Hà Nội đựợc đánh giá là có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, không chỉ về thành phần động, thực vật (ngành, họ, chi, giống, loài) mà còn về Hệ sinh thái (HST) và nguồn gen quý hiếm. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, chương trình bảo tồn nguồn gen đã bảo tồn và lưu giữ hơn 14.000 nguồn gen của hơn 2000 loài cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây dược liệu... Một bộ phận quan trọng của các giống này là nguồn gen bản địa với nhiều đặc tính quý. Tuy nhiên vì nhiều lý do, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ suy giảm ĐDSH.
Hội thảo tập trung đề cập tới những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô và thực trạng môi trường hiện nay. Sự tác động của môi trường đến hệ sinh thái Thủ đô, trước sự du nhập sinh vật ngoại lai và sinh vật bản địa. Theo GS. TS Mai Đình Yên - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Thủ đô, hiện Hà Nội có 21 loài xâm hại ngoại lai. Vấn đề loại trừ sinh vật ngoại lai xâm hại là vấn đề rất khó khăn, điều cần thiết là phải phân loại theo danh sách từng giống loài.
Đồng thời các đại biểu đã tham luận về quy hoạch bảo tồn thủ đô, cộng đồng thủ đô hưởng ứng phong trào vinh danh Cây Di sản VN, ảnh hưởng của các loại chất diệt côn trùng tới môi trường; ô nhiễm chất thải nhựa...
Kết thúc hội thảo GS, TS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội thống nhất khuyến nghị đến thành phố Hà Nội cần chú trọng các hoạt động cụ thể để nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường; thực hiện đầy đủ và đồng bộ các dự án, nhiệm vụ của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đã được phê duyệt; xây dựng thành công, thực hiện tốt quy hoạch môi trường của Hà Nội vừa được Chủ tịch UBND thành phố, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí tiến hành; chú trọng nâng cao vai trò của Vườn Quốc gia Ba Vì; phát triển bền vững các phong trào bảo vệ môi trường, bao gồm phong trào bảo tồn cây di sản, cây xanh của Thủ đô; tổ chức thực hiện có kết quả Luật Thủ đô…