Hà Nội: Hàng chục doanh nghiệp tại CCN Phú Minh đề nghị kế hoạch di dời phù hợp!

07/04/2018 15:49

(TN&MT) - Các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại CCN Phú Minh, quận Bắc Từ Liêm đều nhất trí chủ trương di dời của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, kế hoạch di dời...

(TN&MT) - Các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại CCN Phú Minh, quận Bắc Từ Liêm đều nhất trí chủ trương di dời của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, kế hoạch di dời cần phù hợp và có cơ chế hỗ trợ giúp các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất tại địa điểm mới...

Nhiều hệ lụy nghiêm trọng

Liên quan đến vụ việc gần 30 doanh nghiệp đang thuê đất và nhà xưởng tại CCN Phú Minh kêu cứu khi đang phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa, thậm chí là phá sản vì chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tại khu vực cụm công nghiệp ra khỏi nội thành và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất công nghiệp sang phát triển đô thị của TP. Hà Nội, đơn vị được giao thực hiện là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà (Công ty Việt Hà).

Để hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại CCN Phú Minh về việc di dời, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã đến tìm hiểu và có cuộc trao đổi với một số đại diện doanh nghiệp.

Theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, tại CCN Phú Minh hiện có rất nhiều công trình, nhà xưởng kiên cố, được xây dựng khá hiện đại mang tính chất sản xuất lâu dài vì vậy việc di dời đến địa điểm mới sẽ mất rất nhiều thời gian, đó là còn chưa nói đến việc khiến các doanh nghiệp thiệt hại rất lớn tài chính.
Hà Nội: Hàng chục doanh nghiệp tại CCN Phú Minh cần kế hoạch di dời phù hợp!
Công ty CP In và Bao bì Goldsun tại CCN Phú Minh có cơ sở và dây chuyền sản xuất hiện đại, vì vậy việc di dời sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn kém.
Chia sẻ với PV, ông Phạm Văn Duyến - Giám đốc Công ty TNHH Duyến Hải cho biết, Công ty đã ký hợp đồng thuê đất tại CCN Phú Minh từ năm 2008 và đã đầu tư vào đó gần 10 tỷ đồng, hiện đang có hàng trăm lao động đang làm việc tại công ty.

"Vừa rồi, Công ty Việt Hà thông báo về việc di dời các cơ sở sản xuất trong CCN Phú Minh theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội thì chúng tôi vô cùng hoang mang. Chúng tôi và hàng trăm lao động sẽ không biết sẽ đi đâu về đâu vì hiện tại lao động và cả gia đình lao động đều ở đó, nếu doanh nghiệp di dời thì người lao động rất vất vả, không đủ điều kiện để theo cùng doanh nghiệp'', ông Duyến nói.

"Nếu chuyển địa điểm mới thì các địa chỉ giao dịch sẽ thay đổi liệu các đối tác, khách hàng có còn tin tưởng để tiếp tục hợp tác không. Đó là còn chưa kể việc phải dừng sản xuất trong quá trình di dời sẽ làm thiệt hại rất nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty, không có tiền trả ngân hàng chúng tôi sẽ trên bờ vực phá sản'', ông Duyến nói thêm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Liên - Tổng giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm Thiên Hồng cũng bày tỏ sự hoang mang và lo lắng trước yêu cầu di dời cơ sở sản xuất của Công ty Việt Hà.

''Trong gần 20 năm qua, từ khi các doanh nghiệp chúng tôi được thuê nhà xưởng tại khu Trại Gà (cụm công nghiệp ngày nay) cho đến nay đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị sản xuất và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động địa phương, trong đó có cả các cán bộ, công nhân cũ của Trại Gà bị thất nghiệp'', bà Liên chia sẻ.

Cũng theo bà Liên, việc di dời sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công ăn việc làm của người lao động, sẽ dẫn tới khả năng hàng nghìn người mất việc làm hoặc phải tìm công việc mới. Đối với các doanh nghiệp có khách hàng lớn ở nước ngoài thì thời gian dừng sản xuất để đến địa điểm mới làm mất nguồn hàng cung cấp cho họ dẫn tới vi phạm hợp đồng, mất mối làm ăn và hậu quả sẽ rất lớn.
Hà Nội: Hàng chục doanh nghiệp tại CCN Phú Minh cần kế hoạch di dời phù hợp!
Công ty CP chế biến thực phẩm Thiên Hồng đứng trước nguy cơ phá sản nếu không có lộ trình di dời hợp lý.
"Hiện chúng tôi cũng chưa biết di dời đi đâu vì chủ trương quá đột ngột. Khi phải di dời thì thời gian tháo dỡ máy móc, thiết bị của chúng tôi có thể phải kéo dài nhiều tháng, thậm chí sau khi di chuyển lại cần thêm nhiều tháng nữa để lắp đặt, vận hành ổn định trở lại. Hơn nữa chi phí di dời là hết sức tốn kém, trong khi doanh nghiệp vừa không có doanh thu do dừng sản xuất lại vẫn phải chi trả lương cho người lao động thì chúng tôi không biết lấy tiền đâu ra'', bà Liên bày tỏ.

Bà Liên cũng cho biết, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp ở đây để có vốn sản xuất kinh doanh đều phải đi vay vốn tại các tổ chức tín dụng, một trong các tài sản thế chấp để vay vốn là dây chuyền máy móc và nguyên vật liệu sản xuất. "Nếu buộc chúng tôi di dời thì ngoài việc chúng tôi không có tiền trả lãi vay và tiền gốc thì tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng cho chúng tôi vay vốn có nguy cơ bị mất phần lớn giá trị, dẫn đến việc nợ xấu'', bà Liên phân tích.

"Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có lộ trình di dời phù hợp để kịp có thời gian chuẩn bị, giảm thiểu sự ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công ăn việc làm của người lao động. Ngoài ra, cũng cần phải có cơ chế hỗ trợ cho việc di dời, hỗ trợ các chi phí thiệt hại mất mát cho chúng tôi trong quá trình di dời'', đại diện Công ty CP chế biến thực phẩm Thiên Hồng cầu khẩn.

Kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, sáng 06/04, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với đại điện UBND quận Bắc Từ Liêm, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà (Công ty Việt Hà) và các doanh nghiệp thuê đất trong CCN Phú Minh để trao đổi, thống nhất giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến kiến nghị của 27 doanh nghiệp đang thuê đất và nhà xưởng tại đây. Cuộc họp do Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Đỗ Thanh Tuấn - Phó giám đốc Công ty Việt Hà cho biết, việc Công ty ra thông báo đối với các doanh nghiệp trong khu Phú Minh phải thực hiện việc di dời là thực hiện theo chủ trương của UBND TP. Hà Nội để chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của thành phố.

''Ngày 15/04/2010, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 2593/UBND-KH&ĐT chấp thuận chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tại khu vực cụm công nghiệp Phú Minh ra khỏi nội thành và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất công nghiệp sang phát triển đô thị để phù hợp với quy hoạch chung'', ông Tuấn nói.
Quang cảnh cuộc họp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Minh.
Quang cảnh cuộc họp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Minh.
Vị này cũng phủ nhận việc khu Phú Minh là cụm công nghiệp vì chưa có quyết định thành lập mà sau khi được giao Công ty Việt Hà mới chỉ chuẩn bị đầu tư. Đồng thời ông Tuấn cũng xác nhận sau khi có thông báo về việc thanh lý hợp đồng thuê đất, nhà xưởng để thực hiện việc di dời thì các doanh nghiệp cũng đã có ý kiến không đồng ý. Các doanh nghiệp chỉ chấp thuận khi có lộ trình di dời phù hợp và được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất.

''Căn cứ các điều khoản trong hợp đồng đã ký, Công ty sẽ tiến hành thương thảo, bàn bạc cụ thể với từng doanh nghiệp để thống nhất tiến độ di dời. Các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm địa điểm mới phù hợp bởi theo hợp đồng đã ký kết thì Công ty Việt Hà không có trách nhiệm phải giới thiệu địa điểm mới khi thực hiện chủ trương của UBND TP. Hà Nội'', ông Tuấn nói.

Cũng tại cuộc họp, đại diện cho hàng chục doanh nghiệp đang thuê đất, nhà xưởng tại CCN Phú Minh, ông Hoàng Chí Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Hoa Việt cho rằng, bản thân CCN Phú Minh có cơ sở vật chất, đường xá, nhà xưởng hiện đại cho đến nay là do các doanh nghiệp đóng góp, xây dựng với một số tiền rất lớn. Nếu phải di dời theo thông báo của Công ty Việt Hà thì không thể làm được và đương nhiên các doanh nghiệp sẽ phá sản và hàng nghìn công nhân sẽ mất việc làm.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà, chủ đầu tư Cụm công nghiệp Phú Minh.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà, chủ đầu tư Cụm công nghiệp Phú Minh.
"Chúng tôi ủng hộ chủ trương của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng phải giới thiệu địa điểm mới cho các doanh nghiệp, có lộ trình di dời phù hợp để không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và cần phải có phương án hỗ trợ kinh phí di dời, chi phí đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại cụm công nghiệp'', ông Dũng nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hằng - Phó giám đốc điều hành Công ty CP In và Bao bì Goldsun cũng bức xúc cho biết, trong giấy phép đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp đều công nhận khu đất đang sử dụng làm cơ sở sản xuất là CCN Phú Minh.

"Các doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào cụm công nghiệp để mở cơ sở sản xuất, đều nộp thuế và hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, giờ phía Công ty Việt Hà yêu cầu thanh lý hợp đồng trong khi hợp đồng thuê đất của Công ty chúng tôi đến năm 2027 mới hết hạn'', bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, việc thông báo thanh lý hợp đồng của Công ty Việt Hà là thiếu trách nhiệm khi không có thỏa thuận với doanh nghiệp, bản thân Công ty CP In và Bao bì Goldsun không được mời họp thông báo về việc di dời cũng như việc thanh lý hợp đồng.

"Khi biết có thông báo phải di dời cơ sở sản xuất chúng tôi rất lo lắng vì không biết đi đâu, không có kế hoạch gì cả. Chúng tôi không chống đối với quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng cần có một cách giải quyết thỏa đáng để giảm thiểu tối đa thiệt hại mà doanh nghiệp gánh phải khi thực hiện di dời'', bà Hằng chia sẻ.

Đại diện Công ty CP In và Bao bì Goldsun cũng cho biết, nếu thực hiện việc di dời lúc này không khác nào đánh đố doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn khi không có cơ sở sản xuất mới và không có nguồn hàng cung cấp cho đối tác, bị phạt vi phạm hợp đồng sẽ gây thiệt hại rất nặng nề chứ chưa nói đến các vấn đề an sinh xã hội khác.

Kết luận cuộc họp, ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, đa số các doanh nghiệp đều đồng tình và nhất trí cao đối với chủ trương của UBND TP. Hà Nội về việc di dời nhưng cần phải có lộ trình, kế hoạch phù hợp để doanh nghiệp có thời gian, nguồn lực chuẩn bị và mong muốn được Nhà nước và Công ty Việt Hà có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi thực hiện việc di dời.

''Các kiến nghị của doanh nghiệp là hết sức chính đáng và hợp lý. Chúng tôi ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để xem xét báo cáo với UBND TP. Hà Nội để có quyết định thấu tình đạt lý'', ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng đề nghị Công ty Việt Hà cần phải lên kế hoạch, phương án di dời thật chi tiết, hợp lý và tham khảo các ý kiến của các doanh nghiệp trong CCN Phú Minh để các doanh nghiệp thuận lợi trong việc di dời, giúp các doanh nghiệp giảm thiệt hại đến mức tối đa trong quá trình di chuyển đi nơi khác.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hàng chục doanh nghiệp tại CCN Phú Minh đề nghị kế hoạch di dời phù hợp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO