Hành trình nhận Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất: Kỳ I: Những “cửa ải” khốn khó

15/05/2014 00:00

(TN&MT) - Cả nước đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo mục tiêu của Nghị quyết 30/2013/QH13 của Quốc hội...

(TN&MT) - Cả nước đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo mục tiêu của Nghị quyết 30/2013/QH13 của Quốc hội, tuy nhiên, còn một lượng lớn chưa cấp được - Đâu là nguyên nhân!?
   
  Tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu của một số cán bộ trong quá trình cấp sổ đỏ còn diễn ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận. Đây chính là “cửa ải” khốn khó nhất với người dân.
   
Qua cửa hành chính…
   
  Nhiều địa phương cho rằng, phần lớn các trường hợp chưa được cấp sổ đỏ là do không có giấy tờ hợp lệ, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng từ nhiều năm qua chưa được giải quyết, nhất là tại các thành phố lớn, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và miền đông Nam Bộ. Nhiều địa phương do việc đo đạc lập bản đồ địa chính còn chậm, chưa có, hoặc đã quá lâu nên có nhiều biến động lại không được đầu tư chỉnh lý nên không còn sử dụng được nhất là khu vực đất nông nghiệp, nông thôn, các nông, lâm trường. Đồng thời, do nhận thức và ý thức chấp hành quy định về đăng ký đất đai, cấp sổ của một số đối tượng sử dụng đất còn hạn chế, đặc biệt là ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước ở các cấp được giao đất không thu tiền.
   
  Bên cạnh đó, thủ tục cấp GCN ở một số địa phương chậm cải cách, phức tạp, chưa đúng quy định; tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình cấp sổ đỏ còn ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử như trường hợp của 10 hộ dân, thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn, Hoài Đức (Hà Nội) thì từ năm tháng 6/1997, Hội đồng giải phóng mặt bằng, UBND huyện Hoài Đức đã thu hồi đất thổ cư nhằm phục vụ việc xây dựng đường Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long). Nhận được thông báo, các hộ dân đã tự nguyện bàn giao đất, đồng thời nhận phần đất tái định cư mà chính quyền tạm giao để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.
   
   
   Tuy nhiên, cho đến nay, 16 năm đã trôi qua, những hộ dân mới được tạm giao phần đất tái định cư, chưa có bất kỳ một quyết định chính thức và đầy đủ nào về việc giao đất bằng văn bản của UBND huyện để các hộ yên tâm sử dụng đất lâu dài và tiến hành làm sổ đỏ.
   
  Ông Nguyễn Đắc Nhàn, đội 3, thôn Quyết Tiến,  chia sẻ: "Mong muốn của chúng tôi không chỉ để hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước mà còn cả trách nhiệm với các thế hệ tiếp theo trong gia đình là được sử dụng đất ổn định. Nếu như, những chủ hộ, người được giao đất không may bệnh tật, tuổi già đến sớm trước khi được cấp "sổ đỏ", liệu con cái sau này có vất vả, khó khăn về thủ tục hành chính".
   
“Mắc” cửa tài chính!
   
  Theo Tổng cục Quản lý đất đai, hiện cả nước đang tồn đọng khoảng 300.000 sổ đổ đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận do quy định về thu tiền nghĩa vụ tài chính khi cấp sổ chưa hợp lý, đang được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật đất đai năm 2013. Sở dĩ họ không muốn nhận sổ đỏ là do khoản tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính phải đóng quá lớn, nhiều gia đình ở vùng nông thôn không đủ khả năng để nộp. Ông Vũ Văn Đông xã An Mỹ, huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết: Số tiền phải nộp 90 triệu đồng để làm nghĩa vụ tài chính lấy sổ đỏ là số tiền khá lớn. Ông đã đắn đo nhiều lần và cuối cùng đi đến quyết định chưa nhận sổ đỏ. Kể cả ghi nợ gia đình ông cũng không dám.
   
  Mức thu lệ phí trước bạ hiện nay là 0,5%. “Đối với bà con nông dân phải nộp từ 3 – 10 triệu đồng vẫn cao. Đặc biệt, hàng ngàn hộ gia đình tại TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương xin trả lại hồ sơ và từ chối nhận sổ đỏ do đóng tiền sử dụng đất quá lớn, cùng khoản lãi phạt chậm nộp lên tới 18% năm" - ông Trần Hùng Phi - Cục trưởng Cục Đăng ký & Thống kê đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN & MT) thừa nhận.
   
  Vào giữa năm 2013, tại chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, khi được hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, ngọn nguồn của vấn đề này là hệ số K được các cơ quan sở tại xác định khá cao so với quy định chung, nhiều nơi cao hơn từ 2 - 4,5 lần quy định.
   
  Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, hệ số K chính là hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền thu sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Nhưng đó là diện tích vượt hạn mức theo quy định vượt hạn mức diện tích đất ở đô thị. Thứ hai, hệ số K theo Thông tư 93 của Bộ Tài chính sẽ được UBND các tỉnh quy định phù hợp với thực tế của từng địa phương. Do đó với hệ số K cao thì nhiều hộ gia đình, nhất là ở nông thôn rất khó có được khoản tiền như vậy để nộp, cho nên họ trả lại hoặc không nhận sổ. Không đủ tiền để nhận sổ đỏ thì người dân còn bị thu thêm một khoản khác do chậm nộp theo quy định của Thông tư 93 của Bộ Tài chính. Thông tư này quy định quy định khi nhận sổ đỏ, thì người được cấp giấy phải nộp một khoản tiền. Sau khi có quyết định thu tiền rồi mà chậm nộp theo hạn quy định thì phải chịu một khoản nộp phạt là 0,05%/ngày, nghĩa là tương đương với 18% một năm (quy định trong trường hợp không làm thủ tục ghi nợ).
   
  Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, Nghị định 120 của Chính phủ đã quy định khi người dân chưa có đủ điều kiện về kinh tế, chưa có tiền để trả khoản phải nộp khi cấp giấy thì có thể ghi nợ được. Việc ghi nợ được thực hiện trong 5 năm, người dân chỉ phải trả theo giá ở thời điểm cấp giấy đó. Có thể ở một số địa phương vấn đề ghi nợ chưa được triển khai, hoặc người dân chưa biết được chính sách này để có thể ghi nợ.
   
        
Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, theo kết quả tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến 31/12/2013 cả nước đã cấp được 41,6 triệu sổ đỏ với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp; 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành cơ bản (đạt trên 85% tổng diện tích các loại đất cần cấp giấy). Trong đó, đối với đất ở đô thị thì đã cấp được 5,34 triệu sổ với diện tích 0,13 triệu ha, đạt 96,7% diện tích cần cấp; đất ở nông thôn: đã cấp được 12,92 triệu giấy với diện tích 0,52 triệu ha, đạt 94,4% diện tích cần cấp. Hiện cả nước đang tồn đọng khoảng 300.000 sổ đổ đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận.
        
    
   
Bài & ảnh: Trường Giang
Kỳ II: Hoàn thiện chính sách - tháo gỡ khó khăn
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình nhận Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất: Kỳ I: Những “cửa ải” khốn khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO