Hà Nội: Tập trung bảo vệ môi trường làng nghề

10/09/2015 00:00

(TN&MT) - Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều làng nghề nhất cả nước. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tới đây Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề…

Làng nghề lắm, ô nhiễm nhiều

Sau khi mở rộng (năm 2008), Hà Nội có tổng cộng 1.275 làng nghề, trong đó có 226 làng nghề được UBND thành phố công nhận theo các tiêu chí làng nghề, với nhiều loại hình sản xuất khác nhau, từ chế biến lương thực, thực phẩm; chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da đến sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá; tái chế phế liệu; thủ công mỹ nghệ... Trong số này, làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm 53% với 135 làng nghề, tiếp đó là làng nghề dệt nhuộm đồ da chiếm 23% với 59 làng nghề, làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm chiếm 16,9% với 43 làng nghề...

Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Ảnh: MH
Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Ảnh: MH

Hiện nay, phần lớn lượng nước thải từ các làng nghề này được xả thẳng ra sông Nhuệ, sông Đáy mà chưa qua xử lý khiến các con sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa kể đến một lượng rác thải, bã thải lớn từ các làng nghề không thể thu gom và xử lý kịp, nhiều làng nghề rác thải đổ bừa bãi ven đường đi và các khu đất trống. Tình trạng ô nhiễm môi trường như trên đã ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng, nhất là những người tham gia sản xuất, sinh sống tại các làng nghề và các vùng lân cận. Tại nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng gia tăng. Tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm, thấp hơn 10 năm so với làng không làm nghề. Tại các làng sản xuất kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, bệnh phụ khoa chiếm chủ yếu (13 - 38%), bệnh về đường tiêu hóa (8 - 30%), bệnh viêm da (4,5 - 23%), bệnh đường hô hấp (6 - 18%), bệnh đau mắt (9 - 15%)…

Hoạt động sản xuất trong khu vực làng nghề có quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình), nằm phân tán trong khu dân cư, hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải; kinh phí đầu tư cho công nghệ, xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường rất lớn nên việc kêu gọi, huy động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường cũng rất khó khăn.

Mặc dù ô nhiễm môi trường làng nghề khiến nhiều người dân bức xúc, chính quyền đau đầu nhưng xử lý tình trạng này lại gặp nhiều khó khăn, bởi nguồn ngân sách của thành phố không đủ và cũng không có nhà đầu tư tham gia theo hình thức xã hội hóa.

Ưu tiên ngân sách để bảo vệ môi trường

Được biết, trong những năm vừa qua, chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường luôn chiếm 2-3% tổng chi ngân sách của thành phố (mức quy định theo Nghị quyết 41-NQ/TW là tối thiểu 1%). Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư và cung cấp các dịch vụ môi trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào xử lý chất thải rắn, nước thải và công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Tuy nhiên, việc đầu tư trong lĩnh vực xử lý môi trường ít sinh lời, do đó, công tác kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách còn hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Thành phố đã giới thiệu cho nhiều nhà đầu tư để đầu tư vào các dự án cải tạo môi trường làng nghề, nhưng họ đều không mặn mà, do vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi khó khăn. Thành phố đang chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội xây dựng đề án giải quyết vấn đề môi trường bức xúc trên địa bàn và xây dựng những mô hình làm điểm, trước khi nhân ra diện rộng”.

Trước những khó khăn trên, tại một cuộc họp mới đây, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội khẳng định sẽ ưu tiên ngân sách, tập trung chỉ đạo việc bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình; tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn. Nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo vệ môi trường tại các làng nghề.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề ; chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, quy định của thành phố liên quan đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

Linh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tập trung bảo vệ môi trường làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO