Hải Phòng: Loay hoay xử lý nạn ô nhiễm ở Nhà máy gang thép Vạn Lợi

21/05/2014 00:00

(TN&MT) - Tố cáo bằng đơn nhiều lần không được, người dân địa phương tự đứng ra “phong tỏa” các ngả đường ra vào Nhà máy gang thép Vạn Lợi.

   
(TN&MT) - Kể từ khi đưa lò nung vào hoạt động, nhà máy nấu gang của Công ty CP Gang thép Vạn Lợi đã xả thải mù mịt ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người dân sinh sống ở 2 thôn Phạm Dùng và Khánh Thịnh của xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng.Tố cáo bằng đơn không được, người dân địa phương đổ ra “phong tỏa” các ngả đường ra vào nhà máy. Lều lán, gạch đá xếp lên nhằm phản đối doanh nghiệp này. Điều lạ, các ngành chức năng và chính quyền địa phương phản ứng dường như “yếu ớt” trước tình trạng này.
   
Mỗi khi Nhà máy gang Vạn Lợi hoạt động, khói lại mù mịt
   
Hứa “lèo”
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Lâm Hồng Diễn, trưởng làng Phạm Dùng cho biết nguyên nhân dẫn đến việc người dân phong tỏa Nhà máy sản xuất gang thép của Cty CP gang Vạn Lợi là do nhà máy này gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là từ tháng 1/2014 đến nay khi Nhà máy gang thép Vạn Lợi hoạt động trở lại.
   
  Còn bà Ngô Thị Thanh Miện - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Khánh Thịnh bức xúc cho biết: Trước khi phong tỏa nhà máy, người dân báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng, nhưng không được giải quyết thỏa đáng nên mới tự thực hiện việc tự đứng ra phong tỏa nhà máy. Bà Miện cũng tố cáo: việc ông Nguyễn Cao Bằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - người đại diện Công ty Vạn Lợi đã vi phạm các cam kết với người dân, nhiều lần bằng nhiều lời hứa nhưng kết quả thì người dân “lĩnh đủ” bởi những ô nhiễm từ môi trường như: tiếng ồn chưa được cải thiện; khí thải xả ra ngoài mùi tanh, hôi; khói bụi mù mịt xả ra môi trường. Chưa kể có lần nhà máy đưa phế liệu vào nấu đã phát ra tiếng nổ lớn, cột khói bốc lên có màu rất lạ, mùi khó chịu... Tuy trước đó, đã nhiều lần công ty cam kết với người dân sẽ sớm khắc phục nhưng thực chất chỉ mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Bởi vậy, cực chẳng đã, người dân mới phản ứng.
   
Vô trách nhiệm
   
  Qua tìm hiểu, được biết: Trước khi sự việc đẩy lên đỉnh điểm, nhân dân địa phương đã có khá nhiều đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng nhưng không thấy cơ quan nào về kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp, vì thế, người dân 2 thôn đã kéo ra dựng lều, chặn đường, không cho doanh nghiệp này vận chuyển nguyên vật liệu ra vào nhà máy để sản xuất.
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã An Hồng cho biết: UBND xã và hàng chục người dân đại diện cho nhân dân 2 thôn đã làm việc với ông Trần Hữu Trung, Phó Giám đốc Công ty CP Gang thép Vạn Lợi. Ông Trung đã thừa nhận việc công ty xả thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Công ty đã dừng lò và đang tiến hành khắc phục sự cố như: rửa đường, dọn vệ sinh xung quanh nhà máy, khắc phục sự cố gây chấn động, cải tạo lại hệ thống lọc bụi… Cũng theo ông Trung, do công ty mới tái sản xuất lại, các thiết bị máy móc do đã để lâu ngày không hoạt động sản xuất nên gây ra sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường… Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra tình hình thực tế sản xuất của Công ty CP gang thép Vạn Lợi, đại diện UBND xã An Hồng đề nghị công ty này hoàn thiện lại hệ thống lò cao, trồng cây xanh, phun nước, nạo vét hệ thống thoát nước, bụi bẩn, hệ thống chống rung…đến hết tháng 2/2014 phải hoàn thành. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng đến quan trắc đánh giá tác động môi trường của công ty.
   
  Tuy nhiên, những lời nói trên chỉ là lời hứa suông. Cứ mỗi lần nhà máy hoạt động, lại xả khói bụi mù mịt. Ngày 18/4 vừa qua, ông Khương Thanh Giang, Phó giám đốc phụ trách sản xuất đại diện doanh nghiệp xin lỗi người dân vì đã gây ô nhiễm môi trường cũng như gây xáo trộn cuộc sống của bà con 2 thôn và tiếp tục xin hứa sẽ khắc phục xong những sự cố về môi trường. Nhưng lời hứa chưa thực hiện xong, theo phản ánh của người dân, công ty lại một lần nữa xả khói bụi ồ ạt trong các ngày 25,26,27,28/4  vào ban đêm... Cực chẳng đã, người dân lại phải bao vây nhà máy. Sau đó, UBND xã An Hồng đã tổ chức cuộc họp để yêu cầu công ty khẩn trương khắc phục tình trạng gây ô nhiễm. Đến ngày 4/5, công ty một lần nữa dừng hoạt động để khắc phục sửa chữa các hạng mục bảo vệ môi trường.
   
Người dân bao vây nhà máy
    
   
Ô nhiễm đến bao giờ?
   
  Theo ông Trương Văn Hải (47 tuổi, trú tại thôn Phạm Dùng) kể lại: Tôi là một trong những người được phân công “canh gác” chặn đường Nhà máy, lúc đó khoảng 11h10 đêm ngày 8/5, gần 100 người lạ mặt xuất hiện tại chốt, đe dọa chúng tôi phải ngồi im để họ cho xe ủi vào xúc lều bạt, gạch đá dùng để chốt chặn đường. Nhóm thanh niên này chỉ rời hiện trường khi lực lượng công an có mặt. Chiếc xe ủi đã được đưa về trụ sở UBND xã An Hồng để cơ quan công an điều tra, làm rõ vụ việc ai thuê nhóm thanh niên đến “giải quyết” vụ việc. Để tránh manh động, Công an huyện An Dương phải tăng cường, đề phòng chuyện xấu xảy ra.
   
  Trước đó, ngày 4/5, UBND huyện An Dương có buổi làm việc với xã An Hồng và Công ty Vạn Lợi, theo đó yêu cầu Công ty dừng hoạt động, khẩn trương khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, đề nghị nhân dân tháo dỡ vật cản. Đến 15h cùng ngày, Công ty dừng hoạt động.
   
  Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết: Quan điểm của huyện là tiếp tục yêu cầu Công ty Vạn Lợi phải thực hiện cam kết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
   
  Từ đầu tháng 5 đến nay, lãnh đạo huyện An Dương và Sở TN&MT TP Hải Phòng do ông Phạm Quốc Ka - Phó giám đốc Sở làm đại diện đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết vụ việc. Ông Phạm Quốc Ka đã công bố kết quả quan trắc đánh giá tác động môi trường của Công ty Vạn Lợi, tuy nhiên, đại diện người dân đã không đồng ý với kết quả này vì cho rằng kết quả đó không phản ánh đúng mức độ ô nhiễm, mẫu dùng để quan trắc được lấy khi nhà máy hoạt động chưa hết công suất...  
   
Bài & ảnh: Hà Thúy
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Loay hoay xử lý nạn ô nhiễm ở Nhà máy gang thép Vạn Lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO