Hà Nội quy định phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cao nhất là 11 triệu đồng/hồ sơ

04/12/2014 00:00

(TN&MT) - Đó là một trong những nội dung chính của Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu phí trên địa bàn TP Hà Nội

   
(TN&MT) - Đó là một trong những nội dung chính của Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu phí trên địa bàn TP Hà Nội vừa được HĐND thành phố thông qua trong phiên họp chiều 03/12.
   
  Tờ trình của UBND TP nêu rõ, thực hiện Thông tư 02/2014/TT-BTC và Thông tư 133/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, kỳ họp thứ 11 HĐND TP có thẩm quyền ban hành, bãi bỏ một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn TP, cụ thể gồm: Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí đò, phí qua phà; phí tham quan danh lam thắng cảnh; phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô.
   
   
Hà Nội luôn trú trọng báo cáo đánh giá tác động môi trường để đảm bảo môi trường xanh cho Thủ đô

  Đối với phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện đang thực hiện theo Quyết định 32/2009/QĐ-UBND của UBND TP, theo đó mức phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là 5 triệu đồng/báo cáo, trường hợp thẩm định báo cáo đánh giá bổ sung mức thu là 2,5 triệu đồng. Đến nay, mức thu trên đã không còn phù hợp, không đảm bảo thực hiện công tác thẩm định đối với những dự án có quy mô lớn, phức tạp cần xin ý kiến chuyên gia. Vì vậy, UBND TP đề xuất có 7 nhóm dự án theo ngành, nghề và mức độ phức tạp của công tác thẩm định để tính mức thu phí.
   
  Theo đó, mức thu thấp nhất là 5 triệu đồng/báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với nhóm dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn hoặc bằng 50 tỷ đồng; cao nhất là 11 triệu đồng/báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với nhóm dự án có tổng mức trên 500 tỷ đồng. Trường hợp thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, mức thu phí được xác định bằng 50% mức thu trên.
   
  Đối với phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, hiện trên địa bàn TP có 18 điểm đang hoạt động thu phí. Trong đó, 10 địa điểm có sự điều chỉnh, bổ sung mức phí cho phù hợp, gồm: điều chỉnh tăng mức thu phí đối với 3 điểm di tích (Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò) từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/lượt; giữ nguyên mức thu phí song có điều chỉnh đối tượng ưu tiên được miễn, giảm phí đối với các di tích Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa, Di tích làng cổ Đường Lâm, Di tích Đền Quán Thánh, Di tích Chùa Thầy, Chùa Hương, Chùa Tây Phương.
   
  Riêng 8 thắng cảnh còn lại trên địa bàn huyện Ba Vì, gồm: Thiên Sơn – Suối Ngà, Thác Đa, Suối Tiên, Ao Vua, Hồ Tiên Sa, Hồ Đầm Long, Suối Mơ, Khoang Xanh được bãi bỏ quy định thu phí danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đối với các địa điểm này (do chưa được công nhận là danh lam thắng cảnh), các đơn vị quản lý điểm du lịch chuyển sang thực hiện thu vé đối với khách tham quan theo cơ chế giá dịch vụ quy định tại Luật giá.

  Đối với phí qua đò, phí qua phà, mức phí được giữ nguyên đối với người đi đò ngang sông (2.000 đồng/người), bổ sung mức phí đối với người và xe đạp (kể cả xe đạp điện) là 3.000 đồng/lượt; người và xe máy (kể cả xe máy điện) là 4.000 đồng/lượt. Mức phí đò dọc tại thắng cảnh Chùa Hương được giữ nguyên mức thu cũ.
   
  Đối với phí qua phà, điều chỉnh tăng phí đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng; xe ô tô từ 10 chỗ đến 16 chỗ tăng từ 25.000 đồng lên 40.000 đồng. Tách mức phí đối với ô tô chở hàng tải trọng đến 1,5 tấn, mức phí giữ nguyên là 30.000 đồng; ô tô chở hàng từ 1,5 tấn đến 3 tấn mức phí tăng từ 30.000 đồng lên 40 nghìn đồng; ô tô chở hàng từ trên 3 tấn đến 5 tấn mức phí tăng từ 40.000 đồng lên 50 nghìn đồng. Trong mùa nước từ báo động số 1, mức phí được thu tăng thêm 30%.

  Tin & ảnh: Hải Ngọc
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quy định phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cao nhất là 11 triệu đồng/hồ sơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO