Hải Phòng: Triển khai các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước

21/01/2019 18:28

(TN&MT) – TP Hải Phòng là cửa sông ven biển, nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt của thành phố chủ yếu là nước mặt từ 3 sông chính: sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ có tổng chiều dài 79 km, ngoài ra các huyện ngoại thành còn có sôn Chanh Dương, kên Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng là nguồn cung cấp nước ngọt. Theo kết quả qua trắc môi trường hàng năm sông Rế, sông Chanh Dương và kênh Hòn Ngọc có dấu hiệu bị ô nhiễm.

HP 1
Một nhánh sông Rế chảy qua huyện An Dương.

Phòng Tài nguyên nước tham mưu Sở TN&MT triển khai nhiều giải pháp hạn chế và dần chấm dứt tình trạng xả thải vào nguồn không theo quy định, gây ô nhiễm nguồn nước. Tuyên truyền bảo vệ nguồn nước ngọt, thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. Tăng cường kiểm soát việc xả nước thải vào nguồn nước, cấp phép tài nguyên nước để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2020, 80% các cơ sở thuộc đối tượng phải xin phép xả thải có Giấy phép xả nước thải. Thực hiện Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND, ngày 12/12/2013 của HĐND thành phố về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại 6 con sông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2020. Các Sở, ngành, địa phương hoàn thành lập Quy hoạch tài nguyên nước, cắm mốc hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, quản lý hoạt dộng xả nước thải vào nguồn nước ngọt.

Tham mưu Sở TN&MT trình UBND TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 11/9/207 quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện. Công tác tuyên truyền hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra tập trung xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên nước được tăng cường góp phần thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và người dân thành phố trong bảo vệ, khai thác sử dụng nguồn nước. Các Công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động vận hành hệ thống công trình thủy lợi, điều tiết thay đổi nước tại các kênh trục thủy lợi, chống lấn chiếm, tập kết, xả chất thải xuống các kênh trục. Các nghành, địa phương, đơn vị đang triển khai 37 nhiệm vụ là các chương trình, đề án, dự án. Tuy nhiên việc triển khai còn chậm, không đạt tiến độ yêu cầu do gặp khó khăn về kinh phí.

Tuy nhiên, nguồn nước ngọt của thành phố vẫn còn bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân. Các con sông phải gánh chịu một lượng chất thải từ thượng nguồn của hệ thống sông Thái Bình và tiếp nhận dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nước thải, chất thải chưa qua xử lý của các cơ sở y tế, các nghĩa trang dọc theo bờ sông, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các bãi rác sinh hoạt của các thôn, xã, các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hành lang bảo vệ công trình thủy lợi dọc các sông bị lấn chiếm. Hai bên bờ các nguồn nước ngọt chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải phát sinh từ các khu dân cư, các trang trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Cụm CN  thuộc các phường Quán Toan, Hùng Vương; Cụm CN Cầu Vàng (An Lão); cụm CN tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn, huyện An Dương nằm sát ngay nguồn nước nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Việc cắm mốc hành lang bảo vệ các nguồn nước nói chung và 6 nguồn nước ngọt nói riêng chưa hoàn thành. Do đó, chưa xác định cụ thể phạm vi bảo vệ trên thực tế do các biện pháp giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm nguồn nước chưa hiệu quả. Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước vẫn tái diễn, không được ngăn chặn, giải tỏa kịp thời, xả thải gây ô nhiễm nguồn nước. Việc điều chỉnh quy hoạch tưới tiêu kết hợp với thoát nước thải công nghiệp, sinh hoạt theo hướng không xả nước thải vào nguồn nước ngọt còn rất khó khăn. Kinh phí bảo vệ nguồn nước của thành phố chưa thực sự được quan tâm... Chưa xây dựng được trạm quan trắc tự động do HĐND chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí nguồn kinh phí thực hiện. Việc xây dựng tuyến cống chuyển nước thải từ kênh Bắc Nam Hùng ra sông Cấm chưa hoàn thành do chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom tiêu thoát nước mưa, nước thải các điểm dân cư ven các nguồn nước ngọt chưa được thực hiện đồng bộ. Các địa phương, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt.

Các cơ quan, địa phương cần thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước. Sở NN&PTNT tăng cường kiểm soát dư lượng bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; kiểm soát nước thải từ các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhà máy, cơ sở sản xuất trong phạm vi lưu vực nguồn nước ngọt. Công ty khai thác công trình thủy lợi hoàn thành việc cắm mốc bảo vệ hành lang các công trình thủy lợi để chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ bảo vệ nguồn nước; ngăn chặn, giải tỏa kịp thời các hoạt động xả thải gây ô nhiễm nguồn nước ngọt. Sở TN&MT triển khai xây dựng quan trắc tự động giai đoạn 2016-2020. Hoàn thành đề án điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.

Sở Xây dựng quy hoạch thoát nước thải đô thị TP Hải Phòng đảm bảo phát triển hệ thống thoát nước ổn định, bền vững, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước thải từ thu gom, chuyển tải, xử lý nước thải. Qua đó, hạn chế, chấm dứt tình trạng xả thải chưa qua xử lý vào nguồn nước. UBND các quận, huyện có nguồn nước ngọt xử lý triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề, cơ sở tái chế phế liệu, trang trại, nhà hàng ven nguồn nước. Lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mạng lưới thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn các xã làm cơ sở lập Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. HĐND thành phố ưu tiên phê duyệt chủ trương đầu tư và ghi vốn cho các đề án, dự án thuộc nhiệm vụ thực hiện triền khai Nghị quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Triển khai các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO