Hải Phòng:“Khắc khoải” những dòng sông… sắp chết

08/08/2013 00:00

(TN&MT) - Sông Đa Độ, Giá và Rế Là, là nguồn cung cấp nước cho sản xuất, nhà máy nước sạch TP. Hải Phòng, song ba dòng sông này đang “oằn mình” bởi ô nhiễm.

(TN&MT) - Sông Đa Độ, sông Giá và sông Rế Là trên địa bàn TP. Hải Phòng cung cấp nước tưới tiêu cho hàng trăm nghìn hecta đất canh tác và nước thô cho các nhà máy nước của thành phố, song ba dòng sông này đang “oằn mình” bởi ô nhiễm.
   
Gồng mình gánh chất thải
   
  Nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của Hải Phòng chủ yếu là nước mặt từ Sông Rế, Giá và sông Đa Độ với tổng chiều dài 79km, trữ lượng khoảng 34 triệu m3 với trữ lượng này đủ phục vụ cho sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội nhiều thập kỷ tới. Do nằm ở vùng hạ lưu của sông Hồng và sông Thái Bình nên các sông của Hải Phòng phải tiếp nhận lượng nước ô nhiễm từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của vùng thượng nguồn có xu hướng ngày càng tăng.
   
  Theo Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở TN&MT Hải Phòng), thực hiện quan trắc định kỳ chất lượng môi trường nước 3 sông Giá, Rế, Đa Độ với tần suất quan trắc 2 tháng/lần. Kết quả quan trắc và phân tích gần đây nhất cho thấy, tại hầu hết các điểm quan trắc nước sông đều có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các chất lơ lửng, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vật, hóa chất và các kim loại nặng. Ngoài ra còn có dấu hiệu ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật…
   
  Sông Rế thuộc huyện An Dương, ngoài việc cung cấp nước tưới cho 10.000 ha cây trồng trên địa bàn, dòng sông này còn là nguồn nước ngọt chủ yếu cung cấp nước thô cho Nhà máy nước An Dương để sản xuất nước sạch phục vụ khu vực nội thành. Hiện nay sông Rế đang bị lấn chiếm hai bên bờ và ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình sinh sống dọc hai bên bờ sông khu vực thị trấn An Dương, nước thải khu công nghiệp phía bắc đường 5, nước thải bệnh viện An Dương, một số nghĩa trang nằm sát hai bên bờ sông, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực. Một số doanh nghiệp thép xả trực tiếp nước thải xuống mương dẫn nước ra kênh sông Mai, kênh dẫn cấp 1 nối với hệ thống kênh trục An Kim Hải. Đây là kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân các phường Hùng Vương, Quán Toan (quận Hồng Bàng) và một số xã thuộc huyện An Dương, cấp nước thô cho Nhà máy nước Vật Cách.
   
Rác thải “tấn công” sông Rế
    
   
  Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Rế, hàm lượng TSS vượt từ 1,03 đến 4,75 lần, BOD vượt từ 1,05 đến 1,85 lần, COD vượt từ 1,05 đến 1,65 lần. Theo chỉ số chất lượng nước, 2,8% số mẫu quan trắc sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, khoảng 53% đạt mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần có biện pháp xử lý phù hợp, còn lại phù hợp với các mục đích sử dụng khác, trong đó có 14% nước bị ô nhiễm nặng.
   
  Sông Giá và sông Đa Độ cũng trong tình trạng chẳng mấy khả quan,  các hàm lượng TSS, BOD, COD… đều vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép nhiều lần.
   
Hậu họa nhãn tiền
   
  Trung tâm Quan trắc môi trường nhận định, chi phí cho việc xử lý nước cấp sinh hoạt gia tăng, lượng hóa chất sử dụng để xử lý nước ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Công ty Cấp nước Hải Phòng, chi phí hóa chất xử lý nước tăng khoảng 1,7 lần so với các năm trước đó. Nguyên nhân là do, phải áp dụng những phương pháp xử lý mới với giá thành đầu tư rất cao, đẩy giá thành sản xuất và giá bán nước sạch tăng lên nhiều lần, vượt quá khả năng chi trả của người dân.
   
  Việc ô nhiễm nguồn nước tăng lên, nếu không kịp thời triển khai các biện pháp đồng bộ bảo vệ nguồn nước thì sẽ đến thời điểm mà công nghệ xử lý nước không thể giải quyết được, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu người dân sử dụng nước trên địa bàn thành phố.
   
  Trong khi đó, “thủ phạm” gây ra ô nhiễm thì vẫn tiếp tục... xả chất thải chưa qua xử lý ra sông, bất chấp hậu họa. Trung tâm Quan trắc môi trường xác định, trong số 109 doanh nghiệp đang xả thải vào sông Rế, suốt thời gian qua, mới chỉ có 42 doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra; 64 doanh nghiệp chưa từng được ai giám sát về hoạt động xả thải; 3 đơn vị không có thông tin...
   
  Đặc biệt, 100% số doanh nghiệp vi phạm được kiểm tra đều chưa có giấy phép xả thải nhưng xử lý lại rất ít (4 doanh nghiệp). Đáng lưu ý, có đến 81/109 doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải. Số còn lại có đầu tư hệ thống xử lý lại không vận hành.
  Rõ ràng, việc xử lý thiếu tính răn đe, cùng với việc khai thác nguồn lợi để thụ hưởng là chính, mà chưa có sự đầu tư tương xứng trở lại nhằm giảm thiểu ô nhiễm ở từng vị trí, khu vực, đã khiến cho việc “giải cứu” các dòng sông nước ngọt ở Hải Phòng khỏi sự ô nhiễm, càng lúc càng thêm khó khăn, bế tắc.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng:“Khắc khoải” những dòng sông… sắp chết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO