"Hải chiến Trường Sa 1988" luôn đau đáu trong tim người Việt

14/03/2016 00:00

(TN&MT) - Sáng nay (14/3), tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang Mrcc) diễn ra Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa 1988.

Tham dự buổi Lễ tưởng niệm có các đồng ý nguyên lãnh đạo Trung đoàn Công binh 83, đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa cách đây 28 năm cùng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 83 Công binh Hải quân đang đóng quân tại Đà Nẵng.

Sự kiện ngày 14/3/1988 còn được gọi với cái tên “Hải chiến Trường Sa 1988”. Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa để chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam. Trong khi Trung Quốc có tàu chiến, vũ khí hiện đại thì lực lượng công binh Việt Nam chỉ có cuốc xẻng... trong tay nhưng họ đã anh dũng kết thành vòng tròn bất tử để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa 1988 đầy nước mắt
Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa 1988 đầy nước mắt

28 năm đã trôi qua, vào ngày 14/3/1988 ấy, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trước họng súng tàn bạo của Hải quân Trung Quốc trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đã 28 năm trôi qua, song sự kiện đau thương ngày ấy vẫn không thể mờ phai trong tâm trí mỗi người dân Việt khi mà 64 hài cốt liệt sĩ vẫn nằm tận biển sâu.

Trong 64 liệt sĩ hy sinh trong trận “Hải chiến Trường Sa” ngày 14/3/1988, có 1 sĩ quan đeo quân hàm trung tá, 2 sĩ quan cấp đại úy, 3 sĩ quan cấp thượng úy, 2 sĩ quan cấp trung úy, 2 sĩ quan thiếu úy, 1 sĩ quan chuẩn úy. Liệt sĩ là hạ sĩ quan chiến sĩ có 46 người (2 thượng sĩ, 9 trung sĩ, 11 hạ sĩ, 17 binh nhất, 7 binh nhì); 2 quân nhân chuyên nghiệp, 1 liệt sĩ giữ chức thuyền trưởng 4 liệt sĩ giữ chức phó thuyền trưởng. Dù các anh mang quân hàm cao hay thấp, giữ chức vụ gì, thì sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam trong suốt 28 năm qua.

Sự kiện ngày 14/3/1988 đã đi vào lịch sử, nhưng trên vùng biển, đảo Trường Sa chưa được một giây phút bình yên. 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Trường Sa ngày ấy luôn nhắc nhở người Việt Nam một điều, phải luôn nêu cao cảnh giác. Máu xương các anh đổ xuống hôm qua là bài học để hôm nay chúng ta quyết tâm giữ biển, đảo quốc gia bằng sức mạnh dân tộc.

64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Trường Sa ngày ấy luôn nhắc nhở người Việt Nam một điều, phải luôn nêu cao cảnh giác. Máu xương các anh đổ xuống hôm qua là bài học để hôm nay chúng ta quyết tâm giữ biển, đảo quốc gia bằng sức mạnh dân tộc
64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Trường Sa ngày ấy luôn nhắc nhở người Việt Nam một điều, phải luôn nêu cao cảnh giác. Máu xương các anh đổ xuống hôm qua là bài học để hôm nay chúng ta quyết tâm giữ biển, đảo quốc gia bằng sức mạnh dân tộc

Tại buổi Lễ tưởng niệm, Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 83 cho biết, sự kiện Gạc Ma là ký ức đau thương, luôn đau đáu trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân. Thắp nén hương tưởng niệm 64 liệt sĩ, Thượng tá Hoan không cầm được nước mắt: “Đã 28 năm trôi qua, mỗi dịp 14/3, anh em Trung đoàn 83 xưa luôn nhớ về các đồng chí. Chúng tôi luôn nguyện 1 lòng hướng về Trường Sa, hướng về nơi các đồng chí đã ngã xuống, mong 1 ngày gặp lại Trường Sa”.

Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức lễ trao tặng căn hộ chung cư cho gia đình liệt sĩ Vũ Phi Trừ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thuyền trưởng tàu HQ 604 đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma và Cô Lin ngày 14/3/1988.

Tại buổi lễ, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng không kiềm được nỗi xúc động: “Không ai quên từng tấc đất đang bị ngoại bang xâm lược”. “Mong gia đình liệt sĩ nhận căn hộ này như tấm lòng tri ân của chúng tôi, mong cho gia đình vui vẻ, mạnh khỏe, lạc quan yêu đời góp phần để mà nuôi dạy con cháu, như vậy ở trong lòng biển cả đại dương bao la, anh Trừ rất là vui. Anh Khoa (con trai lietj sĩ Vũ Phi Trừ) cố gắng công tác thật tốt, đã là cư dân Đà Nẵng thì cùng thành phố góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh và đẹp hơn” - ông Thơ nói.

“Mỗi chúng ta cần nêu cao tinh thần dân tộc, chung tay góp sức bảo vệ biển đảo Tổ quốc, chăm lo thật tốt cho hậu phương quân đội để cán bộ, chiến sĩ ta vững tâm canh giữ biển trời Việt Nam” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.
“Mỗi chúng ta cần nêu cao tinh thần dân tộc, chung tay góp sức bảo vệ biển đảo Tổ quốc, chăm lo thật tốt cho hậu phương quân đội để cán bộ, chiến sĩ ta vững tâm canh giữ biển trời Việt Nam” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Ông Thơ cho biết, rất tình cờ, UBND thành phố biết được anh Khoa đang làm trong một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, được lệnh chuyển ra Đà Nẵng công tác và đang gặp khó khăn về nhà ở. Anh sắp cưới vợ và cũng chưa biết chăm sóc mẹ già ra sao. Vì thế, gần như lập tức, Đà Nẵng quyết định tặng căn hộ cho mẹ con anh. “Đà Nẵng cũng có huyện đảo Hoàng Sa hiện nay bị Trung Quốc chiếm giữ. Thành phố lúc nào cũng đau đáu hướng về quần đảo Hoàng Sa, cùng với quần đảo Trường Sa của cả nước, chúng ta đã làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Hải chiến Trường Sa 1988" luôn đau đáu trong tim người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO