Hạt Kiểm lâm Sơn Động có bao che cho cha con Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn?

02/06/2016 00:00

(TN&MT) - Một vụ việc tương tự xảy ra tại huyện Sơn Động, kết quả là hai người dân đã phải vào tù vì tội hủy hoại rừng trái phép. Vậy vì sao Hạt Kiểm lâm Sơn...

 
(TN&MT) – Việc Hạt Kiểm lâm Sơn Động cho rằng do sự việc xảy ra đã lâu (tháng 4/2014) nên cần phải có thêm thời gian để xác minh làm rõ thời điểm vi phạm, trạng thái rừng tại thời điểm xảy ra vi phạm để lập hồ sơ xử lý đối với ông Phạm Văn Cương (con trai ông Phạm Văn Thắng – Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn) theo quy định của pháp luật (nếu vụ việc còn thời hiệu) là có dấu hiệu bao che cho vi phạm của con trai ông Chủ tịch và những người có liên quan.
 
Những gốc cây còn sót lại chính là dấu vết của việc phá rừng tự nhiên của con trai Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn để trồng keo
Những gốc cây còn sót lại chính là dấu vết của việc phá rừng tự nhiên của con trai Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn để trồng keo
Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Hà Luân – Trưởng Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long (Đoàn Luật sư Hà Nội) khi được hỏi về trường hợp của ông Phạm Văn Cương (cán bộ tư pháp) là con trai của ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn phá 26.056m2 rừng tự nhiên trái pháp luật nhưng không bị xử lý hình sự như một số trường hợp phá rừng trước đó trên địa bàn huyện Sơn Động.
 
Luật sư Luân cho rằng: Khi phát hiện thấy có dấu hiệu hình sự, các cơ quan chức năng phải phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành điều tra, xác minh, đưa ra số liệu cụ thể về thiệt hại, mức độ nguy hiểm cho xã hội, từ đó mới khẳng định được hành vi vi phạm có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không?
 
Liên quan đến vấn đề chặt phá, hủy hoại rừng trái phép, Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ tại Điều 189, khung hình phạt nhẹ nhất cũng phải từ 6 tháng đến 5 năm tù. Ngoài ra, nếu như trong quá trình điều tra các cơ quan chức năng phát hiện thấy có dấu hiệu gian dối như giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu thì người nào thực hiện hành vi đó còn có thể bị khởi tố hình sự về tội Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 267 BLHS.
 
Ở đây phải xác đinh, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó, nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể). Điều luật không yêu cầu việc “làm” giả này phải nhằm sử dụng hoặc đã sử dụng vào mục đích gì.
 
Từ những phân tích trên, Luật sư Luân cho rằng không thể xem nhẹ vụ việc này, các cơ quan chức năng phải quyết liệt đấu tranh làm rõ các hành vi, xác định trách nhiệm đến đâu thì xử lý đến đó, chứ không thể viện cớ sự việc xảy ra đã lâu hay “khu vực đó hiện nay đã trồng keo” để làm chậm quá trình điều tra xác minh, không xử lý. Làm như vậy  là có hiện tượng bao che cho vụ phá rừng nghiêm trọng này.
 
Làm giả giấy ủy quyền, liệu cha con ông Chủ tịch thị trấn Thanh sơn và ông PCT xã Tuấn Mậu có thoát tội?
Làm giả giấy ủy quyền, liệu cha con ông Chủ tịch thị trấn Thanh sơn và ông PCT xã Tuấn Mậu có thoát tội?
 
Trước đó, Báo điện tử TN&MT đã đưa tin về vụ việc ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn tuy là chủ sử dụng của 14,5 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp (được nhà nước giao trông coi, quản lý) nhưng để cho con là Phạm Văn Cương - Cán bộ tư pháp thị trấn phá gần 3 ha rừng tự nhiên nhưng không bị xử lý hình sự.
 
Trong quá trình điều tra, nhóm phóng viên phát hiện giấy ủy quyền của ông Phạm Văn Thắng cho con trai là Phạm Văn Cương toàn quyền sử dụng 9,5 ha đã bị làm giả với sự góp sức của cha con ông Chủ tịch thị trấn và một PCT xã khác.
 
Cụ thể là vào đầu năm 2016, nhân dịp phải giải quyết một vụ việc liên quan tới người dân tố cáo ông Thắng phá rừng và con trai ông này lấn chiếm đất rừng của người hàng xóm, thì ông Hoàng Văn Tuệ - PCT xã Tuấn Mậu đã “liều lĩnh” ký xác nhận một giấy ủy quyền cho cha con ông Thắng. 
 
Liều lĩnh là bởi giấy này ghi ngày ủy quyền là ngày 24/2/2014 (giấy do con trai ông Thắng mang tới), thời điểm đó ông Hoàng Văn Tuệ chưa làm PCT xã Tuấn Mậu. Phải đến ngày 14/11/2014, ông Tuệ mới chính thức là PCT xã Tuấn Mậu sau khi nhận Quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử PCT UBND xã Tuấn Mậu, nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Nguyễn Quang Ngạn.
 
Bản thân ông Tuệ cũng như ông Thắng, khi được phóng viên hỏi về vụ việc này đều đã thừa nhận có sự việc này nhưng chỉ là do sơ suất (ông Tuệ) hoặc đổ lỗi cho con trai Phạm Văn Cương và ông Tuệ tự làm để khớp hồ sơ (ông Thắng).
 
Liên quan tới việc phá rừng tự nhiên trái phép, ngày 16/7/2015, TAND huyện Sơn Động đã đưa vụ án phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại xã An Lạc ra xét xử. Hai bị cáo trong vụ án này là Châu Văn Định (SN 1971), Châu Văn Chung (SN 1974) hộ khẩu thường trú tại thôn Biểng, xã An Lạc, huyện Sơn Động bị truy tố với tội danh hủy hoại rừng theo Điều 189 Bộ Luật hình sự.
 
Nguyên nhân là bởi vào khoảng tháng 3/2014, với lý do thiếu đất canh tác, các bị cáo đã tự ý chặt phá 4 ha rừng tự nhiên đã được Nhà nước giao để bảo vệ. Sau khi phát hiện vụ việc, Hạt Kiểm lâm Sơn Động đã hoàn thiện hồ sơ, chuyển Cơ quan CSĐT huyện Sơn Động đề nghị xử lý.
 
TAND huyện Sơn Động đã tuyên phạt Châu Văn Chung 3 năm 3 tháng tù giam và 5 triệu đồng; Châu Văn Định 3 năm tù cho hưởng án treo và 5 triệu đồng. Cũng với tội danh phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại xã An Lạc ngày 13 - 5 - 2015, TAND huyện Sơn Động đã xử phạt Lê Văn Vinh (SN 1981) thường trú tại thôn Đồng Bây xã An Lạc huyện Sơn Động 3 năm tù giam.

Báo điệnt tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

 
Bích Động – Yên Thế
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạt Kiểm lâm Sơn Động có bao che cho cha con Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO