Hà Nội: Khát nước sạch

06/10/2016 00:00

(TN&MT) - Hiện nay, chỉ có khoảng 35,5% tỷ lệ người dân khu vực ngoại thành Hà Nội được tiếp cận với nguồn nước sạch đạt quy chuẩn. Để giải bài toán “khát nước sạch” là điều không dễ. Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như: Đông Anh, Thanh Oai, Phúc Thọ, Hoài Đức... cho thấy, phần lớn người dân tại những nơi này vẫn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.

Ông Trần Văn Đoàn - xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai cho biết: Xã Mỹ Hưng cùng với 3 xã khác của huyện đều nằm trong dòng chảy sông Nhuệ đi qua. Thế nhưng, hàng chục năm qua, người dân phải dùng nước nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh. Hầu hết, các gia  phải mua máy lọc nước về sử dụng. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại một số khu vực quận Long Biên. Ở đây không thiếu nước, nhưng trong nước chứa quá nhiều cặn vôi. Ông Nguyễn Minh Hoàng - Tổ dân phố số 12, phường Long Biên chia sẻ, qua sử dụng nước sinh hoạt nên đồ dùng sau khi sử dụng một thời gian ngắn đều ngả sang màu vàng, quả lọc nước cặn bám quá nhiều. Về lâu dài nhân dân rất mong mỏi các cấp chính quyền thành phố quan tâm, hỗ trợ, đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch, để không còn mối lo nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn đang dùng nước giếng khoan là nguồn chính
Các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn đang dùng nước giếng khoan là nguồn chính

Theo Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, huyện Đông, ông Nguyễn Hữu Tửu: Vài năm trở lại đây, đã có một số công ty, doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân về địa phương khảo sát xây dựng trạm cấp nước sạch nông thôn. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có một dự án nào được triển khai. Người dân trong xã cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài nguồn nước giếng khoan. Để tự bảo vệ sức khỏe gia đình, nhiều hộ đã tự bỏ tiền ra để mua nước đóng chai về để uống và nấu ăn, nhưng cũng không chắc, nước tinh khiết trong các thùng đóng chai liệu có đảm bảo chất lượng hay không?

Qua tìm hiểu, được biết tình trạng “khát nước sạch” trên địa bàn Hà Nội xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó một phần là tại khu vực ngoại thành, các dự án nước sạch nông thôn chậm triển khai, trong khi các nguồn nước khai thác tại chỗ khác lại không đảm bảo về mặt trữ lượng, chất lượng...

Để khắc phục tình trạng này, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc xây dựng hai nhà máy nước mặt sông Hồng và sông Đuống. Theo đó nhà máy nước mặt sông Hồng có công suất 300.000m3/ngày đêm; diện tích khoảng 20,5ha; tổng mức đầu tư khoảng 3.692,3 tỷ đồng. Nhà máy Nước mặt sông Đuống dự kiến công suát đến năm 2020 là 300.000m3/ngày đêm, chia làm 2 kỳ đầu tư, tổng số vốn khoảng 4.998 tỷ đồng.

Tuy vậy, những dự án trên của Hà Nội mới chỉ dừng lại ở việc chấp thuận đầu tư và cũng chưa biết đến khi nào các dự án nước sạch này mới được đưa vào sử dụng, phục vụ người dân. Như vậy có nghĩa là tình trạng “khát nước sạch” sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Huy An

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Khát nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO