Hà Nội: Nhiều rủi ro cho khách hàng khi mua căn hộ tại dự án Florence Mỹ Đình

06/02/2018 12:58

(TN&MT) - Không chỉ dính vào lùm xùm chưa đủ điều kiện mở bán căn hộ theo quy định nhưng vẫn rao bán rầm rộ trên thị trường, các khách hàng có ý định mua nhà...

(TN&MT) - Không chỉ dính vào lùm xùm chưa đủ điều kiện mở bán căn hộ theo quy định nhưng vẫn rao bán rầm rộ trên thị trường, các khách hàng có ý định mua nhà tại dự án Florence Mỹ Đình còn có thể đối mặt với nhiều rủi ro khác...

Chủ đầu tư còn non trẻ

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Công ty CP nhà Mỹ Xuân Hà Nội, chủ đầu tư Tổ hợp nhà ở cao tầng, Dịch vụ thương mại và Văn phòng tại số 28 lô X3, đường Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn (dự án Florence Mỹ Đình) chính thức hoạt động từ ngày 10/10/2016.

Công ty CP nhà Mỹ Xuân Hà Nội được Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco) và 3 đối tác là CTCP Giống gia súc Hà Nội, CTCP Phát triển Tân Việt, CTCP xây dựng Phục Hưng Holdings góp vốn thành lập để thực hiện dự án “Tổ hợp nhà cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng tại điểm X3 – GĐII, thị trấn Cầu Diễn”.

Khi bắt đầu thành lập, Công ty này có vốn điều lệ 157 tỷ đồng. Trong đó, Lideco là cổ đông lớn nhất với vốn góp gần 71 tỷ đồng (tương đương 45% vốn). Kế đến là Công ty CP xây dựng Phục Hưng Holdings nắm giữ 25% vốn, tương đương khoảng 39 tỷ đồng.
Dù dự án thực hiện tới 668 tỷ nhưng hiện Công ty CP nhà Mỹ Xuân Hà Nội, chủ đầu tư dự án chỉ có vốn điều lệ dưới 200 tỷ đồng.
Công ty CP nhà Mỹ Xuân Hà Nội, chủ đầu tư dự án Florence mới thành lập được hơn một năm.
Đầu tư hàng chục tỷ đồng và có tham vọng góp vốn thành lập ra Công ty CP nhà Mỹ Xuân Hà Nội để thực hiện các dự án bất động sản đình đám, sở hữu những vị trí đắc địa, đất vàng của Hà Nội nhưng không hiểu vì sao đúng một năm sau khi góp vốn thành lập, Lideco đã rút sạch vốn tại Công ty CP Nhà Mỹ Xuân Hà Nội.

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, toàn bộ vốn góp của Lideco tại Nhà Mỹ Xuân Hà Nội đã được Công ty CP xây dựng Phục Hưng Holdings mua lại.

Theo tài liệu của PV, ngày 06/10/2017, Hội đồng quản trị Công ty CP xây dựng Phục Hưng Holdings do ông Cao Tùng Lâm làm Chủ tịch HĐQT đã ban hành Nghị quyết số 06 NQQ/2017/PHC-HĐQT quyết nghị mua lại toàn bộ cổ phần của Lideco tại CTCP Nhà Mỹ Xuân Hà Nội để tăng sở hữu từ 25% cổ phần lên 70%, hiện tại là 79% vốn.
Hà Nội: Nhiều rủi ro cho khách hàng mua nhà dự án Florence Mỹ Đình
Nhiều rủi ro cho khách hàng mua nhà dự án Florence Mỹ Đình
Chỉ sau một ngày Công ty CP xây dựng Phục Hưng Holdings có Nghị quyết, tức ngày 07/10/2017, Hội đồng quản trị Lideco cũng đã ban hành Nghị quyết số 18/2017 thống nhất chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cổ phần của Công ty tại CTCP Nhà Mỹ Xuân Hà Nội.

Như vậy, với việc Lideco rút sạch vốn, hiện CTCP Nhà Mỹ Xuân Hà Nội được sở hữu bởi các cổ đông là CTCP Giống gia súc Hà Nội, CTCP Phát triển Tân Việt, Công ty CP xây dưng Phục Hưng Holdings.

Mang vốn mỏng đi làm dự án khủng

Dự án Florence Mỹ Đình có tổng diện tích mặt sàn khoảng gần 65.000 m, 3 tầng hầm, 25 tầng nổi với khoảng 480 căn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 668 tỷ đồng. Điều đáng nói, dù dự án thực hiện tới 668 tỷ nhưng hiện Công ty CP nhà Mỹ Xuân Hà Nội, chủ đầu tư dự án chỉ có vốn điều lệ dưới 200 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Công ty CP nhà Mỹ Xuân Hà Nội với danh nghĩa là chủ đầu tư dự án Florence Mỹ Đình nhưng "người đứng sau'' và là bản chất chính là Công ty CP xây dưng Phục Hưng Holdings, vậy doanh nghiệp bất động sản này là ai?

Theo tìm hiểu của PV, Phục Hưng Holdings được thành lập từ năm 2001 và đến năm 2003 là một trong những thành viên của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Holding), tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Phục Hưng. Trong những năm đầu, Phục Hưng chỉ là nhà thầu phụ cho các công trình công nghiệp như Nhà máy Xi măng Tam Điệp (Ninh Bình), Nhà máy Xi măng Sông Thao (Phú Thọ), Nhà máy Xi măng La Hiên (Thái Nguyên)...
Hà Nội: Nhiều rủi ro cho khách hàng mua nhà dự án Florence Mỹ Đình.
Thực hiện các dự án với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ nhưng Phục Hưng Holdings chỉ có vốn hơn 200 tỷ đồng.
Đến thời điểm 31/12/2017, tức sau 17 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhà thầu, Phục Hưng Holdings có vốn điều lệ ở mức là 208 tỷ đồng do ông Cao Tùng Lâm làm Chủ tịch HĐQT.

Đến năm 2010, Phục Hưng Holdings chính thức ''lấn sân'' sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản bằng việc chuyển mình từ nhà thầu chính trở thành nhà đầu tư chung cư The Light (Tố Hữu, Hà Nội), dự án này đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra thoái vốn lỗ với số tiền 40,6 tỷ ở Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đến nay, được cho là doanh nghiệp bất động sản ''có tiếng'' ở Hà Nội nên Phục Hưng Holdings liên tiếp thâu tóm các dự án bất động sản khác với mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng như: Dự án Florence Mỹ Đình (668 tỷ đồng); Dự án Khu thương mại dịch vụ nhà ở Hoàn Cầu – Thị xã Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng; Dự án Tháp Phục Hưng Tower – Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Phục Hưng, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng...
Hà Nội: Nhiều rủi ro cho khách hàng mua nhà dự án Florence Mỹ Đình
Nợ sắp đáo hạn của của Phục Hưng Holdings lên tới 800 tỷ đồng.
Điều đáng nói, với nguồn vốn mỏng chỉ là 208 tỷ đồng nhưng Phục Hưng Holdings lại đang đầu tư vào hàng loạt dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng, khiến dư luận nghi ngờ về khả năng thực hiện các dự án của công ty này. Vậy mới đang xảy ra câu chuyện chủ đầu tư dự án Florence Mỹ Đình rao bán dự án khi chưa đủ điều kiện.

Theo tìm hiểu của PV, Phục Hưng Holdings không chỉ đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản hàng nghìn tỷ mà còn là nhà thầu của rất nhiều dự án khác. Theo đánh giá, việc đầu tư dàn trải này có thể sẽ làm cho Phục Hưng Holdings lâm vào tình trạng thiếu vốn nên phải huy động bằng việc nhận đặt cọc, rao bán dự án khi chưa đủ điều kiện mở bán.

Theo báo cáo tài chính Công ty mẹ quý 4/2017 của Phục Hưng Holdings, đến thời điểm ngày 31/12/2017, nợ phải trả của công ty này là 868,6 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên tới 800 tỷ đồng (nợ sắp đáo hạn), nợ dài hạn chỉ vọn vẹn hơn 68 tỷ đồng.

Như vậy, với nguồn vốn mỏng nhưng Phục Hưng Holdings hiện đang là nhà thầu của rất nhiều dự án bất động sản đình đám, vượt cả số vốn hiện có thì dư luận đang nghi ngờ về năng lực thực hiện của Công ty.

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin về dự án Florence Mỹ Đình tại số 28 lô X3, đường Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn do Công ty CP nhà Mỹ Xuân Hà Nội làm chủ đầu tư đang dính vào lùm xùm dù chưa hoàn thành việc xây dựng phần móng, chưa đủ điều kiện mở bán căn hộ theo quy định nhưng vẫn được rao bán rầm rộ trên thị trường, thậm chí rao đặt chỗ căn hộ với khách hàng.

Trao đổi với PV về việc này, ông Bảo - Đại diện Công ty CP nhà Mỹ Xuân Hà Nội cho biết, hiện nay phía Công ty chưa thực hiện mở bán căn hộ và đến thời điểm hiện tại thì chủ đầu tư cũng chưa ký hợp đồng giao dịch căn hộ với khách hàng nào.

Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề về việc các nhân viên của Công ty cổ phần Tập đoàn DANKO đã phát tờ rơi, tư vấn khách hàng mua căn hộ ngay tại cổng dự án thì vị này cho rằng: "Họ chỉ giới thiệu dự án chứ không phải bán(?!)".

Đồng thời ông Bảo cũng khẳng định: "Đến thời điểm này chúng tôi cũng chưa ký hợp đồng và giao dịch căn hộ với bất cứ khách hàng nào".

Theo như lời ông Bảo thì chủ đầu tư chưa thực hiện mở bán căn hộ, nhưng theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư và Công ty cổ phần Tập đoàn DANKO đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn và môi giới bất động sản. Trong đó, Công ty CP nhà Mỹ Xuân Hà Nội là bên được tư vấn và môi giới và Công ty cổ phần Tập đoàn DANKO là bên tư vấn và môi giới.

Điều đáng nói, phía Công ty cổ phần Tập đoàn DANKO cũng đã cho phát hành mẫu phiếu đặt chỗ căn hộ (có dấu treo của công ty) để các nhân viên tư vấn đặt chỗ cho khách hàng có nhu cầu đặt mua, trong phiếu đặt chỗ cũng có ghi rõ hình thức mua bán căn hộ như giá bán dự kiến, thỏa thuận đặt cọc...

Như vậy, dư luận đặt vấn đề nếu khách hàng đồng ý với những điều khoản tại phiếu đặt chỗ của Công ty cổ phần Tập đoàn DANKO và đặt tiền cọc thì đó có được coi là giao dịch căn hộ và có vi phạm pháp luật không?

Liên quan đến việc này, trao đổi với PV, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn DANKO xác nhận Công ty là đơn vị phân phối cho dự án Florence, còn về thủ tục pháp lý thì vẫn thuộc chủ đầu tư.

"Trong giai đoạn này chủ đầu tư đang tiến hành làm phần móng của dự án và phía chủ đầu tư cũng đã thông báo cho chúng tôi rằng cuối tháng 1/2018 Âm lịch là sẽ hoàn thành phần móng và chính thức ký hợp đồng mua bán. Còn giai đoạn này, chúng tôi đang tư vấn, giới thiệu cho khách hàng, đồng thời tìm hiểu thị hiếu của khách hàng đến đâu và khách hàng có đón nhận sản phẩm hay không, chứ chúng tôi chưa nhận được bất cứ nguồn tài chính nào từ khách hàng. Hiện nay chưa có một khách hàng nào ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với chúng tôi", vị này cho biết.

Theo đánh giá, việc chưa xây xong móng của dự án mà đã rao bán căn hộ được nhận định là trái quy định của pháp luật. Thiết nghĩ, khi các vấn đề pháp lý của dự án còn chưa sáng tỏ thì khách hàng không nên vội vàng xuống tiền đầu tư, để tránh tiền mất rồi tật lại mang!


Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều rủi ro cho khách hàng khi mua căn hộ tại dự án Florence Mỹ Đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO