Hạn điền đang tạo rủi ro cho sản xuất lớn

11/03/2017 00:00

Tại ĐBSCL, có tình trạng nếu muốn sản xuất lớn cỡ 200ha thì "anh hai", "anh ba", "anh tư" phải nhờ cả làng đứng tên hộ trên sổ đỏ, đặt các nhà sản xuất...

 

 

Tại ĐBSCL, có tình trạng nếu muốn sản xuất lớn cỡ 200ha thì “anh hai”, “anh ba”, “anh tư” phải nhờ cả làng đứng tên hộ trên sổ đỏ, đặt các nhà sản xuất nông nghiệp vào rủi ro tranh chấp với nông dân khi “hữu sự”.

Câu chuyện trên được kể lại tại hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 vừa được tổ chức tại TPHCM. Khác với những diễn đàn Kịch bản kinh tế thường niên trước đây, năm nay, hội thảo đã bất ngờ được “bẻ lái” sang lĩnh vực nông nghiệp, với nhiều thông tin và tranh luận chung quanh vấn đề hạn điền.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa diễn ra, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III năm 2017.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Điều 129 Luật Đất đai, cụ thể cần bỏ hạn điền.

Nông nghiệp: Có lợi thế nhưng vẫn tăng trưởng chậm

Nông nghiệp, công nghệ thông tin và du lịch được xem là 3 lĩnh vực Việt Nam có lợi thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên nhìn lại 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam âm 0,18%. Và tính cả năm 2016 cũng tăng trưởng được 1,2% - mức thấp nhất trong những năm gần đây, kể từ sau đổi mới. 

Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, một phần nguyên nhân trung dài hạn là do hiện trạng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân quá yếu. Sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa đặc sắc, còn sản xuất vẫn cứ lo chạy theo sản lượng nên khó hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, sau khi khảo sát các khu nông nghiệp công nghệ cao hoặc doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao, Vụ Nông nghiệp Nông thôn (Ban kinh tế Trung ương) cũng thấy mới có vài doanh nghiệp hình thành được chuỗi khép kín từ xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất, đến lúc đưa sản phẩm ra thị trường (TH True Milk và Vinamilk), còn lại đa số doanh nghiệp, cá nhân làm nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu vẫn tập trung quan tâm cho nhà lưới, nhà kính… Thậm chí còn có hiện tượng doanh nghiệp đầu tư giữ các khu đất quanh đô thị, gần khu trung tâm để chờ cơ hội sau này chuyển đổi thành đất xây dựng.

Tuy nhiên, vướng mắc được cho là lớn nhất kéo chậm bước đi của ngành nông nghiệp lại nằm ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào hộ nông dân. Vì vậy, toàn bộ chuỗi sản xuất giá trị hàng hóa ngành nông nghiệp rất chậm cải thiện.

Vướng mắc từ chính sách hạn điền

Muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ cần có nhà kính, nhà lưới, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối thị trường, hay tiến bộ khoa học về con giống – cây giống, mà còn cần phát triển cơ khí - tự động hóa để có thể khép kín chuỗi logistic nông nghiệp.

Nhưng hạn mức giao đất cho nông dân theo quy định với đất lúa cho Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là không quá 3ha, khu vực ven biển miền trung, miền bắc là 2ha, còn các loại cây công nghiệp thì dao động từ 10 - 30 ha.

Hạn mức chuyển quyền sử dụng đất tối đa là 10 lần hạn mức giao đất, tức quy mô sản xuất lúa tại ĐBSCL có thể đạt mức tích tụ tối đa là 30 ha, miền trung và miền bắc là 20 ha. Ngoài ra cũng chỉ  được chuyển nhượng giữa những người dân trực tiếp sản xuất trong cùng một vùng nông nghiệp. Và chưa có quy định chuyển nhượng cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, với 40% lao động đang ở trong khu vực nông nghiệp, nếu không phát triển khu vực này thì sẽ gây áp lực rất lớn cho cả nông thôn và đô thị. Đó là chưa kể sẽ lãng phí nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng, lãng phí tài nguyên đất đai.

Còn trên thực tế, như một đại diện doanh nghiệp kinh doanh máy cơ giới nông nghiệp nhận định ngay tại Hội nghị, rằng “chính vì ĐBSCL vẫn chỉ cho hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa là 20ha nên hiện nay có tình trạng nếu muốn sản xuất lớn cỡ 200ha thì “anh hai”, “anh ba”, “anh tư”… phải nhờ cả làng đứng tên hộ trên sổ đỏ!”.

Đại diện doanh nghiệp này tin rằng nhờ tích tụ được đất đai theo cách đó nên cơ giới hóa mới phát huy tác dụng, giá gạo Việt Nam mới có thêm sức cạnh tranh trước nhiều cường quốc lúa gạo như hiện nay. Tuy nhiên, thực trạng nhờ đứng tên hộ trên sổ đỏ như vậy đang đặt các nhà sản xuất nông nghiệp vào rủi ro tranh chấp với nông dân khi “hữu sự”.

Nới lỏng hạn điền là ý kiến nhận được nhiều đồng thuận nhất

Từ góc nhìn của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng vấn đề hiện nay không chỉ là mở rộng hạn điền, cho tích tụ ruộng đất đến đâu, mà phải nghĩ trước hết đến tập trung ruộng đất. Theo đó, Việt Nam có thể xem xét mô hình của các nước Bắc Âu, tạo ra chính sách để các trang trại thuê lại đất từ nông dân (hiện 70% đất trang trại tại Bắc Âu là thuê của nông dân). Có nghĩa là thực hiện chính sách cho người nông dân làm thuê trên mảnh đất của mình.

Tháo gỡ chính sách hạn điền theo hướng này là cách để tổ chức sản xuất lớn. “Chúng ta đừng chăm chăm nghĩ đến chuyện tập trung ruộng đất chỉ trên cơ sở sở hữu”, Tiến sĩ Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng bày tỏ sự đồng tình.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Nông thôn (Ban kinh tế Trung ương), hiện Chính phủ đang rất cần lấy ý kiến đánh giá và đề xuất về việc khắc phục sản xuất nhỏ lẻ thông qua tích tụ, tập trung đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng đề án này.

Đáng chú ý, dù còn có nhiều hướng tranh luận khác nhau nhưng hầu hết các góp ý ban đầu thống nhất nới rộng hạn điền, tức nới rộng mức chuyển nhượng đất đai cho từng khu vực để sản xuất hàng hóa.

Theo Chinhphu.vn 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn điền đang tạo rủi ro cho sản xuất lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO