Hà Nội: Hoãn xử phúc thẩm 'kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án' là hợp lý

07/12/2017 00:00

(TN&MT) - Theo ý kiến của Luật sư, việc HĐXX quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm kỳ án khởi tố xong 14 năm sau mới tuyên án sơ thẩm phạt tù hai anh em ruột...

(TN&MT) - Theo ý kiến của Luật sư, việc HĐXX quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm kỳ án khởi tố xong 14 năm sau mới tuyên án sơ thẩm phạt tù hai anh em ruột tại Hoài Đức là hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và việc sẽ ra quyết định dẫn giải người làm chứng cho phiên xét xử tiếp theo sẽ đảm bảo cho việc xét xử vụ án này được khách quan, toàn diện và đầy đủ.
 
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin, theo giấy triệu tập, sáng nay 7/12, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại Vân Côn - Hoài Đức (Hà Nội) theo đơn kháng cáo kêu oan của hai bị cáo là hai anh em ruột Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy.
 
Tuy nhiên, do có nhiều nhân chứng vụ án vắng mặt, cộng với việc một số Luật sự bào chữa cho hai anh em Quý, Thúy và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của người bị hại cũng xin vắng mặt, phía đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị hoãn phiên tòa để đảm bảo tính khách quan, tránh oan sai nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên xử.
 
Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.
Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.
 
Thay mặt Hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên tòa Hoàng Nhật Tân đã quyết định lùi phiên tòa đến 8h30 sáng ngày 19/12/2017 tới. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày và những nhân chứng không có mặt sẽ được áp giải đến tòa.
 
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường về việc HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, Luật sư Hoàng Thị Thuyên - Công ty Luật An Viên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc thẩm phán Hoàng Nhật Tân quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm theo là hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và việc sẽ ra quyết định dẫn giải người làm chứng cho phiên xét xử tiếp theo là quyết định sáng suốt của HĐXX, điều đó sẽ đảm bảo cho việc xét xử vụ án này được khách quan, toàn diện và đầy đủ.
 
Đánh giá về vụ án, Luật sư Thuyên cho rằng, vụ án đã được khởi tố cách đây 14 năm và có rất nhiều vấn đề còn mâu thuẫn ở trong hồ sơ vụ án, tòa sơ thẩm đã kết tội bị cáo Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy chỉ căn cứ theo lời khai của người bị hại, kết luận giám định.
 
Luật sư Hoàng Thị Thuyên - Công ty Luật An Viên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Hoàng Thị Thuyên - Công ty Luật An Viên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
 
"Thế nhưng lời khai của người làm chứng và người bị hại đều mâu thuẫn nhau. Việc mâu thuẫn lời khai xảy ra có thể trong cùng một lời khai, có thể là từ lời khai trước đến lời khai sau. Hơn nữa, việc tòa sơ thẩm kết tội căn cứ trên kết luận giám định mà kết luận giám định thì còn có rất nhiều nghi vấn. Trong vụ án này thì hung khí không tìm được cho nên khó phân tích được cơ chế hình thành vết thương giữa hung khí và vết thương mà bị hại đã khai báo. Vì vậy, việc kết tội là không khách quan", Luật sư Thuyên phân tích.
 
Trước đó, theo tìm hiểu của PV, gia đình ông Quản Đắc Họp (62 tuổi, cha của hai anh em Quý, Thúy) được cấp một mảnh đất tại thôn Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội làm thổ cư. Ông Đỗ Đăng Chuyên (69 tuổi) và con trai là Đỗ Đăng Của (40 tuổi) nhiều lần tới lấn chiếm phần đất này mặc dù đã bị chính quyền nhắc nhở.
 
Ngày 19/07/2003, trong lúc xảy ra xô xát, Đỗ Đăng Của bị thương. Năm tháng sau, hai anh em Quý và Thúy bị Công an huyện Hoài Đức khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo Khoản 3 Điều 104 BLHS vì đã gây thương tích 34,16% cho anh Của. Sau đó, 2 người được cho tại ngoại từ đó đến giờ.
 
Bị cáo Quản Đắc Thúy.
Bị cáo Quản Đắc Thúy.
 
Bên cạnh đó, ông Họp cũng bị khởi tố về tội danh trên nhưng sau đó được đình chỉ bị can để đưa đi giám định tâm thần do là thương binh và có bệnh động kinh, đến nay vẫn chưa có diễn biến mới gì.
 
Từ đó đến năm 2015, Công an và VKS đã ra hơn 10 bản kết luận điều tra bổ sung, 4 bản cáo trạng để truy tố hai anh em Quý và Thúy về tội cố ý gây thương tích. Suốt quá trình này, hai bị can không nhận tội.
 
Tại Bản cáo trạng số 71 ngày 12/08/2015, VKSND huyện Hoài Đức xác định Quý dùng dao chém hai nhát vào trán và tay, còn Thúy dùng gậy sắt vụt vào đầu ngón trỏ bàn tay phải của Của dẫn đến thương tích.
 
Ngày 26/05/2017, sau 14 năm kể từ ngày khởi tố, TAND huyện Hoài Đức, Hà Nội mở phiên sơ thẩm lần đầu. Tại tòa, do vắng mặt 7/9 nhân chứng vụ án, các Luật sư bào chữa cho hai bị cáo đề nghị hoãn nhưng không được HĐXX chấp nhận nên đã bỏ về. Trong khi đó, Quý và Thúy tiếp tục không nhận tội vì cho rằng khi xảy ra xô xát cả hai không có mặt tại hiện trường, không gây thương tích cho Đỗ Đăng Của.
 
Bị cáo Quản Đắc Quý.
Bị cáo Quản Đắc Quý.
 
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng có đủ căn cứ xác định các bị cáo gây thương tích cho người bị hại. Cả hai có vai trò tương đương nhau nhưng Quý có hành vi quyết liệt hơn, do đó tuyên Quý năm năm sáu tháng tù và Thúy năm năm tù. HĐXX cũng cho rằng nguyên nhân phạm tội của các bị cáo có một phần từ lỗi của người bị hại và gia đình khi xây dựng công trình trên phần đất tranh chấp, lại có lời lẽ thách thức nên tuyên phạt bị cáo Quản Đắc Quý 5 năm 6 tháng tù, bị cáo Quản Đắc Thuý 5 năm tù.
 
Được biết, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm là thẩm phán Nguyễn Anh Huy, đại diện VKSND huyện Hoài Đức tham gia là bà Tống Thị Thu Hiền. Một mực kêu oan, các bị cáo đã làm đơn tố cáo gửi TAND Tối cao tố cáo đích danh thẩm phán Nguyễn Anh Huy, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm trong quá trình giải quyết vụ án nêu trên đã không triệu tập đủ các nhân chứng tại phiên tòa, gây bất lợi cho các bị cáo.
 
Sau đó, TAND Tối cao đã có Công văn số 222/TANDTC-BTTr gửi Chánh án TAND TP. Hà Nội cho biết: TAND Tối cao nhận được Đơn tố cáo đứng tên anh Quản Đắc Thúy và anh Quản Đắc Quý, địa chỉ tại thôn Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Nội), là các bị cáo trong vụ án hình sự sơ thẩm “Cố ý gây thương tích” do TAND huyện Hoài Đức xét xử ngày 25/6/2017.
 
Đơn đề nghị của nguyên cán bộ và nhân dân thôn Vân Côn minh oan cho các bị cáo Thúy và Quý.
Đơn đề nghị của nguyên cán bộ và nhân dân thôn Vân Côn minh oan cho các bị cáo Thúy và Quý.
 
Nội dung đơn tố cáo ông Nguyễn Anh Huy, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa hình sự sơ thẩm, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nêu trên đã không triệu tập đủ các nhân chứng tại phiên tòa, gây bất lợi cho các bị cáo và ngăn cản các bị cáo tranh tụng với đại diện Viện kiểm sát là vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Sau đó, TAND Tối cao đã chuyển nội dung đơn tố cáo của anh Quý, anh Thúy đến Chánh án TAND TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền.
 
Đây là vụ án không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận xã hội mà còn được các Đại biểu Quốc hội quan tâm. Đặc biệt, kỳ án này là một trong số các vụ án đã được nêu tại Nghị trường Quốc hội trong phiên họp toàn thể kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vào các ngày 06 và 07/11/2017 vừa qua. Nhiều Đại biểu Quốc hội lên tiếng yêu cầu xét xử công minh kỳ án này như: ĐBQH Dương Trung Quốc, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến.
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
 
Doãn Hưng - Văn Huy
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hoãn xử phúc thẩm 'kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án' là hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO