Hà Tĩnh: Nỗi lo sạt lở đất trong mùa mưa bão

Đức Cảnh| 27/09/2021 15:56

(TN&MT) - Bước vào mùa mưa bão, người dân miền núi các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh…ở tỉnh Hà Tĩnh lại sống thấp thỏm trong nỗi lo sạt lở đất. Những ngôi nhà, đường xá, ruộng vườn bị đất đá vùi lấp trở thành nỗi ám ảnh và đeo bám năm này qua năm khác.

Vụ sạt lở đất xảy ra vào cuối tháng 10 năm 2020, tại gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Hợp Đức, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang khiến những người chứng kiến vẫn chưa hết bàng hoàng. Được sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng chức năng mới may mắn giữ được tính mạng cho những thành viên gia đình dưới hàng trăm m3 đất, đá đổ sập xuống ngôi nhà cấp bốn trong đêm.

Sạt lở đất vùi lấp căn nhà cấp 4 của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Hương Minh, huyện Vũ Quang

Với điều kiện kinh tế khó khăn, đến đầu năm 2021 gia đình chị mới vay mượn, gom góp đủ tiền để sửa sang lại khu vực bị sạt lở. Chị Nguyễn Thị Hiền vẫn chưa hết lo lắng, chia sẽ: “Đến nay gia đình chỉ mới kè được phần dưới điểm sạt lở để tránh nước từ ngọn đồi phía sau chảy vào nhưng chỉ tạm thời. Nếu khi gặp mưa lớn thì việc xảy ra sạt lở đất rất khó tránh khỏi, chúng tôi vẫn chưa có phương án nào tốt hơn để đảm bảo an toàn”.

Một thực tế dễ nhận thấy, do đặc thù địa hình đồi núi, các hộ dân ở xã Hương Minh nói riêng và khu vực vùng núi Hà Tĩnh nói chung khi làm nhà đều bạt một phần núi để làm từ đó khiến cho tầng đất không ổn định. Mặt khác, đầu tư hạn hẹp nên phần lớn các hộ dân không phân tầng chống sạt lở khiến cho nguy cơ sạt lở luôn ở mức cao.

Tình trạng sạt lở bờ sông cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân

Ông Đoàn Ngọc Lương- Chủ tịch UBND xã Hương Minh, huyện Vũ Quang chia sẻ thêm: “Không chỉ sạt lở đất đồi núi mà tình trạng sạt lở đất ở các bờ sông cũng xảy ra nghiêm trọng. Năm 2020, tuyến đường qua thôn Hợp Bình ngay bên bờ sông đã bị nước xói mòn gần một nửa”.

Được biết, chính quyền xã Hương Minh sau đó đã huy động nhân lực đắp be bờ, đắp đất đá ở các khe hở trước mùa mưa lũ. Tuy nhiên, đánh giá thực trạng thì việc làm này cũng chỉ mang tính chất tạm thời, với tốc độ dòng chảy cao khi có lũ về thì nước sông sẽ cuốn trôi công sức bỏ ra bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong những năm qua huyện đã đầu tư xây dựng được 4km kè chống sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, hiện tượng sạt lở bờ sông, đồi núi ở các nhà dân, sạt lở đất ở các tuyến đường dân sinh trên địa bàn vẫn luôn trong tình trạng báo động”.

Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang chia sẻ về thực trạng xảy ra sạt lở đất trên địa bàn

Khu vực sông Ngàn Sâu đi qua các xã Đức Hương, xã Đức Giang, Đức Lĩnh… sạt lở bờ sông đã cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất, lòng sông đang ăn dần vào sát những công trình dân sinh. Được biết, người dân nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ở các cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có phương án khắc phục.

Tình trạng sạt lở đất trên địa bàn huyện Hương Khê cũng diễn ra tương tự. Thời tiết nắng nóng mùa hè thường kéo dài khiến đất bị khô, nứt nẻ, khi mưa xuống sẽ càng dễ bị sạt lở hơn. Các khu vực có nguy cơ xảy ra cao như Gia Phố, Hương Thủy, Hương Liên…

Nỗi ám ảnh sạt lở đất mỗi khi mùa mưa bão đến

Ngoài ra, với địa hình dốc và chảy xiết, hệ thống đê kè một số nơi chưa được hoàn thiện nên mỗi năm bờ sông Ngàn Sâu lại tiếp tục sạt lở và tạo ra nhiều hàm ếch nguy hiểm. Báo cáo của UBND huyện Hương Khê cho biết tình trạng này đáng báo động tại các xã Lộc Yên, Hà Linh, Hương Xuân.

Trước thực trạng trên, mới đây UBND huyện Hương Khê đã có cuộc làm việc với các cấp các ngành có liên quan để có hướng khắc phục. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã có văn bản số 3610/ TNMT- BC, ngày 15/9, báo cáo lên UBND tỉnh về xử lý kiến nghị của huyện Hương Khê. Tuy vậy, việc sắp xếp nguồn vốn để triển khai những giải pháp chống sạt lở vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Phan Kỳ - Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: “ Hiện nay đã có văn bản gửi UBND tỉnh tạo điều kiện để khắc phục những điểm sạt lở trên địa bàn. Tuy nhiên, nguồn lực xử lý kịp thời các điểm sạt lở này chưa rõ nên mong muốn đề xuất cấp trên có sự quan tâm, tạo điều kiện, trước mắt có phương án hỗ trợ kinh phí cho một số hộ di dời, sửa chữa bạt mái taluy, kè tránh những điểm sạt lở đất đá ảnh hưởng đến trực tiếp tại nhà, tính mạng và sản xuất của bà con”.

Do đặc thù địa hình, khí hậu là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở đất tại Hà Tĩnh

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, Hà Tĩnh là địa phương có nhiều sông suối, địa hình đồi núi dốc, trung bình trên 20 độ, nhiều nơi có độ dốc 40 độ bên cạnh hoạt động địa chất tạo ra các đới dập vỡ khiến đất đá bở, liên kết yếu. Mưa lũ thường xuyên kéo dài làm biến đổi dòng chảy càng khiến cho tình trạng sạt lở đất ở Hà Tĩnh diễn ra nhiều nơi từ vùng đồi núi đến sông suối.

Được biết, thời gian qua dù chính quyền các cấp đã có sự quan tâm xây dựng hệ thống kè nhưng hiện vẫn còn khá nhiều vị trí đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở cao. Trong khi chờ các cơ quan chức năng có giải pháp thì người dân và chính quyền địa phương vẫn sống trong nỗi bất an trước những giải pháp tạm thời để giữ tính mạng và tài sản trong mùa mưa bão.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Nỗi lo sạt lở đất trong mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO