Hải Phòng: Trên 200 tỷ đồng xử lý môi trường tại 2 làng nghề

29/11/2018 09:48

(TN&MT) - Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 39 làng nghề với nhiều loại hình nghề khác nhau. Trong đó, số lượng làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống được thành phố công nhận là 18 làng nghề; 21 làng nghề chưa được công nhận. Thực tế cho thấy, hầu hết các làng nghề đều sản xuất với quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phân tán trên địa bàn rộng, điều kiện hạ tầng chật hẹp, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị cũ, trình độ lao động còn nhiều hạn chế… gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, không khí, nguồn nước rất nghiêm trọng.

HP 1
Làng tái chế phế liệu Tràng Minh.

Qua khảo sát, thành phố có 2 làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao: làng nghề Đúc, cơ khí Mỹ Đồng, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên và Làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh, phường Tràng Minh, quận Kiến An. Trong đó, làng nghề Tràng Minh hình thành từ những năm 1980, chủ yếu thu gom, sơ chế, mua bán các loại phế liệu: nilon, bao nhựa, chai nhựa, đồng, nhôm, sắt… Hiện, làng nghề có gần 100 hộ kinh doanh, buôn bán và tái chế phế liệu. Phần lớn phế liệu đều chưa được làm sạch. Các hộ kinh doanh tập kết các bãi phế liệu trong khu dân cư, trong sân nhà. Vào ngày nắng mùi hôi bốc lên nồng nặc. Khi trời mưa, nước mưa cuốn theo các chất cặn dầu mỡ từ các phế thải chảy vào hệ thống thoát nước của khu dân cư...
Đáng chú ý, hiện nay, một số cơ sở tái chế phế liệu đổ rác thải gồm: nhựa, vỉ mạch, vỏ dây điện, túi ni lon… ra khu đất trống gần ruộng lúa để đốt. Ngoài ra, các loại kim loại, hóa chất chứa chì, axit… được tập kết tại sát mép các dòng sông là nguồn cung cấp nước thô để sản xuất nước sạch của thành phố. Theo thời gian, nước mưa cuốn các chất thải nguy hại này ngấm xuống đất, chảy ra sông gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

HP 2 (1)

Làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng có dự án khắc phục ô nhiễm trình UBND TP Hải Phòng từ năm 2015. Tuy nhiên, do thay đổi về các hạng mục và cơ cấu nguồn vốn nên dự án được thẩm định lại. TP Hải Phòng đang xem xét, phê duyệt dự án, với quy mô vốn đầu tư trên 81 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương.
Làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng hiện có 168 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó 50% làm nghề đúc và gia công cơ khí. Phần lớn các hộ sản xuất đốt lò trong xưởng, nguyên liệu, vật liệu vứt bừa bãi, khu vực lò đốt nằm sát khu vực để vật liệu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, mùi, khí thải từ hoạt động nấu gang tại các hộ đúc đồng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Hiện, xã Mỹ Đồng đã di dời 21 hộ sản xuất ra khỏi khu vực dân cư.

HP 3

Ngoài hai làng nghề nói trên, trên địa bàn TP Hải Phòng còn một số làng nghề khác luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hàng năm, các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của làng nghề. Tuy nhiên, việc kiểm tra giám sát khắc phục vi phạm chưa thường xuyên, mang tính hình thức. Công tác xử lý vi phạm về môi trường chưa nghiêm, nhiều cơ sở sản xuất tại các làng nghề tái phạm.

HP 4
Rác thải sau khi tái chế được đổ ra đường, gần sông.

Trước thực trạng trên, Bộ TN&MT hỗ trợ kinh phí và phối hợp với TP Hải Phòng triển khai dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường tại hai làng nghề nói trên. Trong đó, vốn đầu tư của làng nghề Tràng Minh là hơn 120 tỷ đồng; làng nghề đúc, cơ khí Mỹ Đồng trên 81 tỷ đồng. Đồng thời, TP Hải Phòng hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho Làng nghề sản xuất bánh đa Kinh Giao, xã Tân Tiến, huyện An Dương nhằm cải thiện môi trường của làng nghề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Trên 200 tỷ đồng xử lý môi trường tại 2 làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO