Hà Nam: Đẩy nhanh xử lý cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng

04/12/2014 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, Hà Nam đã triển khai nhiều chương trình hoạt động và phối hợp với các địa phương trong lưu vực nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ...

   
(TN&MT) - Hà Nam là tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ- Đáy. Vì vậy, thời gian qua,  Hà Nam đã triển khai nhiều chương trình hoạt động và phối hợp với các địa phương trong lưu vực  nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
   
Tập trung nguồn lực, cải thiện cơ sở ô nhiễm
   
  Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam được biết, tính đến tháng 9 năm 2014, có 2/4 cơ sở đã hoàn thành các công trình xử lý ô nhiễm triệt để là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Phủ Lý và Bệnh viện Đa khoa Hà Nam được xác nhận ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện, vẫn còn hai cơ sở đang tích cực triển khai xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
   
   
Một đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận ở Hà Nam đang được cải tạo.
   
  Trong số 13 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh, cấp huyện nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có 10 bệnh viện đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành lò đốt hoặc lò hấp rác thải y tế và 8 cơ sở đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đưa vào sử dụng. Còn lại 5 bệnh viện chưa lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải do chưa có nguồn kinh phí triển khai.
   
  Đối với các làng nghề mới phát sinh trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có làng nghề dệt nhuộm Hòa Hậu đã được lập dự án đầu tư cùng với dự án của làng nghề dệt nhuộm Nha Xá với phương án xây dựng cơ sở hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp Hòa Hậu với diện tích 1,542ha và đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung với công suất 200 mét khối.
   
  Bên cạnh đó, tăng cường việc rà soát phân loại  xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường  nghiêm trọng mới phát sinh trên địa bàn, như: nước thải sinh hoạt đô thị  của thành phố Phủ Lý, thị trấn Kiện Khê, Bình Mỹ, Hoà Mạc, Vĩnh Trụ; bệnh viện đa khoa tuyến huyện, bệnh viện tâm thần, viện mắt, bệnh viện da liễu... nhằm đánh giá chính chính xác tổng lượng chất thải rắn không nguy hại và nguy hại phát sinh trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, lượng nước thải phát sinh, hệ thống xử lý nước thải tại các KCN, cụm CN và các cơ sở chế biến kinh doanh; tình hình cấp phép hành nghề thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu huỷ chất thải nguy hại.Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam, có 60% lượng chất thải rắn được xử lý, 2/3 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, 1/3 khu công nghiệp còn lại đang xây dựng, 85% số dân nông thôn và100% dân số ở đô thị được dùng nước hợp vệ sinh.
   
Xử nghiêm cơ sở cố tình vi phạm
   
  Nhận thức được những nguy hại do ô nhiễm môi trường gây ra với lưu vực hai con sông UBND tỉnh Hà Nam đã phối hợp với TCMT tiến hành thanh tra công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó theo Phòng PC49 - Hà Nam cũng cho biết, ngay tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy, trong khoảng 34 KCN, CCN, cụm tiểu thủ công nghiệp, đô thị.... có đến 18 doanh nghiệp thường xuyên xả nước thải, 5 doanh nghiệp có nguồn nước thải nguy hại. 18 vụ liên quan đến lĩnh vực môi trường bị phạt là 156 triệu đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm chấp hành công tác quản lý Nhà nước 14 vụ, xả thải ra môi trường 3 vụ, các hành vi khác 1 vụ.
   
  Đối với 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được phân loại theo Thông tư số 07/2007/TT – BTNMT thì hiện nay đã có 9 cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành lò đốt rác thải y tế bệnh viện và có 6 cơ sở đã hoàn thành dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đưa vào sử dụng.
   
  Công tác xử lý chất thải rắn cũng được tỉnh quan tâm chú trọng với việc xây dựng hai nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp. Trong đó có 1 nhà máy tại xã Duy Minh với công nghệ lò đốt 2 buồng kết hợp ủ phân vi sinh với công suất 50 tấn/ngày và hiện công ty cũng đang tiến hành xây dựng lò đốt rác công nghiệp và rác thải độc hại. Tỉnh cũng đã cho xây dựng hai nhà máy xử lý nước thải tập trung tại 2 KCN đó là Nhà máy tại KCN Đồng Văn 1 có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung với công suất 1000 m3/ngày đêm và Nhà máy tại KCN Đồng Văn 2 với công suất 2000 m3/ngày đêm.
   
  Theo đánh giá về việc thực hiện Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy, ông Mai Tiến Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Hà Nam và UBND cac tỉnh, TP trên lưu vực sông đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về BVMT. Trong đó, tập trung vào các vấn đề phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước, tăng cường quản lý nước thải, rác thải đô thị, giải quyết các vấn đề bức xúc liên vùng, liên tỉnh, từng bước thể chế hóa các quy định BVMT trong từng lĩnh vực.
  Tỉnh phấn đấu trong thời gian tới (2015-2020) sẽ đạt được nhiều chỉ tiêu về môi trường, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Cụ thể là: 85% các nguồn thải, loại chất thải và lượng thải trên địa bàn tỉnh được điều tra thống kê xử lý và quản lý; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và KCN được thu gom vận chuyển và xử lý, 100% KCN, cụm CN, TTCN  được xử lý nước thải; giảm thiểu ô nhiễm môi trường các làng nghề từ 30 lên 50%; cải tạo 50% kênh, ao, hồ đoạn sông chảy qua các đô thị đã bị suy thoái nặng…
   
Nguyễn Cường
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam: Đẩy nhanh xử lý cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO