Theo Kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu không có thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong thời gian vừa qua; 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn thành phố được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai đối các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.
Đồng thời, nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống, thiên tai, đê điều, hồ đập, đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng các tác động mới của thiên tai. Chủ động dự báo, cảnh báo, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư có nguy cơ cao, khu tập trung đông dân cư, trọng điểm kinh tế xã hội.
100% các ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu nước được lắp đặt các thiết bị cảnh báo và 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn.
Tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể. Phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trong nhà trường ở tất cả các cấp học, nhất là cấp tiểu học và Trung học cơ sở.
Rà soát, điều chỉnh, quản lý chặt chẽ quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất, nhất là sử dụng đất bãi sông để bảo vệ không gian thoát lũ. Nâng cao mức bảo đảm an toàn chống lũ cho hệ thống đê sông, hồ chứa nước trên địa bàn Thành phố.
Điều chỉnh quy hoạch, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học cống nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp đặc điểm vùng miền, thích ứng tình hình thiên tai, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiệt hại sản xuất.