Trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản và môi trường, thông qua các tác phẩm đăng tải trên báo, đã tạo dư luận, hiệu ứng tốt, phản ánh đa chiều, cung cấp đến bạn đọc và người dân Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường... Đặc biệt các vụ khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai.
Theo ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nhiều vụ việc như: Nạn khai thác cát “tặc”, tại huyện Điện Biên; suối Nậm Ngám bị đầu độc; 100 hộ dân xã Thanh Hưng đang ở trái phép trên đất nông nghiệp; người dân lấn chiếm đất nông nghiệp dọc Quốc lộ 279 để làm nhà; suối Nậm He, huyện Mường Chà bị C.ty 32 Điện Biên san lấp; mỏ vàng Háng Trợ Phì Nhừ người dân làm nán mót vàng; cảnh báo nạn châu chấu tre xuất hiện tại Điện Biên phá hoại rau màu của người dân; các vụ buôn bán người, buôn ma túy... và còn rất nhiều nội dung khác diễn ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đều được UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xem xét quy rõ trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân... có biện pháp xử lý, đồng thời, gửi văn bản trả lời Báo và gia hạn thời gian hoàn thiện.
Trong năm 2017, thường trực Báo Tài nguyên và Môi trường, tại 6 tỉnh Tây Bắc đã nhận được gần 40 đơn thư khiếu nại qua các kênh như: Hòm thư điện tử, bằng đường công văn và qua điện thoại... về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó, 22 đơn thư khiếu kiện về tranh chấp đất đai; 8 đơn kiện liên quan đến giải quyết các chế độ chính sách về đất đai của dân và chính sách áp dụng của các địa phương về khoáng sản; 7 đơn thư về lĩnh vực môi trường...
Hầu hết, các đơn thư khiếu kiện đều được đội ngũ phóng viên bám địa bàn xác minh, thực hiện và phán ánh theo nhiều hình thức tùy theo mức độ vụ việc như: Trao đổi trực tiếp, viết bài, trả lời bằng văn bản... Nhằm giúp người dân hiểu được chế độ, chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan đến lĩnh vực ngành. Bên cạnh đó, còn giúp các địa phương phản ánh đa chiều là cầu nối thông tin giữa người dân, cấp chính quyền và doanh nghiệp để hướng đến mục tiêu bình ổn đời sống xã hội, nêu cao vai trò trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân sống và làm việc theo pháp luật.
Ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai, cho biết: Báo chí nói chung và Báo Tài nguyên và Môi trường nói riêng đã làm tốt công tác của mình trong việc phản ánh thông tin. Nhờ có báo chí mà các thông tin liên quan đến cảnh báo thiên tai, sạt lở đất đá, rồi giải phóng mặt bằng... hoặc vụ xả thải thiệt hại đến nhiều diện tích dứa tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai do Nhà máy Luyện kim loại mầu của Công ty CP Tứ Đỉnh gây ra, hay vụ việc liên quan tới do rỉ nước xả thải của Công ty Apatits Bắc Nhạc Sơn gây hại tới hoa mầu của người dân.... Lãnh đạo Sở TN&MT nói riêng và các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai nói chung đã kịp thời có mặt xử lý trước, các tình hình sau đó tổ chức các cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình xảy ra, tình hình thiệt hại, cách xử lý... đồng thời, sau khi có các kết quả về quan trắc, về xử phạt cũng sẽ tổ chức họp báo để cung cấp thông tin...
Bà Hoàng Thị Thu Thủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh Sơn La, nhấn mạnh: Với Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi đánh giá, những thông tin sự kiện được phản ánh trên báo thời gian qua đều đúng thực trạng, đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Mong rằng thời gian tới, báo chí nói chung, Báo Tài nguyên và Môi trường nói riêng sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Sơn La trong việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến với người dân.