Hà Nội chủ động vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tiếp đà tăng trưởng kinh tế

Bài và Ảnh: Phạm Oanh| 20/07/2021 13:00

(TN&MT) - Xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình thực tế, chuẩn bị kỹ lưỡng và tích trữ hàng hoá đầy đủ phục vụ người dân khi dịch bệnh bùng phát… đang là những giải pháp được thành phố Hà Nội áp dụng hiệu quả để vừa chủ động phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, dự trữ hàng hoá phục vụ người dân

Những ngày gần đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; tại Hà Nội, số ca nhiễm mới trong cộng đồng cũng tăng nhanh, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành công điện số 15/CĐ-UBND về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 19/7 trên địa bàn toàn Thủ đô.

Lượng hàng hóa và “sức” mua của người dân từ các chợ dân sinh đến các siêu thị đều không có nhiều biến động kể sau khi thành phố Hà Nội ban hành công điện số 15/CĐ-UBND.

Ghi nhận thực tế trong ngày đầu thực hiện công điện nhận thấy, khác với các đợt trước, lần này, người dân và các doanh nghiệp ở Thủ đô đã “bình tĩnh” hơn và không còn hoang mang khi thành phố áp dụng các biện pháp cấp bạch phòng, chống dịch. Ngoài yếu tố kinh nghiệm đã trải qua các đợt dịch trước, kết quả trên là thành quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng của thành phố, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố trong việc chủ động tìm nguồn hàng, tích trữ hàng hoá phục vụ người dân khi cần thiết.

Ngoài ra, từng điểm bán hàng cũng đang thực hiện trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân… đồng thời sẵn sàng cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng trên địa bàn trong mọi tình huống.

Theo nhận định, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội vẫn đang trong tầm kiểm soát nên nên việc cung ứng hàng hóa đang thuận lợi. Một số nhà máy sản xuất, chế biến mới đạt 60% công suất và sẵn sàng nâng lên 100% khi có nhu cầu.

Hơn nữa, trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, thành phố đã chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang chủ động tấn công theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng; Tổ chức thực hiện tốt việc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly các ca nghi nhiễm và kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm; thành phố cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh đó, trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Xứng tầm trái tim của cả nước trong phòng, chống dịch và tăng trưởng kinh tế

Kỳ vọng này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đặt ra cho thành phố Hà Nội tại buổi làm việc với TP. Hà Nội mới đây về công tác phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.

Lượng hàng hóa và “sức” mua của người dân từ các chợ dân sinh đến các siêu thị đều không có nhiều biến động kể sau khi thành phố Hà Nội ban hành công điện số 15/CĐ-UBND.

Quả thực, thành phố Hà Nội đã phần nào chứng minh kỳ vọng này của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở khi trong 6 tháng đầu năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố có nhiều tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm 2020.

Tiếp đà phát triển trên, nửa cuối năm 2021, thành phố Hà Nội xác định xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế và sẽ nỗ lực, cố gắng để đạt được mức tăng trưởng cao nhất. Trong đó, thành phố đã đặt ra kịch bản tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đến quý III mới kiểm soát được dịch và đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung cao độ thực hiện quyết liệt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu Quý III đạt khoảng 60%, Quý IV đạt 100% kế hoạch vốn đã giao; Tiếp tục ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030; Cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố lên mức 42% để đảm bảo mặt bằng chi và nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022 - 2025.

Bên cạnh đó, qua thực tiễn từ tình hình dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, rau xanh và thực phẩm tươi sống đang thiếu, vì vậy, thành phố Hà Nội sẽ tập trung khuyến khích các huyện ngoại thành chuyển đổi cây trồng sang trồng các loại rau sạch ngắn ngày, kết hợp với tang cường chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản….để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ các tỉnh thành khác.

Lường trước được lộ trình dịch bệnh có thể tiếp diễn trong một thời gian dài (có thể là hết năm), lãnh đạo thành phố đã yêu cầu ngành nông nghiệp cần tính toán, xây dựng, rà soát năng lực sản xuất để có phương án tổ chức sản xuất cho phù hợp.

Những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thành phố Hà Nội đang đặt ra ngắn có, dài có, nhưng trên tất cả, thành phố luôn xác định nhiệm vụ ưu tiên số một là phòng, chống dịch Covid-19, coi bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng người dân là trên hết, trước hết; phát huy tối đa ý chí tự lực, tự cường, “chống dịch như chống giặc”; quyết tâm bảo vệ Thủ đô không để dịch diễn biến xấu.

Từ năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, ngành công thương đã xây dựng 5 phương án liên tục bám sát tình hình dịch để có phương án sát nhất thực tiễn. Với Hà Nội, Sở Công thương đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng 1 tháng với giá trị 21.000 tỷ đồng, từ đó, đề xuất doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên gấp 3 và dự trữ từ đầu năm với khoảng 194.000 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chủ động vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tiếp đà tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO