Hải Dương: Nỗ lực "cứu" sông Cửu An

30/03/2016 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cửu An đoạn qua các huyện Bình Giang và Thanh Miện (Hải Dương) ngày càng trầm trọng.

 
 
(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cửu An đoạn qua các huyện Bình Giang và Thanh Miện (Hải Dương) ngày càng trầm trọng. Nếu tình trạng này không được sớm khắc phục, sông Cửu An chẳng bao lâu sẽ trở thành “sông chết” ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
 
Gần 2 năm nay, anh Nguyễn Văn Trượng ở thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết huyện Thanh Miện (Hải Dương) không dám bơm nước trực tiếp từ sông Cửu An vào 8 sào ao thả cá ở khu chuyển đổi của mình. Theo anh Trượng, nước sông Cửu An không thể sử dụng để nuôi cá được. Mỗi tháng vài lần, nước sông lại đổi màu, bốc mùi hôi thối…
 
Người dân thôn Tòng Hóa không hiểu nguyên nhân gì khiến dòng nước biến đổi như vậy. Họ chỉ “đoán già, đoán non” có thể một số nhà máy, xí nghiệp bên Hưng Yên xả nước thải trực tiếp xuống dòng sông, nước từ đầu nguồn chảy về lâu ngày không thoát ra được nên khiến chất lượng nước ngày càng xuống thấp. 
 
Sông Cửu An ô nhiễm đã khiến nhiều loài cá không thể  sống sót
Sông Cửu An ô nhiễm đã khiến nhiều loài cá không thể sống sót
 
Cũng như anh Trượng, anh Vũ Tiến Đài ở cùng thôn Tòng Hóa đều phải bơm nước từ giếng khoan cấp cho mấy sào ao ở khu chuyển đổi. Gia đình anh Đài chăn đàn vịt đẻ, nhưng anh cũng không dám thả xuống sông. Mấy chiếc vó bè bên sông cũng luôn trong tình trạng bỏ không bởi không còn cá để kéo. Nước sông ngày càng ô nhiễm, không lưu thông cùng với lượng bèo tây dày đặc khiến các loại thủy sản không thể sinh sống được. Từ nhỏ đến khi lớn lên gắn bó với sông Cửu An, nhưng anh Đài chưa khi nào tôi thấy việc đánh bắt thủy sản lại khó khăn như hiện nay. 
 
Nước sông ngày càng ô nhiễm cũng ảnh hưởng lớn đến các trạm sản xuất nước sạch dọc con sông này. Nhiều lần các trạm phải dừng lấy nước. Hàng năm vào thời điểm từ tháng 11  đến tháng 01 nước sông trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi thối… nên các trạm cấp nước sạch ở các xã Thái Dương huyện Bình Giang, Tân Trào và Lê Hồng huyện Thanh Miện đều phải dừng cấp nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân.
 
 Ông Nguyễn Ngọc Huy, Trạm trưởng Trạm Cấp nước Tân Trào than thở: Mỗi năm vài lần, nước sông Cửu An biến đổi do nước ô nhiễm từ đầu nguồn xả về. Trong những ngày đó, Trạm phải dừng cấp nước cho người dân. Ngoài ra, nước sông ngày càng ô nhiễm cũng buộc doanh nghiệp phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý để bảo đảm chất lượng nước. Việc kiểm soát chất lượng nước đầu vào và đầu ra cũng phải chặt chẽ hơn trước.
 
. Người dân không thể lấy được nước sông vào ao nuôi thủy sản
. Người dân không thể lấy được nước sông vào ao nuôi thủy sản
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, tình trạng ô nhiễm sông Cửu An trên địa bàn 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện không diễn ra liên tục mà theo từng đợt. Đợt gần đây nhất diễn ra vào ngày 8/1 do tiếp nhận nguồn nước thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải từ khu vực huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) chảy vào. Thời điểm đó, tất cả các cống trên sông Cửu An đều mở nên tình trạng ô nhiễm đã dồn về các đoạn sông cuối nguồn của hệ thống Bắc Hưng Hải khiến đoạn chảy qua các xã Thái Dương, Tân Trào, Đoàn Kết bị ô nhiễm.
 
 Đến ngày 18/1, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn. Kết quả lấy mẫu phân tích ngày 18/1 trên sông Cửu An tại vị trí cầu Phao, cách điểm lấy nước của Trạm Cấp nước xã Thái Dương, huyện Bình Giang 50 m cho thấy nhiều thông số vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, mức B1 như COD vượt 1,1 lần, NH4+-N vượt 29,76 lần, PO43-P vượt 4,67 lần. Mẫu phân tích lấy tại điểm cách điểm lấy nước cấp cho Trạm Cấp nước Tân Trào  100 m cho thấy một số thông số vượt quy chuẩn như COD vượt 1,2 lần, NH4+-N vượt 27,76 lần, PO43-P vượt 4,7 lần...
 
Khi xuất hiện tình trạng ô nhiễm trên sông Cửu An, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên đề nghị kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông đoạn qua tỉnh Hưng Yên. Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên đã thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và đình chỉ xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường đối với các cơ sở thải nước thải vào sông Cầu Lường - một nhánh của hệ thống Bắc Hưng Hải, cách cửa sông Cửu An chảy vào địa bàn Hải Dương gần 2 km. 
 
Tháng 12/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên đã kiểm tra, khảo sát và xác định nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường dòng chính và các sông nhánh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chảy vào tỉnh Hải Dương là do sông Cầu Bây qua cống Xuân Thủy của xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) chảy vào đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải. Như vậy, sông Cửu An ngoài tiếp nhận nước thải sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã, thị trấn có sông chảy qua thì nguồn gây ô nhiễm chính là do tiếp nhận nước sông Cầu Bây đã bị ô nhiễm từ TP. Hà Nội chảy qua Hưng Yên rồi đổ vào sông Cửu An.
 
Như vậy, trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Cửu An, không để con sông này trở thành “sông chết” đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, các địa phương  cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở xả thải vào lưu vực các sông thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải.
 
Bài & ảnh: Phạm Hoàng
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Nỗ lực "cứu" sông Cửu An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO