Hà Nội - những dòng sông chết: Sông Tô Lịch "nhuộm" màu ô nhiễm

08/04/2016 00:00

(TN&MT) - Không ít những ý tưởng, những sáng kiến qua các thời kỳ lãnh đạo Thủ đô đưa ra để cố gắng “hồi sinh” dòng sông Tô Lịch, tiếc thay, tất cả những giải pháp đều mới dừng lại ở thí điểm, dòng Tô Lịch vẫn ô nhiễm.

Sông Tô Lịch vẫn bị  ô nhiễm. Ảnh: Hoàng Minh
Sông Tô Lịch vẫn bị ô nhiễm. Ảnh: Hoàng Minh

Khắc khoải sông Tô

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đã tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ cùng với sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã làm cho lòng sông bị thu hẹp, hành lang bảo vệ bị lấn chiếm ở nhiều đoạn, chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt (NTSH) và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông. Từ một con sông đẹp, gắn với nét thanh lịch của Thủ đô Hà Nội một thời, Tô Lịch nay đã trở thành nơi chứa nước thải, một dòng sông đang "chết!".

Qua chuyến đi khảo sát của phóng viên, hai bên bờ sông, các đường ống nước thải sinh hoạt vẫn miệt mài tuôn ra dòng sông Tô Lịch, bọt trắng xóa, nước màu trắng đục, đen, nhờn nhợt và cộng thêm hàng trăm thứ rác thải từ khu dân cư chạy thẳng ra sông.

Chị Nguyễn Thị Thủy, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy bức xúc: “Đoạn sông chảy qua địa bàn P. Yên Hòa đang ngày một cạn kiệt, bùn đen mỗi ngày một dày, sau mỗi cơn mưa, trời nắng lên mùi hôi dưới sông bốc lên kinh khủng. Ảnh hưởng nhiều nhất là các hộ dân sống dọc bờ sông, nhiều nhà hàng, quán ăn phải “di cư” vào trong, bởi có mở ra cũng không mấy người vào ăn. Không chỉ hàng quán, nhiều hộ dân có nhà cạnh sông Tô Lịch đã chọn giải pháp cho thuê lại nhà, hoặc bán nhà đi ở nơi khác.

Gần đây, kết quả quan trắc nước sông Tô Lịch của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường - Sở TN&MT Hà Nội cho thấy: Lượng ôxy hòa tan (DO) thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn; Lượng ôxy hóa học trong nước (COD), ôxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Giải pháp… tạm bợ

Để giải cứu sông Tô Lịch, hàng chục hội thảo, đề án nghiên cứu đã được TP. Hà Nội tổ chức, nhưng dường như tất cả vẫn dừng lại ở… ngõ cụt! Giải quyết vấn đề trước mắt, nhiều năm qua, Hà Nội đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, hướng tới hình thành nếp sống văn minh và xây dựng Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp.

Từ năm 2010, UBND TP. Hà Nội đã giao các Sở, ngành thực hiện 2 biện pháp: Bổ sung nước sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng, giúp duy trì cân bằng nước, giảm nồng độ ô nhiễm và xây dựng các trạm xử lý nước thải kết hợp với xử lý nước thải ngay tại nguồn. Đồng thời, kiểm kê các nguồn thải dọc sông và tiến hành phát chế phẩm vi sinh, hóa sinh miễn phí cho người dân để xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn trước khi thải ra sông.

 Đặc biệt, thời gian qua, TP. Hà Nội đã tiến hành triển khai Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bờ sông Tô Lịch kết hợp với xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông. Bên cạnh đó, giao các quận/huyện tổ chức quản lý, thu gom rác thải để chấm dứt tình trạng đổ rác bừa bãi xuống hai bờ sông; Mời chuyên gia nước ngoài khảo sát, nghiên cứu, hỗ trợ công nghệ xử lý ô nhiễm phù hợp; Lập quy hoạch toàn tuyến sông Tô Lịch để tách nguồn nước thải sinh hoạt đang đổ trực tiếp vào sông đưa về các nhà máy xử lý tập trung Phú Đô và Yên Xá.

 TP. Hà Nội đang tăng cường trồng cây xanh, tu sửa kè bờ, các vườn hoa, bãi cỏ, đường dạo ven sông và thường xuyên nạo vét lòng sông, vớt rác… thế vẫn chưa đủ, bởi chỉ dừng góc độ giải pháp tạm thời và sự thật sông đang ngày phải hứng chịu nhiều nguồn thải gây ô nhiễm nặng nề…

Văn Phong

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - những dòng sông chết: Sông Tô Lịch "nhuộm" màu ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO