Hà Nội: Công ty Bảo Sơn bị tố đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài rồi 'bỏ rơi'

12/12/2017 00:00

(TN&MT) - Công ty TNHH xuất khẩu lao động Bảo Sơn bị tố tuyển dụng, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng khi lỡ sang nước bạn người lao động muốn được về...

(TN&MT) - Công ty TNHH xuất khẩu lao động Bảo Sơn (Trụ sở tại số 50 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) bị tố tuyển dụng, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng khi lỡ sang nước bạn người lao động muốn được về nước thì phải đóng cho công ty một khoản tiền lớn mới được đưa trở về Việt Nam.
 
Báo Tài nguyên và Môi trường nhận đơn thư kêu cứu của bà Hồng Thị Loan Anh (trú tại phường 14, quận 4, TP. HCM) phản ánh về việc người thân là bà Nguyễn Thị Hiệp (chị dâu) bị mất tích tại Ả Rập Xê Út đã nhiều tháng nay.
 
Sau đó, bà Loan Anh muốn tìm chị Hiệp để đưa về Việt Nam nên đã liên hệ với phía Công ty TNHH xuất khẩu lao động Bảo Sơn (gọi tắt là Công ty Bảo Sơn) đề nghị được giải quyết nhưng tới nay yêu cầu khẩn thiết của gia đình vẫn chưa được phía doanh nghiệp đáp ứng.
 
Trong đơn thư kêu cứu, của bà Loan Anh cho biết, vào khoảng tháng 10/2016, khi gia đình bà gặp khó khăn nên gia đình đã nghe lời của một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hiếp (trú tại số 78/35/18 đường Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4, TP. HCM) khuyên đi làm ở nước ngoài sẽ có lương cao (khoảng 10 triệu đồng/tháng).
 
"Sau đó, chị dâu tôi (tức bà Hiệp) và bà Hiếp cùng ra Hà Nội để qua Công ty TNHH xuất khẩu lao động Bảo Sơn (trụ sở tại số 22, ngõ 245 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) trao đổi làm làm hợp đồng lao động để chị Hiệp sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc gia đình cải thiện cuộc sống và kinh tế gia đình bớt khó khăn", bà Loan Anh cho biết.
 
Công ty TNHH xuất khẩu lao động Bảo Sơn
Phòng gia dịch của Công ty TNHH xuất khẩu lao động Bảo Sơn.
 
Chia sẻ với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Loan Anh cho biết, đến ngày 05/12/2016, bà Hiệp ra Hà Nội và được ông Vũ Đình Duy xưng là Phó giám đốc Công ty Bảo Sơn đưa ra sân bay để sang Ả Rập Xê Út. "Từ đó đến tháng 4/2017, chị Hiệp có gọi điện thoại về nhà và cho biết là chị phải làm việc trong gia đình khó tính, ngược đãi thân thể. Công việc nặng nhọc và cực khổ và quá sức lao động. Mỗi ngày phải làm từ 6h sáng đến 2-3h sáng ngày hôm sau. Ngoài ra, chủ nhà không cho ăn uống đầy đủ, nhiều khi bị ngất xỉu", bà Loan Anh chia sẻ.
 
"Chị Hiệp còn nói với chúng tôi là chủ nhà bên đó không cho sử dụng điện thoại và dọa nếu dùng sẽ bán sang cho chủ khác. Không những vậy, chủ nhà còn nợ lương, làm 1 năm mới được lĩnh 4 tháng lương. Trong khi đó, theo như Công ty Bảo Sơn nói ban đầu là 10 triệu VNĐ/ tháng, nhưng lĩnh thực tế chỉ hơn 7 triệu VNĐ/ tháng", bà Loan Anh cho biết.
 
Cũng từ tháng 4/2017 đến nay, gia đình bà Loan Anh mất liên lạc với bà Hiệp nên gia đình tỏ ra hết sức lo lắng và bất an và tìm mọi cách để tìm. "Vào khoảng tháng 4/2017, anh Hồng Quất Tiếng (chồng bà Hiệp - PV) đã liên hệ với ông Đặng Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Bảo Sơn để yêu cầu được giải quyết nhưng lại nhận được yêu cầu phải chuyển 50 triệu đồng thì công ty mới đưa chị Hiệp về Việt Nam", bà Loan Anh chia sẻ.
 
"Sau khi chạy vạy, vay mượn được 50 triệu đồng thì anh Tiếng mới gọi cho ông Tuấn thì vị này hẹn lên hẹn xuống và cho biết chị Hiệp bỏ trốn và ở đang ở đồn công an. Nghe vậy gia đình càng bất an và liên tục liên hệ với phía Công ty Bảo Sơn nhưng vẫn chưa có câu trả lời hay thông tin nào. Gia đình rất mong các cơ quan chức năng xem xét và can thiệp để chị tôi được về Việt Nam an toàn và đoàn tụ với gia đình", chị Loan Anh cho biết.
 
Bà Nguyễn Thị Hiệp - người lao động được Công ty Bảo Sơn đưa ra nước ngoài làm việc hiện đang
Bà Nguyễn Thị Hiệp - người lao động được Công ty Bảo Sơn đưa ra nước ngoài làm việc hiện đang "mất tích".
 
Ghi nhận những phán ánh của bà Hồng Thị Loan Anh, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ và đặt lịch làm việc với Công ty Bảo Sơn, tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua PV vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ lãnh đạo của công ty.
 
Để làm rõ về trách nhiệm của Công ty Bảo Sơn trong vấn đề quản lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bảo vệ thân thể và tính mạng của người lao động ở nước ngoài, PV Báo Tài nguyên và Môi trường cũng đã liên hệ trao đổi với đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). 
 
Theo đó, trả lời về vấn đề này, bà Trần Thị Vân Hà – Trưởng phòng thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết về trường hợp của bà Hiệp hiện vẫn chưa giải quyết xong, bên phòng chuyên môn đang xử lý. 
 
"Về vấn đề giải quyết trước hết là về phía Công ty xuất khẩu lao động, trường hợp nếu công ty không giải quyết thì người nhà gửi đơn lên Cục Quản lý lao động ngoài nước, thì Cục sẽ chỉ đạo và tham mưu cho Công ty giải quyết chứ Cục không giải quyết thay cho từng trường hợp của Công ty", bà Hà nói.
 
Trước câu thái độ thờ ơ, thiếu trách của Công ty TNHH xuất khẩu lao động Bảo Sơn về việc bảo vệ quyền lợi của chính người lao động mà công ty đã bảo lãnh đưa ra nước ngoài làm việc và câu trả lời của vị đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, dư luận đang rất lo ngại cho tính mạng cũng như cuộc sống của bà Hiệp. Thiết nghĩ, các đơn vị chức năng, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, kiểm tra để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động khi ra nước ngoài làm việc.
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
 
 
Doãn Hưng - Đức Mậu
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Công ty Bảo Sơn bị tố đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài rồi 'bỏ rơi'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO