Hải Phòng: Loay hoay tìm kiếm mô hình xử lý chất thải rắn nông thôn phù hợp

05/09/2017 00:00

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, trên địa bàn 7 huyện của thành phố, 101 xã có bãi rác với tổng số 156 bãi rác tạm, trong đó có 140 bãi rác được xử lý. Việc xử lý các bãi rác tạm ở các xã còn nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến môi trường.

Bãi rác tạm quá tải, lò đốt hiệu quả thấp

Nguyên do của tình trạng trên là kinh phí duy trì cho hoạt động xử lý rác thải nông thôn Hải Phòng còn hạn chế. Các xã luôn gặp áp lực khi vừa phải bảo đảm thu gom, vận chuyển, vừa phải xử lý rác ở các bãi rác tạm trên địa bàn. Mặt khác, việc một xã có nhiều bãi rác tạm như hiện nay cũng chưa phù hợp, dễ gây ô nhiễm môi trường do hạn chế trong khâu xử lý rác.

Một giải pháp trong xử lý rác thải nông thôn đang được triển khai thí điểm, đó là 5 lò đốt rác được đầu tư và đưa vào sử dụng tại các xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), thị trấn Vĩnh Bảo, xã Quốc Tuấn (huyện An Lão), xã Phục Lễ, Minh Tân (huyện Thủy Nguyên).

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng ông Đinh Công Toản thì các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp vận hành lò đốt chưa thống nhất giá cả, chi phí xử lý rác thải bằng lò đốt, vì thành phố chưa ban hành định mức chi phí trong xử lý rác bằng loại hình này. Do đó, công tác quản lý, vận hành, cân đối kinh phí vận hành hoạt động lò đốt hiệu quả thấp. Năng lực của một số đơn vị quản lý hạn chế, không phát huy hết công suất của lò đốt theo thiết kế. Hiện, lò đốt rác chỉ xử lý rác cho địa bàn 1 xã, trong khi công suất lò đốt bảo đảm phục vụ 2 đến 3 xã.

Bãi rác tạm tại xã Tú Sơn từng bị UBND TP Hải Phòng yêu cầu đóng cửa.
Bãi rác tạm tại xã Tú Sơn từng bị UBND TP Hải Phòng yêu cầu đóng cửa.

Mô hình phân loại rác tại nguồn nhiều điểm ưu việt

Trong bối cảnh nói trên, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) là một mô hình mới, nhiều ưu việt.

Tính trung bình trên toàn địa bàn xã Tú Sơn, mỗi ngày, các hộ dân thải ra từ 3,5 - 4 tấn rác. Lượng rác thải này đang được thu gom, chôn lấp trên 2 bãi rác tạm của địa phương với tổng diện tích hơn 5.000 m². Tuy nhiên, cả 2 bãi rác đều đã đầy, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. TP Hải Phòng cũng đã từng yêu cầu đóng cửa 2 bãi rác này nhưng do huyện Kiến Thụy chưa quy hoạch, bố trí được bãi rác mới nên cả 2 bãi rác vẫn hoạt động bình thường cho đến khi có dự án Xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt tại xã Tú Sơn.

Dự án có công suất 5 - 10 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng hỗ trợ 36%, UBND TP Hải Phòng và UBND huyện Kiến Thụy hỗ trợ 45%, HTX Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh (HTX Thành Vinh) làm chủ đầu tư.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thành Vinh, bà Đoàn Thị Mơ cho biết: Mục tiêu của dự án là phân loại, thu gom, vận chuyển CTR đầu nguồn triệt để; quản lý CTR theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) và xử lý tổng hợp CTR theo 2 nhóm công nghệ. Một là xử lý CTR hữu cơ công nghệ compost, thực hiện theo liên danh giữa HTX Thành Vinh với Cty Nishihara (Nhật Bản), theo Chương trình hợp tác giữa TP Hải Phòng và TP Kitakyushu. Hai là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu đốt đối với CTR còn lại.

Theo quy trình phân loại CTR đầu nguồn, Dự án trang bị 3 thùng phân loại rác đến tận các hộ dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trong đó 1 thùng chứa CTR có thể tái chế, tái sử dụng, 1 thùng chứa CTR hữu cơ và 1 thùng chứa CTR vô cơ. CTR hữu cơ sẽ được thu gom hàng ngày, trong khi các chất thải còn lại sẽ thu gom 2 - 3 lần/tuần. Rác sẽ được thu gom về điểm trung chuyển bằng xe thu gom. Từ điểm trung chuyển, rác được vận chuyển đến khu xử lý bằng xe cơ giới. Tại khu xử lý, rác hữu cơ được xử lý thành phân compost, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, không phát sinh nước thải. Rác thải vô cơ được chôn lấp hoặc thiêu đốt hợp vệ sinh, cũng không phát sinh nước rỉ rác. Nước thải sinh hoạt, nước thải khi thau rửa nguyên liệu, rửa dụng cụ xe… sẽ được đưa vào hố xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật để khi đưa ra ngoài môi trường, ngoài khu xử lý bảo đảm là nước sạch.

Cần đánh giá hiệu quả mô hình

Nhận định về sự hiệu quả của mô hình, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng: Việc phân loại rác tại nguồn sẽ giảm khối lượng chất thải rắn phải đem xử lý, sẽ giúp cho quá trình xử lý chất thải rắn hiệu quả hơn.

Ông Tuấn nhận định rằng mô hình phân loại rác tại nguồn ở Tú Sơn sẽ thành công bởi điểm khác biệt với các mô hình trước kia, mô hình của dự án thống nhất một đơn vị thực hiện từ thu gom, vận chuyện đến xử lý, do vậy sẽ không có chuyện rác được phân loại đầu nguồn nhưng khi thu gom, vận chuyển lại bị trộn chung, làm giảm hiệu quả của hệ thống xử lý rác thải.

Chủ tịch UBND xã Tú Sơn Bùi Văn Tiếp cũng bày tỏ kỳ vọng: Với sự quyết tâm của các cấp, ngành, đoàn thể, sự hỗ trợ tích cực của các nhà khoa học trong nước và chuyên gia Nhật Bản, nhất là với sự đồng lòng, chung sức của mọi người dân trong xã, Tú Sơn sẽ thực hiện thắng lợi dự án, bảo đảm tiêu chí môi trường, xử lý rác thải hiệu quả, vệ sinh.

“Dự án thành công sẽ giúp xã Tú Sơn đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia Nông thôn mới. Dự án đồng thời là điều kiện, cơ hội tốt nhất cho địa phương giải quyết những tồn tại, bức xúc về công tác môi trường, là tiền đề để nhân rộng, triển khai, hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương khác trên địa bàn thành phố” – Ông Tiếp nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hải Phòng Nguyễn Văn Dương cũng cho rằng: Những mô hình, cách làm tại một số xã, trong đó xã Tú Sơn cần sớm được đánh giá hiệu quả, từ đó các địa phương xem xét, áp dụng và nhân rộng phù hợp với thực tế.

Cũng theo ông Dương, ngành TN&MT cần phối hợp các địa phương quyết liệt hơn trong quản lý, kiểm tra việc xử lý các bãi rác tạm ở các xã đúng quy trình. Sự khó khăn về kinh phí cũng cần được thành phố xem xét cân đối, phân bổ nguồn giao các địa phương triển khai xử lý bãi rác tạm thường xuyên, hiệu quả hơn ngay từ cơ sở.

Theo Báo Xây dựng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Loay hoay tìm kiếm mô hình xử lý chất thải rắn nông thôn phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO