Hải Dương: Số phận "trớ trêu" của nhà máy rác trăm tỷ

10/09/2017 00:00

(TN&MT) - Sau 5 năm đi vào vận hành, dự án tái chế rác thải thành phân hữu cơ có sử dụng vốn vay Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) của chính phủ Tây Ban Nha tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã lần lượt “qua tay” 4 chủ. Sở dĩ, nhà máy đổi chủ như “thay áo” do hoạt động kém hiệu quả, không tiêu thụ được nguyên liệu, máy móc thường xuyên bị hỏng, không phù hợp với điều kiện thực tiễn… Thế nhưng “trớ trêu” thay lần thứ 4 về chủ mới, lại mãi “lùng nhùng” nên gần một năm qua không thể bàn giao.

Nhà máy đổi chủ như “thay áo”

Theo Báo cáo số 529/BC – KHĐT - TĐĐT của Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hải Dương, Dự án Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà (Hải Dương) được xây dựng trên diện tích 5,3 ha, trong tổng diện tích 15,3 ha toàn bộ dự án (xử lý rác thải và tái chế rác thải thành phân hữu cơ). Năm 2007, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Môi trường đô thị Hải Dương  (nay là Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hải Dương) làm chủ đầu tư , với tổng số tiền trên 130 tỷ đồng (trong đó: trên 78 tỷ đồng là nguồn ngân sách địa phương, còn lại là vốn vay ODA của chính phủ Tây Ban Nha có lãi suất và trả nợ).

Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương.
Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương.

Nhà máy được hoàn thành và đưa vào vận hành tháng 7/2012, dây chuyền thiết bị, công nghệ do Tây Ban Nha cung cấp gồm các công đoạn, hạng mục: Phân loại sơ bộ, ủ lên men và ủ chín, phân loại tinh, nghiền và đóng bao, hệ thống trạm điện... cùng các thiết bị phụ trợ nhu cầu cân, ôtô, xe nâng, xe xúc lật... Nhà máy có công suất 64 nghìn tấn rác thô/năm tương đương 175 tấn rác thải/ngày, thành phẩm khoảng 12.390 tấn phân hữu cơ/năm.

Tuy nhiên khi đi vào hoạt động, nhà máy chỉ xử lý được 45% rác, còn lại 55% rác phải dùng đến công đoạn đốt.  Do vậy, chủ đầu tư  Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương không đủ năng lực vận hành, nguồn vốn đầu tư thêm lò đốt, nên chỉ được thời gian “ngắn ngủi” đã phải chuyển nhà máy này cho Công ty CP Môi trường APT – Seraphin Hải Dương tiếp quản, vận hành. Ngày 9/10/2012, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 2285/QĐ - UBND phê duyệt chuyển giao Nhà máy cho Công ty Cổ phần môi trường APT - Seraphin Hải Dương. Theo đó, phần vốn đối ứng của tỉnh đầu tư cho nhà máy khoảng 78 tỷ đồng, Công ty thay mặt UBND tỉnh Hải Dương trả tiếp phần nợ gốc và tiền lãi khoản vốn vay ODA.

Bao giờ Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt ở Hải Dương mới về được với ông chủ thứ 4.
Bao giờ Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt ở Hải Dương mới về được với ông chủ thứ 4.

Sau khi tiếp nhận, Công ty CP Môi trường APT – Seraphin Hải Dương đã sử dụng dây chuyền máy móc, thiết bị hiện có vào vận hành nhà máy phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt,  trả nợ gốc và lãi vay phần vốn ODA vay được 4 kỳ, với tổng số tiền là hơn 3,27 tỷ đồng. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, sản phẩm phân hữu cơ không tiêu thụ được, nên dây chuyền sản xuất phân vi sinh phải tạm dừng hoạt động, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt phải chuyển sang Nhà máy xử lý rác thải Seraphin để đốt. Tháng 1/2015, Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Hải Dương xin trả lại dự án trên. Lý do được đưa ra là không đủ năng lực tài chính để tiếp tục đầu tư.

Gần năm sau, số phận của Nhà máy tái chế rác thành phân hữu cơ lại được tỉnh Hải Dương chuyển sang ông chủ mới, lần này là Công ty CP Môi trương Bắc Việt. Tuy nhiên, sau 9 tháng xem xét, nghiên cứu… Công ty CP Môi trường Bắc Việt cũng không “kham” nổi đã xin thôi không tiếp nhận nhà máy trên mà không đưa ra lý do.

Sau thời gian dài “đắp chiếu” tháng 7/2016, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục giao cho ông chủ thứ 4 (Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương) tiếp nhận nguyên trạng phần diện tích hơn 15,3 ha gồm nhà máy tái chế rác, diện tích đất chôn lấp và phần vốn vay. Đồng thời, Công ty này có nghĩa vụ trả nợ vốn ODA cho phía Tây Ban Nha đúng như cam kết. Nhưng đến nay đã hơn một năm, Nhà máy vẫn “án binh bất động” không được kiểm kê, bàn giao… khiến trang thiết bị xuống cấp, rác thải tồn chất như núi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nguyên nhân vì sao?

Mặc dù, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã nhiều lần có văn bản đề nghị, Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan, ban, ngành chức năng tỉnh Hải Dương đã ra hàng “tá” văn bản, thông báo, quyết định… nhưng phía Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương vẫn “bất hợp tác” bàn giao Nhà máy.

Rác thải ở Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương chất cao như núi.
Rác thải ở Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương chất cao như núi.

Vậy lý do “ngược đời” nào, khiến Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương lại “trì hoãn” không chấp hành bàn giao Nhà máy, mà chính Công ty này xin trả lại…? Điều này có thể thấy rõ, trong nội dung Báo cáo mới đây nhất vào ngày 24/8/2017,  Công ty CP Môi trường APT -Seraphin Hải Dương cho biết rõ nguyên nhân: “…Công ty CP Môi trường APT -Seraphin Hải Dương ký hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương (nay là Công ty CP môi trường đô thị Hải Dương) để xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố Hải Dương. Tuy nhiên trong những năm qua, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương lợi dụng việc thực hiện hợp đồng ký với UBND thành phố Hải Dương đã tự ý ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải của các: cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất công nghiệp (gọi chung là các chủ nguồn thải). Những đối tượng này không được ngân sách tỉnh hỗ trợ, mà phải tự mình thanh toán toàn bộ chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý…. Vậy việc, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương thu gom, vận chuyển rác thải của chủ nguồn thải chung với rác thải sinh hoạt của thành phố Hải Dương, chuyển giao cho Công ty xử lý và quyết toán , thanh toán chung chi phí xử lý rác thải của hai loại đối tượng này theo mức hỗ trợ của UBND tỉnh Hải Dương, đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng về kinh tế của Công ty. Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương phải thanh toán bổ sung tiền xử lý rác thải từ năm 2013 đến 2017, với khối lượng bình quân 40 tấn/ngày và yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán”.

Về hoàn trả tiền đầu tư sau khi tiếp nhận Dự án ODA, đơn vị mới tiếp nhận, Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương đề nghị trả số tiền 10 tỷ đồng. Đây chính là lý do, Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương đã không tiến hành kiểm kê, bàn giao Nhà máy theo Quyết định 3151/QĐ – UBND ngày 3/11/2016 của UBND tỉnh Hải Dương.

Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt ở Hải Dương hàng trăm tỷ mãi “lùng nhùng” không được bàn giao, vậy thiệt hại về máy móc, tiền lãi hàng tháng, rác tồn chất cao như “núi”… ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Việc tranh chấp giữa hai Công ty khiến Nhà máy không được bàn giao, vậy có đúng luật không? Còn nhiều “khuất tất” khiến Nhà máy xử lý rác thải nhiều năm qua bị “tố” rác tồn không được xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguyên nhân do đâu?

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Bài, ảnh: Phạm Hoàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Số phận "trớ trêu" của nhà máy rác trăm tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO