Hành lang đường sắt ở Đông Anh (Hà Nội): Ngang nhiên chiếm dụng

11/04/2017 00:00

(TN&MT) - Tình trạng chiếm dụng hàng lang đường sắt làm nơi kinh doanh rửa, sửa chữa xe; buôn bán hàng hóa; chợ cóc dưới chân cầu Thăng Long tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội diễn ra gần 10 năm nay, gây bức xúc trong nhân dân bởi ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông...

Trong khi các thành phố đang diễn ra hoạt động chấn chỉnh trật tự đô thị, nơi đây, các hộ vi phạm hành lang an toàn đường sắt vẫn ung dung ngày đêm bán hàng và chiếm dụng làm nơi chứa hàng hóa mà không có lực lượng chức năng nào hỏi tới. Câu hỏi dư luận đặt ra là ai dung túng cho những sai phạm?

Ngang nhiên hoạt động

Quan sát thực tế của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường tại khu vực hàng lang an toàn đường sắt khu vực Bắc cầu Thăng Long, địa phận thuộc xã Hải Bối cho thấy, các chủ cơ sở kinh doanh tại đây ngang nhiên cho xây dựng các lán trại, bậc bệ rửa xe, đặt container kiên cố... ngay dưới khu vực chân cầu bảo vệ hành lang an toàn đường sắt.

Không dừng lại ở đó, các khu vực ở đây còn được phân chia, xây dựng hàng rào cách biệt như: Khu sửa chữa xe; rửa xe; khu trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô ngày đêm; còn lại là các khu buôn bán quần áo; chợ cóc. Chợ cóc này bày bán la liệt các loại hàng hóa, tấp nập người mua kẻ bán, chiếm dụng lòng, lề đường. Các hộ buôn bán còn lợi dụng chân cầu quây thành các kệ bán hàng khá kiên cố...

Bà Nguyễn Thị Ngoan - Bắc cầu Thăng Long, xã Hải Bối bức xúc cho biết: Thực tế nơi này sau gần 10 năm, đã bị các cá nhân, tổ chức nơi đây xẻ thịt, phân lô thành địa điểm lý tưởng để kinh doanh rửa, sửa chữa xe; buôn bán vải vóc, quần áo hàng hóa; bãi trông xe; chợ cóc; tập kết phế thải... Thực trạng hoạt động vi phạm này đã diễn ra nhiều năm nay, song không hề thấy chính quyền sở tại có động thái xử lý cương quyết.

Ông Nguyễn Năng Chúng – sống tại Bắc cầu Thăng Long cho biết: Các chủ hộ kinh doanh tại đây đều hoạt động và không có giấy phép kinh doanh. Hệ quả của việc sửa chữa, bơm rửa xe cộ và buôn bán họp chợ đã gây ô nhiễm môi trường cho khu vực, cụ thể, nước từ bãi rửa xe thường xuyên lênh láng ngoài đường, rác thải phát sinh từ chợ cóc bừa bãi, đặc biệt là khu vực dưới gầm cầu và ven hai bên đường. Khi trời đổ mưa, rác thải nổi lềnh bềnh, nước đen ngòm tràn ra cả lòng đường, trời nắng mùi hôi bốc lên nồng nặc, khó chịu.

Khu vực này được xem là cửa ngõ quan trọng để đi vào nội đô, vì vậy, mà lưu lượng các phương tiện qua lại khá lớn. Các khu kinh doanh sửa chữa xe, bãi trông xe xen lấn chợ cóc mọc lên san sát hoạt động từ sáng cho tới tối, gây ồn ào, nhốn nháo ảnh hưởng lớn đến những hộ dân sống cạnh đây, đồng thời, cũng là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông. Không hiểu vì lý do gì, đến giờ, các đơn vị này chưa được các cơ quan chức năng xử lý?” – ông Chúng đặt câu hỏi.

Cơ quan chức năng “làm ngơ”?

Trao đổi với ông Lê Minh Khai – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Thái, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý khu vực này cho biết: Thừa nhận tình trạng nhiều hộ kinh doanh, lấn chiếm trái phép hành lang an toàn đường sắt. Tuy vậy, theo ông Khai sau khi phối hợp với UBND huyện Đông Anh hoàn thành giải phóng mặt bằng, ngày 21/11/2011, Công ty đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần công nghiệp Thanh Hiền đảm nhiệm việc thi công xây dựng hàng rào bảo vệ hành lang gầm cầu đường sắt phía Bắc cầu Thăng Long từ trụ B20 đến trụ B32. Đến nay, sau 7 năm thi công, Công ty Thanh Hiễn vẫn chưa hoàn thành các hạng mục trong hợp đồng và đó là nguyên nhân dẫn tới việc các hộ kinh doanh ngang nhiên chiếm dụng làm nơi buôn bán, sửa chữa và trông xe.

Ông Lê Minh Khai khẳng định là Công ty không ký kết bất cứ hợp đồng nào liên quan đến việc cho các cá nhân hay tổ chức vào đây để hoạt động, sản xuất. Trong luật bảo vệ hành lang an toàn đường sắt cũng không cho phép đơn vị nào được quyền khai thác, sử dụng, mọi hành vi vi phạm lấn chiếm hành lang đều là vi phạm pháp luật. Để xử lý vi phạm Công ty đã cử 2 nhân viên đảm nhiệm công tác phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành lập các Bản cam kết, Biên biên vi phạm và yêu cầu các hộ di dời trả lại mặt bằng an toàn đường sắt. Tuy vậy, sau nhiều năm, tình trạng chiếm dụng này vẫn diễn ra và Công ty vẫn phải tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý vi phạm. Tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề trên phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Đông Anh, thế nhưng phải gần 1 tháng sau nhiều lần gọi điện, nhắn tin qua điện thoại ông Hoàng Hải Đăng – Chánh Văn phòng UBND huyện mới sắp xếp lịch để phóng viên làm việc với ông Ngô Văn Lệ - Trưởng phòng Kinh tế. Tại cuộc trao đổi, ông Lệ chỉ cho biết, các nội dung xoay quanh công tác phối hợp lực lượng liên ngành trong việc quản lý chợ đầu mối Hải Bối, quản lý về mặt vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong chợ. Còn lại các vấn đề liên quan đến việc chiếm dụng hành lang an toàn đường sắt, hình thành chợ cóc gây bức xúc trong nhân dân, ông Lệ nói, sẽ báo cáo lại vấn đề này với lãnh đạo UBND huyện Đông Anh có biện pháp xử lý.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Huy An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành lang đường sắt ở Đông Anh (Hà Nội): Ngang nhiên chiếm dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO