Bộ Công Thương, vẫn kiên định quan điểm bồi thường 85,7 tỉ đồng cho các DN. UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng phương án này đã được Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà (trong đó có đại diện của TKV) xác định kỹ lưỡng, phù hợp với thực tế và đã mời các chủ dự án du lịch làm việc thống nhất. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho 2 DN là chủ đầu tư Khu du lịch Vạn Trụ và Resort Thạnh Đạt…

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương cho phép địa phương tính toán lại kinh phí bồi thường theo đơn giá năm 2017 nếu TKV không chịu trả tiền trong năm 2016.

Cảnh đổ nát, hoang tàn của Khu du lịch Thế Giới Xanh
Cảnh đổ nát, hoang tàn của Khu du lịch Thế Giới Xanh

“Đại gia” cũng khóc ròng vì đổ nợ!

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường,  ông Vũ Chí Công - chủ resort Đức Hạnh (tên mới là Khu du lịch Vạn Trụ) cho biết: “Khi nhận được thông tin quy hoạch cảng Kê Gà, tôi đã đổ vào resort của mình khoảng 2.000 cây vàng (tương đương 60 tỉ đồng) để làm vốn đầu tư. Đó là những hạng mục tôi còn giữ hóa đơn, giờ thống kê được; chứ còn rất nhiều chi phí cho 1.001 công việc lặt vặt khác, không có hóa đơn, thì không thể thống kê xuể. Chưa kể biết bao công sức của tôi và người thân đã đổ vào resort ngày đêm, với hành trình từ Sài Gòn đi Phan Thiết, tới mũi Kê Gà và ngược lại”. Hiện tại, theo ông Vũ Chí Công cho biết DN của ông mỗi tháng vẫn phải trả lãi suất tiền vay ngân hàng gần 100 triệu đồng.Tại khu resort Vạn Trụ của ông Công, ở khu khách sạn 4 tầng đã xuất hiện vô số vết nứt, cửa gỗ bị kẻ gian đập phá do suốt thời gian dài bị bỏ hoang.

Còn ông Nguyễn Thịnh Phát - chủ resort Thành Đạt cho biết: “Chúng tôi đã bỏ ra hàng tỉ đồng chỉ để mua cây xanh về phủ xanh đồi cát. Trồng được một cây xanh trong điều kiện cát cháy, nắng nóng bỏng, đâu phải dễ. Hơn nữa, thời điểm cách đây hơn 10 năm, thôn Kê Gà hoàn toàn hoang hóa, không đường nhựa, không điện, không nước ngọt… Để cây xanh bám rễ, phát triển, DN không chỉ khoan giếng lấy nước ngọt tưới cho cây, mà còn phải chạy máy phát điện, chăng bạt chắn gió, chăm chút từng chút một…”. Ngoài ra, ông Phát còn tốn kém nhiều tiền bạc để nổ mìn phá đá, san lấp mặt bằng…, tổng số vốn đầu tư ông Phát bỏ là hơn 30 tỷ đồng; thế nhưng, việc quy hoạch cảng Kê Gà đã làm cho các hạng mục xây dựng resort Thành Đạt đóng băng. Cơ hội kinh doanh bị mất đi, trong khi lãi vay ngân hàng chất chồng…

Thảm cảnh của Khu du lịch Thế Giới Xanh hiên nay
Thảm cảnh của Khu du lịch Thế Giới Xanh hiên nay

Ông Nguyễn Đức Đăng Toàn - chủ khu resort Thế Giới Xanh - nói: “Thời điểm năm 2007, khu du lịch của gia đình tôi mới xây dựng xong, đưa vào hoạt động khoảng gần 3 năm, thì nhận được thông báo ngừng đầu tư, ngừng hoạt động và làm thủ tục trả lại đất cho tỉnh Bình Thuận để đầu tư cảng Kê Gà. Ba tôi - ông Nguyễn Đức Hiếu, sau đó đã đổ bệnh vì “của đau con xót”, hiện giờ ông đã mất được 3 năm. Bởi, để đầu tư được khu du lịch, gia đình tôi đã bỏ ra 3.000 cây vàng (tương đương 100 tỉ đồng thời điểm năm 2000-2001)... Ba tôi đã xây dựng khu du lịch với bao tâm huyết. Ba tôi nói với các con rằng: “mình xây dựng khu du lịch tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp tỉnh phát triển du lịch…, có gì mà phải suy nghĩ, áy náy?.  Nhưng sự thật quá đau xót. Khu du lịch mới hoạt động, đang còn phải bù lỗ, chưa thu được lợi nhuận nào, đã buộc phải đóng cửa. Chúng tôi đóng cửa khu du lịch mới khai trương không được bao lâu, mà ruột đứt từng khúc…”. Thực tế, sau khi ngừng hoạt động, toàn bộ resort Thế Giới Xanh ngày một tan hoang, xuống cấp nghiêm trọng.

Đồng cảnh ngộ với ông Nguyễn Đức Hiếu, ông Hoàng - chủ resort Minh Ngọc, cũng vừa mất năm 2015, khi mà hành trình đòi bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp của mình vẫn còn dang dở…

Lâm cảnh “dở sống, dở chết”, ông Nguyễn Trường Vinh - chủ resort Đồi Phong Lan cho biết: “Resort đang trong quá trình xây dựng đã gần xong, tốn kém hơn 50 tỉ đồng. Đùng một cái, tôi nhận thông báo ngừng xây dựng, trả giấy phép đầu tư, trả đất cho Nhà nước để quy hoạch xây cảng Kê Gà. Nhìn những dãy nhà, biệt thự, phòng nghỉ… vừa xây dựng xong còn mới tinh, chưa đưa vào sử dụng; bị buộc phải đập phá, tháo dỡ, tôi chỉ muốn nhảy xuống biển tự vẫn cho rồi”.

Ông Vinh cho biết thêm tỉnh Bình Thuận lập hội đồng giám định thiệt hại, đo đạc diện tích của resort Đồi Phong Lan 3-4 lần, cứ vài năm làm một lần đo đạc, rồi đến năm 2015 gút lại số tiền phải trả cho ông Vinh trên 36 tỉ đồng. “Tiền sử dụng đất tôi đóng hết cho Nhà nước từ năm 2002, đến năm 2004 mới xây resort, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ vì vướng dự án cảng Kê Gà. Tôi chỉ mong muốn Bộ Công Thương chỉ đạo sao cho TKV nhanh trả tiền bồi thường cho tụi tôi để trả nợ và đầu tư tiếp” - ông Vinh nói.

Bài & ảnh: Việt Đức - Hoàng Hưng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu cảng Kê Gà: "Đại gia" cũng khóc ròng vì đổ nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO