Tới dâng hương có các đồng chí Lê Thị Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Quân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Bí thư Huyện ủy Bình Lục, Lê Xuân Huy, Giám đốc - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc - Sở Thông tin và Truyền thông,Trần Xuân Dũng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Lục, lãnh đạo xã Trung Lương cùng đông đảo các thày cô giáo, các em học sinh và người dân thôn Vị Hạ đến tham dự.
Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễu Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835, tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của ông ở làng Vị Hạ (tục gọi là làng Và), xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông mất ngày 5 tháng 2 năm 1909 tại Yên Đổ.
Nguyễn Khuyến từng đỗ đầu ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, nên được gọi là "Tam nguyên Yên Đổ". Trong hơn mười năm tham gia chính sự, Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông được thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi.
Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan. Lúc này Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1882, quân Pháp bắt đầu đánh ra Hà Nội. Năm 1885, chúng tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi.
Có thể nói, sống giữa thời kỳ các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, nên ông xin cáo quan về ở ẩn vào mùa thu năm 1884 và qua đời tại đây.
Nổi tiếng với chùm thơ về mùa thu, Nguyễn Khuyến được tôn vinh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Cả cuộc đời sáng tác văn chương của ông có trên 800 bài, trong đó đã công bố một nửa số tác phẩm.
Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên.
Buổi lễ được tổ chức với các nghi thức trang trọng, tôn nghiêm để tưởng nhớ nhà thơ của làng quê Việt Nam, một cốt cách sống tiêu biểu của một nhà nho yêu nước.
Buổi lễ dâng hương tưởng nhớ ngày mất của ông nhằm khơi dậy niềm tự hào đối với các tầng lớp nhân dân Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung, đặt biệt những người yêu thơ về truyền thống hiếu học, yêu văn thơ, yêu đất nước.