Hạn chế "ô nhiễm trắng": Vấn đề nan giải

26/08/2016 00:00

(TN&MT) - Túi nilon là vật dụng quen thuộc với mỗi người dân Việt. Cũng chính thói quen sử dụng túi nilon hàng ngày như hiện nay đang khiến môi trường và sức khỏe của người Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, chính sách khuyến khích người dân dùng túi nilon thân thiệt với môi trường nhằm hạn chế “ô nhiễm trắng” lại đang gặp muôn vàn khó khăn.

Hậu quả khôn lường từ một thói quen

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày. Như vậy, ước tính, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.

Túi nilon - hiểm họa môi trường.
Túi nilon - hiểm họa môi trường.

Theo các nhà khoa học, phần lớn túi nilon được sản xuất từ hạt nhựa, nilon tái chế, phải mất hàng trăm năm mới phân hủy. Sự tồn tại của túi nilon trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi khi lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế, nhiều loại túi nilon được làm từ chế phẩm dầu mỏ khi chôn lấp chúng dưới đất sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước.

Trong khi đó, nếu xử lý chất thải từ túi nilon bằng phương pháp đốt cũng sẽ để lại hậu quả môi trường ghê gớm. Bởi, khi đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và fura gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ…

Khoảng cách từ chính sách đến thực tế

Nhận thức được tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010…

Ngoài ra, Nhà nước đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách kinh tế để giảm thiểu việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, khuyến khích việc sản xuất và sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường. Cụ thể, Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định, những đơn vị sản xuất túi nilon khó phân hủy, không thân thiện với môi trường sẽ bị đánh thuế 40.000 đồng/kg, còn nếu sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường thì không phải đóng thuế.

Trong khi đó, tại các địa phương như Hà Nội, TP. HCM đều đưa ra các hoạch định, xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy đều nhận được những ưu đãi tối đa về tài chính, đất đai, thuế... nhằm giảm chi phí sản xuất.

Sử dụng túi nilon dễ phân hủy là bảo vệ môi trường. Ảnh: ST
Sử dụng túi nilon dễ phân hủy là bảo vệ môi trường. Ảnh: ST

Tuy nhiên, những chính sách này chưa đủ để kích cầu, cũng như là thay đổi thói quen của người tiêu dùng Việt. Dạo quanh một vòng các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm…đâu đâu ta cũng bắt gặp hình ảnh người tiêu dùng xách 5, 3 túi nilon trên tay. Theo chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội), sở dĩ thói quen dùng túi nilon của chị khó bỏ là do: “Đựng bằng túi này vừa tiện vừa không mất tiền mua”.

Trong khi đó, chị Thúy Na (Khâm Thiên, Hà Nội) cho rằng: “Nhà mình cũng mua vài cái túi thân thiện môi trường, nhưng mỗi lần đi chợ và siêu thị toàn quên không mang theo. Đến lúc cần dùng lại phải dùng túi nilon thông thường. Nói chung là bất tiện lắm”.

Theo các chuyên gia, vì không được miễn phí, lại không tiện lợi nên túi ni lông thân thiện với môi trường chưa được nhiều người lựa chọn. Hơn nữa, hiện nay, số lượng doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh với túi ni lông thông thường và rất khó tìm được  chỗ đứng trên thị trường.

Trong khi đó, công tác thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon hiện nay còn nhiều bất cập và thiếu nghiêm ngặt. Nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định đóng thuế môi trường. Do đó, giá thành túi nilon bán ra thị trường khá thấp, nhà sản xuất vẫn được lợi nên họ không mặn mà với việc chuyển đổi công nghệ sang sản xuất túi nilon thân thiện môi trường theo vận động của Nhà nước.

Chính vì vậy, để hạn chế “ô nhiễm trắng”, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon thân thiện môi trường, Nhà nước cần có chính sách tăng thuế môi trường đối với túi nilon thông thường. Giống như ở nhiều nước phát triển là Sigapore, Pháp, Nhật Bản… người dân sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn mới mua được một chiếc túi ni lông vì chúng rất đắt. Thay vào đó, họ sẽ dùng túi giấy hoặc sử dụng nhiều lần một chiếc túi nilon.

H. Phúc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế "ô nhiễm trắng": Vấn đề nan giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO