Hà Nội vẫn thiếu nước sạch

04/05/2015 00:00

Bước vào đợt cao điểm nắng nóng, Công ty Nước sạch Hà Nội (NSHN) dự báo khu vực nội thành vẫn còn nhiều điểm thiếu nước sạch. Trong khi đó, hơn 70.000 khách hàng sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà tiếp tục đứng trước nguy cơ mất nước do sự cố vỡ đường ống có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Những ngày giữa tháng 4, khi đợt nắng nóng đầu mùa diễn ra, tình trạng mất nước đã xảy ra tại khu nhà N09B1-N09B2 Khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy). Nguyên nhân, theo Công ty NSHN là do nhu cầu sử dụng nước trong ngày nắng nóng tăng đột biến, trong khi nguồn cung cấp không đủ, dẫn đến suy giảm áp lực, thiếu nước ở những điểm cuối nguồn, cốt nền cao. Đối với khu nhà N09B1-N09B2 Dịch Vọng, công ty đã kiểm tra hệ thống, xúc xả đồng hồ cấp vào bể chứa và hệ thống van ngoài mạng, đồng thời vận hành mạng để tăng nguồn cấp, khắc phục việc thiếu nước. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số những điểm được dự báo thiếu nước trong những ngày nắng nóng. 

Mùa hè năm 2014, KĐT Đại Thanh phải dùng xe chở nước sạch phục vụ người dân.
Mùa hè năm 2014, KĐT Đại Thanh phải dùng xe chở nước sạch phục vụ người dân.

Theo dự báo của Công ty NSHN một số khu vực có thể bị rơi vào tình trạng thiếu nước trong những ngày nắng nóng. Đó là khu vực do Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình quản lý có phố Hàng Than, Hồng Phúc, Nguyễn Trung Trực, Hàng Đậu, Hòe Nhai, Ngõ 18 Quán Thánh, từ ngõ 25 đến 45 Phan Đình Phùng, K80 đường Bưởi - phường Vĩnh Phúc, đường Hoàng Hoa Thám từ Ngõ 267 đến phố Văn Cao, phố Thụy Khuê, đường Âu Cơ, An Dương Vương… Khu vực do Xí nghiệp Nước sạch Hoàn Kiếm quản lý có phường Chương Dương, Phúc Tân, dọc đường Trần Nhật Duật, các phố Tràng Thi, Quán Sứ, Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Phố Huế, Hàng Tre, Hàng Bè, Hàng Buồm… Quận Đống Đa vẫn là các điểm thường thiếu nước mỗi khi vào hè như Đê La Thành (đặc biệt là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Viện nhi TƯ), Thái Thịnh, Thái Hà, Hoàng Cầu, ngõ Lệnh Cư, phố Kim Hoa, ngõ Thông Phong, ngõ Văn Chương, Ngõ 354 đường Trường Chinh… Trong khi đó, khu vực quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai là các điểm ngoài đê, cốt nền cao như Thanh Lương, Nguyễn Khoái, Trần Khát Chân, Lĩnh Nam, Đông Mỹ, Yên Mỹ, Duyên Hà… Quận Cầu Giấy có khu vực phường Quan Hoa. Quận Long Biên có khu vực Đức Giang, Sài Đồng. Huyện Gia Lâm có khu vực Trâu Quỳ… 

Với những dự báo này, từ đầu năm, Công ty NSHN đã triển khai nhiều giải pháp như khoan thay thế giếng, nâng công suất các trạm Đồn Thủy, Bạch Mai, Kim Liên, Ngô Sỹ Liên… hay vận hành mạng để bảo đảm cấp nước cho các điểm cốt nền cao, cuối nguồn theo giờ; thậm chí cấp nước bằng xe stec. Song, những giải pháp này chỉ mang tính chất tình thế, chưa thể giải quyết được về căn bản. Bởi, theo tính toán của Công ty NSHN, các giếng ngầm bình quân mỗi năm suy giảm 2% sản lượng, nguồn nước Sông Đà không thể tăng công suất cấp, trong khi nhu cầu sử dụng bình quân mỗi năm tăng 3% (do đô thị hóa và mở rộng mạng lưới cấp nước). Chưa kể, mỗi đợt nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến 10-15%, nên tổng lượng nước thiếu hụt lên tới 60.000 - 70.000m3/ngày đêm.

Còn đối với phạm vi do Công ty cổ phần Viwaco cung ứng nước gồm địa bàn quận Thanh Xuân, một phần Hoàng Mai, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm, với khoảng 70.000 khách hàng, nguy cơ vỡ đường ống truyền dẫn từ Nhà máy nước Sông Đà về Hà Nội vẫn là nỗi lo thường trực. Được biết, đường ống này đã 10 lần gặp sự cố nhưng giải pháp khắc phục là làm đường ống truyền dẫn thứ hai vẫn chưa thể triển khai do nhà đầu tư là Tổng công ty cổ phần Vinaconex vướng mắc thủ tục, nguồn vốn, mặc dù UBND TP Hà Nội đã liên tiếp yêu cầu thực hiện từ đầu năm 2014. Trong khi chưa có được đường ống số 2, mà trước mắt là đoạn từ Hòa Lạc về đường Vành đai III, điều chắc chắn là đơn vị cung cấp nước sẽ không thể tăng sản lượng để bảo đảm an toàn cho tuyến ống. Như vậy, nếu không vỡ đường ống thì việc thiếu nước khu vực cuối nguồn vẫn có thể xảy ra khi nhu cầu sử dụng tăng. 

Tại cuộc họp kế hoạch bảo đảm cấp nước mùa hè với tất cả các đơn vị cấp nước trên địa bàn, Phó Chủ tich UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhận định, tình hình cấp nước sẽ hết sức khó khăn, do đó yêu cầu các đơn vị phải vận hành tối đa công suất nhà máy, trạm sản xuất nước, đồng thời triển khai ngay giải pháp kỹ thuật để giảm thất thoát, thất thu nguồn nước. Cũng với việc kiểm tra, khắc phục sự cố hư hỏng, khi dừng cấp nước, các đơn vị phải thông báo kịp thời, rõ ràng nguyên nhân, thời gian dừng để khách hàng trữ nước, sử dụng tiết kiệm; có ngay giải pháp vận hành mạng hoặc bố trí xe stec bảo đảm cấp nước cho nhân dân. Để tránh lãng phí, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng cũng yêu cầu các đơn vị cấp nước dừng các dự án phát triển mạng nếu chưa bảo đảm đủ nguồn; chỉ triển khai mở rộng mạng cấp nước khi nguồn bảo đảm cung cấp đủ, ổn định.

Địa bàn thành phố hiện có 4 đơn vị cấp nước nhưng 2 đơn vị chủ lực là Công ty NSHN và Công ty cổ phần Viwaco, phụ trách toàn bộ địa bàn nội thành và một số khu vực ngoại thành. Đối với tuyến truyền dẫn nước Sông Đà - Hà Nội, UBND TP Hà Nội yêu cầu Tổng công ty cổ phần Vinaconex, Công ty cổ phần Viwasupco khẩn trương triển khai lắp đặt tuyến ống số 2 từ Hòa Lạc về khu vực đường Vành đai III; thực hiện giải pháp hạn chế sự cố, bảo đảm truyền dẫn nước ổn định từ Hòa Bình về trung tâm TP Hà Nội. Thành phố cũng đề nghị Tổng công ty Điện lực Hà Nội ưu tiên cấp điện liên tục, ổn định cho các trạm, nhà máy sản xuất nước và các trạm bơm tăng áp.

Theo HNMO
  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội vẫn thiếu nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO