Hà Nam: Tăng cường xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy

28/06/2017 00:00

(TN&MT) - Với quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải đổ vào lưu vực sông Nhuệ - Đáy, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã kết hợp với Tổng cục Môi trường thực hiện Dự án: “Xây dựng mô hình xử lý nước thải hỗn hợp sinh hoạt/chế biến nông sản thực phẩm giàu chất hữu cơ với chi phí thấp áp dụng cho cụm dân cư thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy”. Qua quá trình triển khai và vận hành, mô hình đã gặt hái được thành công nhất định góp phần không nhỏ cho việc xử lý nước thải.

Được biết dự án “Xây dựng mô hình xử lý nước thải (XLNT) hỗn hợp sinh hoạt – chế biến nông thực phẩm giàu chất hữu cơ (nấu rượu, làm đậu, bánh đa, bún, miến, chăn nuôi…) với chi phí thấp, áp dụng cho cụm dân cư thuộc lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy” do Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT, Chi cục BVMT tỉnh Hà Nam; UBND huyện Duy Tiên; UBND các xã Châu Giang, Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên triển khai thực hiện trên địa bàn thôn Chuyên Thiện, xã Châu Giang trong vòng 3 năm (từ 2014 – 2016) với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp môi trường. Công suất xử lý nước thải của dự án là 1.200m3/ngày đêm.

Trong 60 ngày đầu vận hành thử nghiệm, Dự án thực hiện quá trình ủ, hoạt hóa, nhân giống vi sinh vật (tại bể yếm khí) và cho cây thủy trúc (tại bãi lọc ngầm) phát triển ổn định nên hiệu quả xử lý chưa đạt, thậm chí 1 số chỉ tiêu tại đầu ra của bể yếm khí còn cao hơn đầu vào như NH4+, PO43-, tổng N, tổng P.

Tuy nhiên trong thời gian tiếp theo, khi vi sinh vật tại bể yếm khí đi vào hoạt động ổn định, hệ thủy trúc tại bãi lọc ngầm trồng cây đã phát triển, thích nghi với nước thải, hiệu quả xử lý của hệ thống được nâng lên và dần ổn định. Sau 3 tháng vận hành thử nghiệm, hiệu suất xử lý COD ổn định từ 82,56 – 96,63%, BOD5 từ 85,77 – 97,14%, NH4+ đạt từ 63,77 – 98,92%. Nước thải sau xử lý có các chỉ tiêu phân tích đạt quy chuẩn cho phép theo QCVN 40: 2011/BTNMT, cột A.

Cán bộ của Tổng cục Môi trường tiến hành kiểm tra, nghiệm thu công trình (ảnh Bùi Hằng)
Cán bộ của Tổng cục Môi trường tiến hành kiểm tra, nghiệm thu công trình (ảnh Bùi Hằng)

Khi hệ thống đi vào hoạt động ổn định, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường) tổ chức lớp đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ cho địa phương. Ngoài ra Trung tâm cũng đã tiến hành tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Được biết, sau khi nghiệm thu, Tổng cục Môi trường đã bàn giao công trình cho Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp huyện Duy Tiên quản lý, vận hành. Thời gian đầu, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để đơn vị quản lý vận hành nắm được quy trình vận hành, quy trình bảo trì bảo dưỡng cũng như khắc phục các sự cố có thể xảy ra. Về lâu dài, để Dự án hoạt động có hiệu quả, cần huy động kinh phí từ nguồn xã hội quá như thu kinh phí XLNT của các hộ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi…

Thay mặt cho địa phương nơi triển khai Dự án và thụ hưởng kết quả của Dự án, Ông Nguyễn Đức Vượng, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã gửi lời cảm ơn tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường về sự quan tâm, giúp đỡ thường xuyên tới công tác bảo vệ môi trường của địa phương; đặc biệt là việc phê duyệt Dự án rất có ý nghĩa trong công tác xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại địa bàn huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Thay mặt UBND huyện Duy Tiên, Ông Nguyễn Đức Vượng cam kết sẽ chỉ đạo đơn vị tiếp nhận, vận hành Dự án phối hợp chặt trẽ với chủ đầu tư và nhà thầu thi công nhằm bảo đảm việc vận hành, duy trì một cách bền vững, có hiệu quả công trình sau đầu tư.

Theo đại diện Sở TN&MT Hà Nam được biết, thời gian tới, để bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Hà Nam không chỉ cần những dự án xử lý nước thải mà cần phải đẩy mạnh việc thực hiện các quy hoạch phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, nhất là quy hoạch các điểm dân cư nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra thanh tra, làm rõ trách nhiệm quản lý việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường  của các tổ chức, cá nhân và các cấp các ngành có liên quan; đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất không áp dụng biện pháp xử lý nước thải hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn quy định, đặc biệt là các cơ sở sản xuất đổ nước thải trực tiếp xuống các lưu vực sông; triển khai các giải pháp bảo vệ môi trương theo lộ trình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, để kịp thời nắm bắt tình hình nguồn nước cần phải theo dõi diễn biến môi trường nước trên địa bàn để có biện pháp xử lý khi có dấu hiệu ô nhiễm; phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội làm tốt công tác quản lý môi trường tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy; quy hoạch phát triển  làng nghề, di dời làng nghề truyền thống ra các khu tập trung.

Thái Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam: Tăng cường xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO