GS. Võ Tòng Xuân nhìn nhận, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đã ra đời gần 2 năm, nhưng các địa phương nông thôn Việt Nam vẫn còn rất lúng túng, chưa biết phải đầu tư ra sao và để làm gì cho bớt diện tích lúa, nguyên liệu thô.
Khuynh hướng của phần lớn các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương ĐBSCL hiện nay vẫn tiếp tục xin Thủ tướng Chính phủ duyệt kinh phí khổng lồ đem nguồn nước ngọt rất giới hạn về ngọt hóa các vùng mặn để trồng lúa. Tại sao Nhật Bản, từ một đất nước thiếu ăn do chiến tranh tàn phá, đến dư ăn và trở thành cường quốc kinh tế sau Mỹ chỉ sau 25 năm? Đó là nhờ chính sách phát triển nông nghiệp với lực lượng nông dân hùng mạnh trong hệ thống liên hợp tác xã (HTX) để thúc đẩy nhanh khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Nước ta sau hơn 40 năm phát triển trong hòa bình thống nhất, lực lượng lao động đông nhất là nông dân nhưng họ vẫn còn nghèo, mặc dù, đã có nhiều tiến bộ. Nhiều mặt hàng như trái cây nhiệt đới, thủy sản đang được nông dân sản xuất một cách tự phát, manh mún bởi hàng triệu cá thể nhỏ lẻ, kinh phí đầu tư còn hạn hẹp.
PV: Nghị quyết 120 có nhiều nội dung, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, vậy đâu là nội dung Giáo sư tâm đắc nhất?
GS. Võ Tòng Xuân: Tôi cho rằng, Nghị quyết đã tạo điểm nhấn về thay đổi tư duy cho phù hợp trong thời BĐKH, trong đó, không coi nước mặn là một trở ngại mà biến nó thành cơ hội, bớt diện tích lúa để dành đất và tiết kiệm nước ngọt trồng những cây ăn trái có giá trị cao hơn. Việc Nhà nước khuyến khích các địa phương đầu tư cho nông dân, có thể lợi dụng cơ hội đó để chung tay nâng cao GDP của đất nước, Nghị quyết đã mở ra một chân trời hy vọng cho kinh tế nước ta phát triển mạnh.
PV: Bây giờ đã có Nghị quyết, theo Giáo sư, các tỉnh, thành, người dân vùng ĐBSCL cần phải làm gì?
GS. Võ Tòng Xuân: Nông dân đang trên đà trồng lúa, các địa phương đang dốc hết kinh phí tổ chức cho nông dân trồng lúa và chỉ tiêu pháp lệnh tăng trưởng GDP hàng năm Trung ương giao cho địa phương phải đạt được tính theo sản lượng lúa. Mặc dù, giá lúa thấp, nhưng trong khi chưa có cây gì, con gì có giá trị cao hơn, việc tăng diện tích lúa vẫn là hướng đi dễ thực hiện vì cơ sở hạ tầng đã có sẵn, chỉ cần mở rộng ra thêm. Như vậy, muốn thực hiện Nghị quyết 120, các địa phương sẽ giảm diện tích lúa để lựa chọn cây trồng có giá trị cao hơn, nhưng tiêu tốn nước ngọt ít hơn, hoặc nuôi thủy sản có giá trị cao.
Thực tiễn cho thấy, các địa phương đang rất lúng túng, vì “trồng cây gì” hoặc “nuôi con gì” đều phải bảo đảm có người tiêu thụ chắc chắn, nếu không vẫn phải trồng lúa mới giữ vững được chỉ tiêu pháp lệnh GDP mà như thế lại trở về đường cũ, lợi tức của nông dân không tăng bao nhiêu. Phá vòng lẩn quẩn của cây lúa nhất thiết các địa phương cần phải có tầm nhìn cao hơn và rộng hơn, phải thấy rằng không chỉ có cây lúa mà còn có những cây trồng vật nuôi giá trị cao hơn lúa.
Chúng ta sản xuất lúa vừa phải để bảo đảm an ninh lương thực, ngoài diện tích này là để nông dân làm giàu bằng cách sử dụng đất cho mục đích khác. Nói cách khác, chúng ta phải biết kinh doanh nông nghiệp đa dạng, thông minh hơn chứ không chỉ trồng lúa. Đồng thời, cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí những vùng lúa nào cần được thay thế, rồi tìm và khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi mà họ có đầu ra chắc chắn. Từ đó, Nhà nước, địa phương cùng doanh nghiệp đó mới cùng nhau tổ chức sản xuất lại tại vùng có quy hoạch mới đó.
Nhà nước Trung ương và địa phương cần tiếp cận thông tin thị trường thế giới qua các phái đoàn ngoại giao của nước ta gửi về để phổ biến rộng rãi trong nước. Những doanh nhân năng động gặp gỡ những nhà lãnh đạo năng động của các tỉnh cùng nhau quyết tâm thực hiện Nghị quyết 120. Sự đổi mới thứ nhất trong phát triển nông nghiệp Việt Nam với sự trợ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành.
Tuy vậy, tất cả những cố gắng của Nhà nước Trung ương và địa phương cùng các nhà doanh nghiệp đều như công dã tràng nếu không có sự đổi mới của người nông dân. Phần lớn nông dân Việt Nam ngày nay làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún, nhất là nông dân trồng lúa. Phần lớn bà con nông dân còn nghèo, hoặc rất nghèo. Suy cho cùng cái nghèo của nông dân ta một phần vì chỉ biết trồng lúa giá quá rẻ mà chi phí quá cao, một phần vì chính họ luôn luôn chỉ suy nghĩ nhỏ lẻ trước mắt.
Vì vậy, làm sao cho người nông dân nhỏ lẻ thay đổi tư duy sản xuất. Đây là một thách thức lớn nhất đối với xã hội nông thôn nước ta hiện nay.
PV: Vậy, theo Giáo sư, bước đi cần thiết nhất ngay lúc này để gắn nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị?
GS. Võ Tòng Xuân: Nhà nước Trung ương và địa phương cần điều chỉnh lại quy hoạch, xem xét kỹ những vùng không thích hợp với cây lúa, không nên cưỡng thiên nhiên như thời gian trước đây, tiêu tốn ngân sách quá nhiều mà lợi ích cho nông dân không được bao nhiêu. Đồng thời, dự kiến một số cây, con có giá trị cao, thích nghi với các vùng đó để kêu gọi đầu tư. Chuẩn bị sẵn điều kiện cho nông dân trong các vùng quy hoạch mới đó có thể xây dựng HTX nông nghiệp sản xuất cụ thể những cây, con nói trên làm nguyên liệu gắn với nhà doanh nghiệp đầu tư cần nguyên liệu đó. Bên cạnh đó, tích cực kêu gọi đầu tư, với những điều kiện ưu đãi như: vốn vay nhẹ lãi, ân hạn đóng thuế, diện tích đất đai được bảo đảm theo dự án, từ đó, thiết kế điều lệ thành lập HTX nông nghiệp cho phù hợp mô hình đã xác định, gắn HTX nông nghiệp đó với nhà doanh nghiệp đầu tư đang cần nguyên liệu do HTX nông nghiệp này sản xuất.
Đất của tất cả xã viên sẽ được dồn điền đổi thửa để doanh nghiệp quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa bên cạnh các kênh tưới, kênh tiêu theo hệ thống thủy lợi của vùng, sau đó, từng xã viên sẽ nhận lại phần diện tích đất mình, trừ tỷ lệ dùng làm đường giao thông nội đồng và các kênh mương, trụ sở nhà máy chế biến…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!