Hà Tĩnh: Rùng mình trên chiếc cầu “tự chế”

15/10/2014 00:00

(TN&MT) - Chiếc cầu phao “tự chế” đang là con đường duy nhất của hàng trăm hộ dân hai bờ sông Ngàn Sâu thuộc xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

   
(TN&MT) - Chiếc cầu phao “tự chế” được gắn kết từ những thùng nhựa chênh vênh trên mặt nước đang là con đường duy nhất nâng đỡ bước chân của hàng trăm hộ dân hai bờ sông Ngàn Sâu thuộc xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) từ nhiều năm qua. Chứng kiến mạng sống con người nơi đây treo lơ lửng trước cửa “tử thần” khiến chúng tôi không khỏi rùng mình.
   
Mạng sống trước cửa “tử thần”
   
  Đến xã Phương Mỹ vào một buổi sáng mùa thu, từ xã Hà Linh để tìm đường về UBND xã Phường Mỹ thì chỉ duy nhất con đường là phải vượt qua sông Ngàn Sâu. Để qua được bên kia sông, theo chỉ dẫn của người dân địa phương thì chúng tôi phải vượt qua chiếc cầu phao “tự chế”, một “công trình” do người dân tự làm, chiếc cầu này thiết kế bằng những thùng nhựa và gắn kết với nhau kéo dài từ bên này sang bên kia sông.
   
Cầu phao tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người qua sông.
   
  Có mặt tại thôn 4, xã Phương Mỹ (điểm đặt chiếc cầu phao tự chế), chứng kiến cảnh cây cầu tạm đang chồng chềnh cõng khách qua sông khiến khách lạ không khỏi rùng mình. Quan sát hai bên cầu chúng tôi thấy không có người quản lý để “điều hành” số lượng người qua lại trên cầu, trong khi tại thời điểm đó có rất đông người qua lại, nhiều nhất là các em học sinh đi học nhưng không có bất kỳ một dụng cụ cứu trợ đề phòng rủi ro xảy ra. Để chuẩn bị một cuộc vượt sông đầy thử thách, tôi đã có không ít băn khoăn về sự an toàn của chiếc cầu này...!
   
  Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây người dân hai bên bờ sông muốn qua lại phải lội nước, mỗi khi trời mưa phải dùng thuyền độc mộc nhưng phương tiện này nguy hiểm do mực nước sâu và chảy mạnh nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Năm 2005, để “gỡ rối” những khó khăn trong việc đi lại, chính quyền địa phương cùng người dân đã hợp sức làm chiếc cầu tạm nối liền hai bên bờ sông. Thế nên, chiếc cầu phao ở xã Phương Mỹ đang sử dụng để người dân đi lại sản xuất, học sinh đến trường mỗi ngày hôm nay được bắt nguồn từ đó.
   
  Ông Nguyễn Văn Vinh – một người dân địa phương chia sẻ: “Từ ngày có chiếc cầu thì việc đi lại của người dân chúng tôi có đỡ vất vả hơn nhưng ẩn họa thì luôn rình rập. Hầu như tháng nào cũng có người đi trên cầu bị ngã xuống sông, người nào may mắn mới thoát nạn nhưng tất cả những người dân địa phương giờ đây muốn qua sông đều phải phụ thuộc vào chiếc cầu phao này...”.
   
Người dân lo sợ mỗi khi qua cầu
   
  Theo ông Lê Anh Tuấn - một người dân địa phương, cùng với quan sát của chúng tôi: Cây cầu phao có chiều dài hơn 120 mét, bề ngang tính từ hai mép cầu là 2m, diện tích sử dụng đi lại khoảng 1m chỉ đủ cho hai người đi bộ tránh nhau và lưu thông một chiều giành cho phương tiện hai bánh nhưng nếu không cẩn trọng sẽ bị rơi xuống sông bất cứ lúc nào. Chiếc cầu phao được được kết nối các thùng phi nhựa bởi giây thừng và giây thép, các thùng phi này là sản phẩm người dân mua lại từ những cơ sở thu gom sản phẩm tái chế. Để người dân có thể qua lại dễ hơn, trên mặt phao được ghép nhiều miếng ván nhưng nay đã mục nát, khi có phương tiện đi qua mặt cầu bập bênh, phía dưới sông nước chảy xiết và mạnh, không ai dám chắc tính mạng con người sẽ được đảm bảo khi đi qua miệng cửa tử thần này.
   
Mơ ước một cây cầu
   
  Hằng năm, cứ đến mùa mưa lũ người dân xã Phương Mỹ lại nơm nớp lo sợ, chưa năm nào thoát khỏi hậu quả do thiên tai gây ra, một phần vì địa phương có đặc thù địa hình bị chia cắt bởi con sông Ngàn Sâu nên chỉ cần một cơn mưa nhỏ thì mọi hoạt động của người dân bị cô lập.
   
  Theo lời kể của cán bộ địa phương, cách đây 10 năm khi chưa có chiếc cầu phao như hiện nay thì người dân phải dùng thuyền qua sông nên nguy hiểm cao hơn, chỉ tính từ móc thời gian đó trở về trước ở địa phương đã phải chứng kiến 20 trường hợp đau lòng khi đi qua con sông này. Từ năm 2007 đến nay, số vụ tai nạn trên sông giảm hẳn cũng may nhờ chiếc cầu phao, chỉ có hai trường hợp xảy ra tính mạng. Mới đây nhất vào tháng 5, em Phạm Văn Thành (12 tuổi) trong lúc đi học về qua cầu không may ngã xuống nước và tử vong còn số người bị ngã xuống nước may mắn thoát chết, những trường hợp trôi xe, tài sản… thì rất nhiều.
   
  Được biết, mỗi ngày thường chiếc cầu phao tạm này phải gánh đỡ trên 500 lượt người, trong đó trên 300 lượt là học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở xã Phường Mỹ đi về mỗi ngày. Cứ đến mùa mưa lũ thì cây cầu này sẽ được tháo ra không cho người dân đi lại vì không đảm bảo được an toàn, sau khi hết lũ thì cầu được lắp ráp lại để người dân lưu thông.
   
Mỗi ngày chiếc cầu này phải “gồng mình” cõng hơn 500 lượt người qua sông Ngàn Sâu ở xã Phương Mỹ
   
  Ông Hoàng Xuân Tần, Phó chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết: “Toàn xã có 8 thôn, gần 3.000 nhân khẩu, hơn 90% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp nên còn rất nhiều khó khăn. Mỗi năm chính quyền địa phương phải chi hơn 30 triệu đồng để tu sửa chiếc cầu phao. Kinh phí hạn hẹp nên chỉ chắp vá tạm bợ, hiểm nguy luôn rình rập người qua cầu. Người dân chúng tôi luôn mong ước có được cây cầu kiên cố để an tâm đi lại làm ăn nhưng việc đó phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cấp trên.
   
  “Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan ban ngành huyện Hương Khê, Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh để xin một chiếc cầu cho người dân nhưng vì vốn lớn nên phải chờ xét duyệt. Trước đó, ở Trung ương từng có dự án làm 186 làm cầu treo dân sinh và cầu phao, lúc đó xã Phương Mỹ đã được xét hàng đầu nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện”- ông Tần chia sẻ thêm.
   
  Từ bao đời nay, người dân vùng rốn lũ nơi đây luôn mong ngóng một cây cầu an toàn để cuộc sống mưu đỡ vất vả, an tâm hơn. Bao giờ ước nguyện đó sẽ trở thành hiện thực vẫn chưa có câu trả lời, chắc hẵn phải còn chờ đợi dài dài nếu không có sự quan tâm, chia sẻ quyết liệt từ các cấp các ngành. Phương Mỹ đang rất cần một cây cầu...(?!).
   
            Bài và ảnh:Đức Cảnh- Hồng Thiệu
                                       
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Rùng mình trên chiếc cầu “tự chế”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO