Hà Nam: Trại lợn C.P kề sát... nhà máy nước sạch

09/06/2016 00:00

Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, các trang trại, khu chăn nuôi tập trung phải nằm cách khu dân cư từ 500m trở lên, song trên thực tế, hầu hết các trang trại chăn nuôi gia công cho C.P đều chỉ nằm cách khu dân cư… 100m.

Trại lợn ở trên, nhà máy nước sạch ở dưới

Huyện Bình Lục (Hà Nam) được coi là “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc. Ngoài các hộ chăn nuôi theo mô hình truyền thống, tại đây còn có 7 trại lợn gia công cho C.P, có trại lên đến 2.000 - 3.000 lợn thịt, nái/lứa.

Toàn cảnh trại lợn C.P của ông Trần Quốc Cường (Quyên) ở xã Tràng An (Bình Lục, Hà Nam)
Toàn cảnh trại lợn C.P của ông Trần Quốc Cường (Quyên) ở xã Tràng An (Bình Lục, Hà Nam)

Trước đó, năm 2009, UBND huyện Bình Lục tiến hành xây dựng nhà máy nước sạch tại thôn 3, xã An Ninh (Bình Lục), nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các xã lân cận. Cùng thời gian trên, huyện cũng đồng ý phê duyệt vị trí xây dựng trang trại chăn nuôi lợn gia công C.P cho ông Trần Mạnh Thắng, ở thôn 8, xã An Ninh. Điều đáng nói là, vị trí xây dựng trại lợn lại nằm ở phía thượng nguồn sông Đáy, cách nhà máy nước chỉ khoảng vài trăm mét.

Khi xây dựng trại lợn này, người dân thôn 3 đã nhiều lần kiến nghị lên thôn, xã, thậm chí lên cả huyện vì trại lợn này nhiều năm nay đã xả thải trực tiếp ra sông Đáy, gây ô nhiễm trầm trọng.

Theo quy định, các trang trại chăn nuôi phải cách khu dân cư ít nhất 500m. Song trang trại này nằm đối diện khu dân cư và cách chưa đầy 100m. Chính vì vậy, những ngày nắng nóng, trời nồm, người dân thôn 3, 4… luôn phải sống trong cảnh ngột ngạt mùi phân lợn. Khổ nhất là trẻ con, thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp…

Ông Nguyễn Ngọc Soài, trú thôn 3, xã An Ninh bức xúc: “Chúng tôi kiến nghị mãi nhưng họ không giải quyết, bây giờ thì chán rồi. Môi trường ngày càng ô nhiễm bởi trại ngày càng nuôi nhiều lợn. Không chỉ khu vực này chịu ảnh hưởng, người dân xã Nhân Mỹ (Lý Nhân) ở bên kia bờ sông Đáy cũng phải gánh chịu. Bên đó họ tố cáo mạnh lắm, nhưng không hiểu sao chính quyền vẫn không giải quyết”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Trưởng phòng TNMT huyện Bình Lục thừa nhận, một số trại lợn nuôi gia công cho C.P đang gây ô nhiễm là có thật và Phòng cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý. “Hiện với trại lợn của anh Trần Mạnh Thắng, chúng tôi đang phối hợp với Sở TNMT tỉnh kiểm tra, xử lý. Riêng trang trại của ông Trần Quốc Cường (Quyên) và trang trại của ông Trần Quốc Hùng (Hoàn), phòng đã nhiều lần phát hiện việc xả thải và xử phạt, song năm nay chưa “rà” lại” – bà Thoa cho hay.

Lần theo tường bao của trang trại, chúng tôi đã phát hiện ra vị trí cống xả thải của trại lợn này xả ra sông Đáy (thôn 3, xã An Ninh). Tại thời điểm chúng tôi tới, tuy cống đã được bịt lại bằng các bao tải đất, nhưng dấu vết để lại là những vũng nước thải, phân lợn, cho thấy cách đây không lâu, từ cống này nước thải, phân lợn từ bể chứa đã được thải ra.

Vì tường xây rất cao, để quan sát chúng tôi đã trèo lên một cây sấu cạnh đó. Trước mắt chúng tôi là 3 - 4 bể thải sát bờ tường, rộng hàng trăm mét vuông, phân lợn tươi lênh láng và đặc quánh, bốc mùi nồng nặc. Quan sát chúng tôi nhận thấy, tất cả phân, nước thải ở các dãy chuồng đều được thải ra các bể này qua một đường mương đã quá tải, ngập ngụa phân, nước.

Nhức nhối vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đến UBND xã An Ninh (ngày 27.5), nhưng ông Trần Tất Sáu – Chủ tịch UBND xã không có ở trụ sở. Liên lạc với ông qua điện thoại, ông Sáu hẹn cuối giờ chiều. Đến giờ chúng tôi đến UBND xã An Ninh, nhưng không thấy ông đâu, gọi điện ông không nghe máy. Sau đó ông nhắn tin: “Tôi chuyển công tác, tôi nghỉ hưu rồi”.

Trái ngược với thông tin tự nhận mình đã nghỉ hưu của ông Sáu, trao đổi với chúng tôi Trần Xuân Dũng – Chủ tịch UBND huyện Bình Lục xác nhận: “Hiện ông Trần Tất Sáu vẫn là Chủ tịch UBND xã An Ninh, anh ấy vừa họp ở huyện hôm qua (ngày 2.6). Tôi không hiểu sao anh ấy lại nói vậy”. Đồng thời ông Dũng hứa sẽ trao đổi lại với ông Sáu về sự việc này.

Bể biogas lâu ngày quá tải, khiến nhiều trại lợn nuôi gia công cho C.P ở Bình Lục (Hà Nam) đang gây ô nhiễm trầm trọng
Bể biogas lâu ngày quá tải, khiến nhiều trại lợn nuôi gia công cho C.P ở Bình Lục (Hà Nam) đang gây ô nhiễm trầm trọng

Ông Dũng cũng thừa nhận, việc ô nhiễm trong chăn nuôi ở huyện đang là vấn đề nhức nhối, trong đó việc một số trại nuôi gia công cho C.P xả thải ra môi trường cũng đang gây bức xúc cho người dân.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời sẽ có chế tài mạnh, nếu các trang trại cố tình vi phạm nhiều lần” – ông Dũng nói.

Rời trang trại của ông Thắng, theo phản ánh của người dân chúng tôi tìm đến trại lợn của ông Trần Quốc Cường và ông Trần Quốc Hùng ở thôn An Thái, xã Tràng An, Bình Lục. Hai trại lợn này nằm cạnh nhau, trên diện tích khoảng 9ha. Được biết, ông Cường là anh trai ông Hùng.

Ông Nguyễn Văn Khoa - một hộ dân gần hai trại lợn cho biết, từ nhiều năm nay hai trại lợn này thường xuyên xả thải ra con mương theo đường cống ngầm dưới đáy sông, gây ô nhiễm nguồn nước rất trầm trọng.

“Nếu các anh đến cách đây 2 ngày, con mương vẫn còn đen kịt phân lợn. Hôm qua, họ vừa bơm nước vào nên nước phân lợn trôi đi rồi. Có hôm họ thải ra mương, tôi không để ý bịt cống ao, nước thải chảy vào thấy có lợn chết nổi mới phát hiện ra. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện, nhưng không thấy giải quyết”.

Phóng viên liên hệ với ông Cường, ông Cường bảo ông đã giao lại cho ông Quyên (là em vợ). Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với ông Quyên thì ông cho biết mình đang đi công tác, mọi việc phóng viên cứ trao đổi với bà Nga là vợ ông Cường.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nga thừa nhận việc xả thải, gây ô nhiễm của trang trại là có. “Nói không ô nhiễm là không phải, chăn nuôi trang trại nào mà không ô nhiễm, có điều ô nhiễm nhiều hay ít thôi. Chúng tôi cũng đã cố gắng để nước thải qua bể lắng, nhưng lâu ngày bể cũng đầy rồi. Tôi đang định hút chất thải lên vườn, nhưng kinh phí lớn quá nên chưa làm” – bà Nga cho biết.

Còn ông Hùng một mực khẳng định trang trại của ông là sạch. “Trang trại của tôi lớn, trong trang trại trồng nhiều cây, phân cũng chỉ đủ bón, tưới cho cây, chứ cần gì phải thải ra ngoài” – ông Hùng nói.

Song trước những thông tin chúng tôi cung cấp về bể thải, cống rãnh ngập ngụa phân, phân chất đầy bờ ruộng bên cạnh và chỉ rõ vị trí cống thải từ trang trại thải ra, ông Hùng phân trần: “Chúng tôi chỉ thải ra tý nước thừa thôi. Ở xã Ngọc Lũ, nhiều trang trại còn ô nhiễm hơn trại tôi nhiều. Tôi nuôi có mấy trăm con lợn đáng gì. Hơn nữa, tôi đã giao trang trại lại cho con trai là Trần Quốc Hoàn rồi”.

Cần thu phí môi trường

"Theo tôi được biết, khoảng 20 năm nay, cái được mà C.P đem lại là làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi công nghiệp. Song giá trị, sản phẩm từ việc chăn nuôi này đem lại C.P hưởng hết, trong khi hậu quả môi trường mà các trang trại nuôi gia công cho C.P để lại rất nặng nề. Ở Vĩnh Phúc cũng đang có rất nhiều trang trại nuôi gia công cho C.P gây ô nhiễm, phân thải ra sông, mương, ruộng gây chết lúa, lốp lúa, người dân kiến nghị, kiện tụng rất mệt mỏi. Theo tôi Nhà nước cần xây dựng lại lộ trình với C.P, chẳng hạn như việc thu phí môi trường trên mỗi đầu lợn nái, kg lợn thịt chẳng hạn. Có như vậy, việc bảo vệ môi trường mới đảm bảo".

Ông Đào Xuân Hải  (xã Kim Long, Tam Dương, Vĩnh Phúc)

Lợi ích chỉ  thuộc về thiểu số

"Hiện tôi đang nuôi khoảng 4.000 lợn thịt theo mô hình khép kín. Khi đi vào hoạt động, tôi phải có hầm biogas đạt chuẩn, ngoài ra còn phải có bể lắng để lắng bã phân, nước trước khi thải ra môi trường. Trong khi đó, chính sách nhà nước đối với các công ty nuôi gia công cho các công ty nước ngoài lại không hề rõ ràng. Như việc không có quy định cụ thể trang trại đó phải đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường như thế nào? Vậy C.P đem lại lợi ích gì? Tôi nghĩ chỉ cho một bộ phận người tham gia chăn nuôi hưởng lợi, chứ nhà nước không thu được gì, trong khi phải gánh chịu hậu quả môi trường ô nhiễm rất nặng nề. Như tôi được biết, việc xử lý môi trường là rất khó khăn và chi phí rất lớn, đối với các trang trại lợn nuôi từ 1.000 con trở lên, để xử lý nước thải đạt chuẩn, chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng chứ không ít. Do đó, có thể C.P đang “lợi dụng” cơ chế chính sách của Việt Nam trong việc bảo vệ, xử lý môi trường để phát triển chăn nuôi".

Ông Nguyễn Trọng Long – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội)

Theo Dân Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam: Trại lợn C.P kề sát... nhà máy nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO